Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 03 tháng 06 năm 2024,
Việt Nam cần một tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm
Barry David Weisblatt - 30/09/2014 09:27
 
() Việt Nam cần một tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm để mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chính thức có chỉ số riêng cho trái phiếu
Nên phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD?
Cơ hội vàng hốt bạc từ trái phiếu
Thị trường trái phiếu Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Á
Dòng tiền “tìm” về trái phiếu?

Bắt đầu từ năm 2003, Việt Nam đã bắt đầu phát triển thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ, tuy nhiên quy mô hiện nay còn khiêm tốn. Thị trường trái phiếu chính phủ tăng trưởng khá tốt trong khi quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn rất nhỏ.

  Việt Nam cần một tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm  
  Thị trường trái phiếu là nguồn cấp vốn quan trọng của doanh nghiệp  

Thị trường trái phiếu, ngoài vai trò là nguồn cấp vốn quan trọng của các doanh nghiệp, còn là nơi cung cấp một loại tài sản quan trọng đối với các nhà đầu tư dài hạn. Các quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm dựa vào những tài sản có kỳ hạn dài để cố định mức lợi tức cần thiết, nhằm bảo đảm các sản phẩm tiết kiệm cho khách hàng của họ.

Trước đây, điều này không được chú trọng ở Việt Nam, do quy mô gia đình lớn và chi phí sinh hoạt tương đối thấp, người già đã có thể dựa vào con cái của họ để được chăm sóc khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhân khẩu học của Việt Nam đang thay đổi. Khi quy mô gia đình thu nhỏ, người trẻ ngày nay sẽ không sinh quá nhiều con để có thể dựa vào khi về già.

Bên cạnh đó, chi phí y tế cho người cao tuổi sẽ tăng lên khi Việt Nam phát triển các dịch vụ y học hiện đại. Do đó, người Việt sẽ có nhu cầu lớn hơn đối với các sản phẩm tiết kiệm dài hạn để chi tiêu cho giai đoạn hưu trí của họ và trái phiếu doanh nghiệp dài hạn được coi là một phương tiện tiết kiệm thích hợp.

Khi nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Indonesia, thị trường trái phiếu nội tệ của họ đều phát triển mạnh mẽ. Tổng giá trị trái phiếu phát hành năm 2013 tại các nước này lần lượt đạt 28 tỷ USD, 17 tỷ USD và 9 tỷ USD, so với 0,9 tỷ USD tại Việt Nam. Thị trường trái phiếu đã và đang là nguồn cung vốn chủ chốt và do đó, là động lực chính cho phát triển kinh tế tại những nước này.

Vậy tại sao thị trường trái phiếu tại các nước trong khối ASEAN lại phát triển hơn Việt Nam? Lý do chính nằm ở việc Việt Nam không có cơ quan xếp hạng nào được công nhận rộng rãi. Trong khi đó, Malaysia có hai công ty Rating Agency Malaysia (RAM) và Malaysian Ratings Company (MARC), Indonesia có Pefindo, còn tại Thái Lan là TRIS.

RAM Holdings, trước đây là Rating Agency Malaysia Berhad, thành lập vào tháng 11/1990, là cơ quan xếp hạng đầu tiên của Malaysia hoạt động với tư cách là chất xúc tác cho thị trường vốn và nợ nội địa. Trong quá trình hoạt động, RAM đã giúp huy động tổng cộng 270 tỷ USD trái phiếu phục vụ phát triển hạ tầng, doanh nghiệp ở Malaysia và 11 quốc gia khác.

MARC được thành lập năm 1995 và trở thành công ty xếp hạng tín dụng thứ hai ở nước này. Công ty cung cấp đầy đủ các dịch vụ xếp hạng từ thương phiếu, trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi đến cổ phiếu có tài sản đảm bảo.

Một trong những lý do để RAM và MARC trở nên quan trọng đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu chính phủ Malaysia là vì hai công ty này nhận được rất nhiều hỗ trợ từ chính phủ. Ủy ban Chứng khoán Malaysia ra hướng dẫn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có yêu cầu các đơn vị phát hành phải có chỉ số đánh giá tín nhiệm từ một trong hai công ty trên.

TRIS là công ty Thái Lan đầu tiên cung cấp dịch vụ định mức tín nhiệm từ năm 1993, sau đó đổi tên là Tập đoàn TRIS vào năm 2007. Vào tháng 11/2011, cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế - Standard & Poors đã mua 5% vốn sở hữu của TRIS, từ đó càng làm tăng uy tín của TRIS.

PT. PEFINDO được thành lập tại Jakarta vào 21/12/1993, theo sáng kiến của BAPEPAM (Ban kiểm soát thị trường vốn) và Ngân hàng Indonesia (Ngân hàng trung ương). Ngày 13/8/1994, PEFINDO đã được cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và duy trì là một trong các tổ chức hỗ trợ thị trường vốn của Indonesia từ đó đến nay. Để cải thiện các phương pháp đánh giá và tiêu chí cũng như quá trình đánh giá, PEFINDO nhận được sự hỗ trợ từ đối tác nước ngoài Standard & Poor’s.

Do những công ty đánh giá tín nhiệm nhận được sự ủng hộ của chính phủ và liên kết chặt chẽ với các đối tác nước ngoài, họ có thể đưa ra định mức tín nhiệm cho các đơn vị phát hành trên thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ. Mức độ tín nhiệm trở thành một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn và cung cấp các sản phẩm tiết kiệm hưu trí, mà cả hai lợi ích này đều sẽ được đánh giá cao tại Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư