Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Việt Nam 2024: Bài toán của những nỗ lực phi thường
Khánh An - 09/02/2024 08:37
 
Chỉ còn hơn một năm nữa là Việt Nam tròn 50 năm thống nhất và hòa bình. Khoảng thời gian của hành trình khát vọng Việt Nam 2035 - 2045 cũng không còn xa.
Mục tiêu phía trước của Việt Nam không chỉ là tăng tốc phục hồi mà còn là vượt bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

1.

Liệu chúng ta có thể, có dám nghĩ đến một kịch bản tăng trưởng cao hơn, ví dụ 7% chẳng hạn? Đâu là các giới hạn hay cản lực của tốc độ tăng trưởng mà nhiều đánh giá cho là lãng mạn trong bối cảnh hiện nay? Tiềm năng và cơ sở cho thực hiện kịch bản tạm mơ ước ấy là có hay không?...

Hàng loạt câu hỏi của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam khiến buổi công bố dự báo kinh tế năm 2024 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hồi giữa tháng 1/2024 trầm lại.

Trước đó, khi CIEM công bố 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024, với kịch bản cao là GDP tăng trưởng 6,48% và kịch bản thấp hơn là 6,13%, cuộc bàn luận sôi nổi giữa các chuyên gia kinh tế chủ yếu tập trung vào những khó khăn, bất định của năm 2024. Thậm chí, đã có đề nghị CIEM bổ sung thêm phương án thấp hơn, với những giả định kém lạc quan về kinh tế thế giới, khả năng gia tăng các xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn... và cả dự báo tăng trưởng khu vực sản xuất, chế tạo chậm lại ở Trung Quốc sẽ làm giảm thương mại khu vực, đặc biệt là với các nền kinh tế mở, hướng mạnh vào xuất khẩu như Việt Nam...

Trong các dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra cuối năm ngoái, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam dao động trong khoảng 5,5-6%.

Thừa nhận các biến số đang rất khó đoán định, nhất là khi xung đột ở Trung Đông đã nóng lên, song ông Bình không muốn khoanh bài toán tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ trong năm 2024.

Nếu xem xét kỹ, ngoại trừ các yếu tố mang tính ngoại cảnh, nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam, không ít lĩnh vực tiềm năng và có thể tạo nên yếu tố đột phá. Trong đó, đầu tư của khu vực tư nhân đang nhiều dư địa.

Trong quá khứ, đầu tư của khu vực này từng có tốc độ tăng trung bình 13,2%/năm trong giai đoạn 2011-2018, có năm đạt đến 18,86%/năm. Ngay trước dịch bệnh, năm 2019, đầu tư khu vực này tăng tới 14,5%. Với tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới gần 60%, thì 1 điểm phần trăm tăng lên của đầu tư tư nhân có thể cộng thêm cho tăng trưởng  khoảng 0,41 điểm phần trăm, chưa kể các đóng góp trong tạo việc làm, thu nhập, tạo năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế...

Tuy nhiên, năm 2023 đã ghi nhận mức lao dốc mạnh của nguồn vốn này, với mức tăng 2,7%, rất thấp so với 8,7% của năm 2022. Với kịch bản tăng trưởng GDP 6-6,5%, các chuyên gia tính toán, đầu tư tư nhân phải tăng gấp đôi năm 2023, khoảng 6%.

“Dư địa có, tuy đầy thách thức. Với nỗ lực mạnh mẽ, tôi tin kịch bản 6-6,5% có thể đạt được. Nhưng mục tiêu phía trước của chúng ta không chỉ là tăng tốc phục hồi mà còn là GDP bình quân đầu người đạt 4.700-5.000 USD vào năm 2025, là vượt bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045”, TS. Bình bảo vệ quan điểm.

Giải pháp được đưa ra là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, gắn với xu thế phát triển, công nghệ, phát triển xanh… Dư địa để thực hiện cũng rất lớn.

Chính vì vậy, các nỗ lực cao hơn là chưa đủ, mà phải là những nỗ lực phi thường, ngay từ bây giờ để hiện thực hóa các dư địa. Trước hết là đưa tăng trưởng đầu tư tư nhân lên 10-15%. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng, tạo sự khác biệt về tăng trưởng trong năm 2024 và trong nhiều năm tới.

2.

Hoài bão hơn và tự đặt mức xà cao hơn, yêu cầu cao hơn trong tăng trưởng kinh tế không phải là chủ đề mới được đặt ra.

Trong cuộc hội ngộ đặc biệt giữa nhiều thế hệ chuyên gia kinh tế vào cuối năm 2023, nhân dịp ra mắt cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh”, ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều chuyên gia kinh tế có mặt hôm đó đã nhắc lại khát vọng Việt Nam 2035 với nhiều hoài bão mà  họ đã dành rất nhiều tâm huyết và kỳ vọng để viết lên cách đây tròn 10 năm, vào năm 2014.

Đầu tư của khu vực tư nhân từng đạt được tốc độ tăng trung bình 13,2%/năm. Với tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới gần 60%, thì 1 điểm phần trăm tăng lên của đầu tư tư nhân có thể cộng thêm cho tăng trưởng khoảng 0,41 điểm phần trăm.

“Hồi đó, với sự hỗ trợ của WB, chúng tôi mời được nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới, kể cả chuyên gia được giải Nobel, cùng các chuyên gia hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi đã tranh luận rất thẳng thắn, về nhiều vấn đề, để đánh giá thực chất Việt Nam đang ở đâu so với bạn bè xung quanh, so với thế giới để biết mình, biết người, để tìm hiểu tại sao chúng ta có nhiều tài nguyên, nhiều tiềm năng mà chưa khai thác được, thậm chí là kìm hãm...”, ông Vinh kể.

Cùng chia sẻ với ông câu chuyện này, có những vị tuổi đã ngoài 80-90 tuổi, như ông Vũ Quốc Tuấn, thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay GS. Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch VCCI... Có những trí thức người Việt Nam ở nước ngoài như GS. Trần Văn Thọ, ông Võ Quang Huệ và các chuyên gia kinh tế như TS. Cấn Văn Lực, TS. Nguyễn Khắc Giang, những nhà quản lý như TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương…

Với họ, Việt Nam 2035 được định hình từ những thành tựu và cả thách thức của công cuộc Đổi mới, hội nhập cộng với mục tiêu  của một nước công nghiệp hiện đại với chất lượng cuộc sống cao hơn, dù con đường đi tới rất gập ghềnh.

Đọc lại, khát vọng 2035 cũng gắn với các kịch bản. Nếu tiến hành những cải cách cần thiết để nâng tăng trưởng GDP bình quân đầu người lên mức 7% một năm, giống như quỹ đạo tăng trưởng của Trung Quốc, thì đến năm 2035 Việt Nam có thể đạt mức thu nhập như của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) vào đầu những năm 2000. Từ vị trí nước thu nhập trung bình cao, Việt Nam có cơ sở vững chắc để đạt mức thu nhập cao trong tương lai, có cơ hội thuận lợi hơn để bắt kịp, thậm chí vượt trên các nước láng giềng có thu nhập trung bình như Indonesia, Philippines. Đặc biệt, khu vực tư nhân có thể đóng góp đến 80% GDP, tạo nên sự thay đổi hoàn toàn về khu vực này...

Nhưng nếu tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người chỉ quanh quẩn ở mức 4%/năm thì đến năm 2035 Việt Nam sẽ chỉ đạt mức gần bằng Thái Lan hay Brazil năm 2014 và ít có cơ hội bắt kịp với các nước láng giềng có thu nhập trung bình cao hơn...

Cũng nói thêm, khi đó, Việt Nam  đã sớm nhận định không đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, sau khi kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng giai đoạn 2007 - 2011. Tuy nhiên, giới chuyên gia đã nhắc đến nguyên nhân từ sự mơ hồ của các tiêu chí, khiến các mục tiêu tham vọng mang tính chủ quan.

Vì vậy, ông Vinh kể, đầu bài được đặt ra cho các chuyên gia cả trong nước và nước ngoài là thẳng thắn nhận diện rõ khát vọng, cần làm gì để thực hiện đó, bao gồm cả chỉ ra những tồn tại, yếu kém.

“Có lần, tôi chủ trì một cuộc họp nhóm nghiên cứu, tôi đã nói, các anh chị có kiến thức, cứ viết những gì cần thiết, không cần né tránh, chỉ cần không nói sai, trách nhiệm chính trị tôi sẽ chịu hết vì tôi được giao là người chỉ huy thực hiện cuốn sách này”, ông kể.

Tâm huyết, nỗ lực của các tác giả đã dồn trong 6 đột phá đề xuất cần phải thực hiện. Gồm Xây dựng thể chế hiện đại; Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hòa nhập xã hội; Tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu và Chuyển dịch không gian phát triển. Trong đó, nhiều cải cách được khuyến nghị thực hiện ngay, với nỗ lực cao nhất, do các tác động ngay lập tức, như ưu tiên hàng đầu việc tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân, tăng cường các thể chế thị trường, trọng tâm là thực thi các chính sách về cạnh tranh và đảm bảo an toàn quyền tài sản và tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất, gồm phát triển thị trường đất đai, thị trường vốn...

Sau này, trong các báo cáo đánh giá, có tới 182 khuyến nghị cụ thể được đưa ra trong Báo cáo Việt Nam 2035, phần lớn đã được thể chế hóa trong nhiều nghị quyết của Đảng, trong các văn bản pháp luật cũng như quy định của Chính phủ...

3.

Vừa mới đây, Báo cáo Triển vọng thường niên năm 2024 của Tổ chức tư vấn chính sách Asia House (Anh) đã đánh giá Việt Nam và Philippines sẽ là hai quốc gia đạt thành tích nổi bật trong năm nay. Đây là báo cáo đánh giá triển vọng của 8 nền kinh tế chủ chốt ở châu Á, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Asia House cũng nhận định, trọng tâm kinh tế đã chuyển sang châu Á trong vài năm nay, song tăng trưởng sẽ tăng tốc vào năm 2024 với năng suất và thương mại khu vực tăng, dù 2024 sẽ là một năm đầy biến động về địa chính trị và môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu.

Trong bối cảnh này, một kịch bản chứa đựng khát vọng có thể là áp lực, nhưng cũng sẽ tạo cảm hứng cho những nỗ lực phi thường. Thậm chí, ngay cả khi chưa đạt được, thì nỗ lực giải quyết các tồn tại, thách thức sẽ củng cố năng lực nội tại của nền kinh tế, tạo đà cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư