Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam hướng đến đào tạo giảng viên chuyên ngành EPR
Như Loan - 02/12/2021 14:13
 
Triển khai đào tạo giảng viên về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất để từng bước nâng cao nhận thức về trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp, hướng đến triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là cơ chế tiếp cận chính sách môi trường được xem như chìa khoá thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Cơ chế này được áp dụng tại một số quốc gia châu Âu, châu Á và đã đem lại nhiều lợi ích cho môi trường, xã hội và kinh tế.

Tại Việt Nam, nguyên tắc cơ bản của cơ chế EPR được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 với kỳ vọng cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp – Expertise France phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC), Bộ Xây dựng tổ chức Khoá đào tạo giảng viên về EPR đối với bao bì trong 2 ngày 24 - 25/11/2021 để tạo nguồn giảng viên cho các khóa học sắp tới về EPR dành cho tất cả các thành phần tham gia sản xuất và tiêu dùng bao bì.

Các chuyên gia và học viên tham gia khóa đào tạo chụp ảnh lưu niệm sau khi khóa học kết thúc

Tới dự khoá đào tạo có sự hiện diện của đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Đại sứ quán Đức tại Việt Nam; Expertise France; Bộ Tài nguyên và Môi trường; AMC cùng các học viên tham gia khoá đào tạo.

Khóa đào tạo đã chia sẻ các nội dung liên quan đến lộ trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, một số chính sách và dự thảo Nghị định EPR, Bộ công cụ EPR đối với bao bì, Vai trò của lực lượng thu gom, xử lý phế liệu tự do trong việc thu gom và phân loại rác thải bao bì và trong chương trình EPR ở Việt Nam, Bài học kinh nghiệm và đề xuất cho việc thực hiện cơ chế EPR và thiết lập PRO tại Việt Nam...

Ngoài ra, xuyên suốt ba Mô-đun của khoá đào tạo, các chuyên gia quốc tế như ông Christophe Pautrat từ Landbell Group và bà Elena Rabbow, chuyên gia dự án đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thiết kế và áp dụng EPR tại một số quốc gia châu Âu. Đặc biệt, trong Mô-đun thứ ba về tái chế, ông Sebastian Frisch, Tổ chức Blackforest Solutions đã trình bày tổng quan về các công nghệ xử lý chất thải bao bì nhựa, các cách làm hay của châu Âu, việc chuyển giao công nghệ cho Đông Nam Á và khả năng tái chế của vật liệu.

Vai trò của PRO trong hệ thống EPR

Phát biểu khai giảng khóa đào tạo, ông Trần Hữu Hà, Giám đốc AMC khẳng định: “Khoá đào tạo này sẽ là bước khởi đầu cho quá trình hợp tác nhằm phổ biến bộ công cụ EPR đến tất cả mọi thành phần tham gia vào phát triển đô thị, không chỉ là các doanh nghiệp mà cả các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế, hội nghề nghiệp, chính quyền đô thị… Hành động giảm rác thải nhựa cần sự đồng hành và quyết tâm của tất cả các bên”.

“Expertise France hiện đang hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiều hoạt động về quản lý chất thải nhựa, góp phần xây dựng khung pháp lý về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì. Mục tiêu của khóa học là đào tạo các chuyên gia, những người sẽ là giảng viên tại các khóa đào tạo nhân rộng nhằm nâng cao năng lực về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì. Nội dung đào tạo được xây dựng dựa trên phiên bản tiếng Việt của Bộ công cụ EPR (EPR toolbox) do PREVENT Waste Alliance thực hiện và dựa trên các quy định về EPR trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường”, bà Fanny Quertamp, chuyên gia tư vấn cấp cao Việt Nam - Expertise France chia sẻ.

Cuối khóa học, học viên đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo giảng viên liên quan đến Bộ công cụ EPR.

Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” đã đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay từ giai đoạn đầu xây dựng chính sách EPR như cung cấp số liệu, lý luận, kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện tại Việt Nam để chúng tôi có cơ sở thực tiễn đưa vào Luật Bảo vệ môi trường. Đây là chính sách tuy không mới nhưng là lần đầu tiên được áp dụng một cách đầy đủ nhất để đảm bảo việc tuần hoàn tài nguyên, bước đầu thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam cũng như giảm thiểu chất thải nhựa tại Việt Nam.

"Đây là buổi đào tạo đầu tiên về EPR và Bộ Tài nguyên và Môi trường sắp tới sẽ nhân rộng khi triển khai EPR để mọi người hiểu và áp dụng cơ chế EPR một cách hiệu quả,” ông Nguyễn Thi, chuyên viên chính Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư