Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Việt Nam kiên trì chống chọi với khó khăn
Hà Nguyễn - 02/07/2020 19:29
 
Trong bối cảnh nhiều quốc gia vật vã với suy thoái kinh tế, thì kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, dù ở mức thấp (1,81%).

Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống chọi với khó khăn, thách thức.

Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng 2,8%. Trong ảnh: Nhà máy UMC 100% vốn Nhật Bản tại Cẩm Giàng (Hải Dương). Ảnh: Đức Thanh
Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng 2,8%. Trong ảnh: Nhà máy UMC 100% vốn Nhật Bản tại Cẩm Giàng (Hải Dương). Ảnh: Đức Thanh

Chống chọi với khó khăn

“30 năm tính toán số liệu tăng trưởng GDP theo thông lệ quốc tế, chưa bao giờ chúng tôi gặp những chỉ số thấp như vậy”, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã rất thành thật chia sẻ như vậy về những số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, mà Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố sáng 29/6/2020.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, với tăng trưởng GDP quý II/2020 ước chỉ đạt 0,36%, cộng thêm sau khi tính toán lại, tăng trưởng GDP quý I/2020 không phải đạt được 3,82% như ước tính, mà còn thấp hơn 0,2 điểm phần trăm, thì tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1,81%.

“Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 10 năm qua”, lãnh đạo của Tổng cục Thống kê cho biết.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm các năm từ 2011 trở lại đây lần lượt là 5,92%; 4,93%; 4,90%; 5,22%; 6,32%; 5,65%; 5,83%; 7,05%; 6,77% và 1,81%. Thậm chí, không chỉ là 10 năm, tốc độ tăng trưởng này là rất thấp trong chặng đường hơn 30 năm Đổi mới của Việt Nam.

Điều đó cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội Việt Nam như thế nào. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Trung Tiến cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, khi nhiều nền kinh tế lớn đang vật vã với suy thoái kinh tế, thì việc kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương là một điều rất đáng ghi nhận. “Nền kinh tế của chúng ta đã không bị đứt gãy”, ông Tiến nói.

Có chung quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho rằng, dù mức tăng trưởng GDP của 6 tháng đầu năm nay là rất thấp, song nếu so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu, thì mức tăng trưởng 1,81% vẫn có thể coi là “tích cực”.

Tuy thế, nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn, thì rõ ràng, kịch bản xấu nhất về tăng trưởng kinh tế 2020 đã xảy ra. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cũng đã rất vất vả để chống chọi với những tác động của đại dịch Covid-19.

Một số con số có thể viện dẫn. Chẳng hạn, trong quý II/2020, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng, con số này chỉ là 2,71%.

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3%. Khách quốc tế vẫn giảm sâu, 6 tháng đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu 6 tháng giảm 1,1%; thu ngân sách giảm 11,1% so với cùng kỳ…

Mọi mặt của nền kinh tế đều gặp khó. Sức mua suy giảm ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, thật khó để kinh tế Việt Nam bứt phá, dù Covid-19 đã được kiểm soát tốt. Nhưng nền kinh tế Việt Nam đã kiên trì chống chịu. Các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… đều đã khẳng định điều này.

Kiên trì vượt thách thức

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là những diễn biến của nền kinh tế thậm chí còn “xấu” hơn cả dự báo. Chính vì thế, ông Tiến cho biết, Tổng cục Thống kê đang phải tính toán lại các kịch bản kinh tế trong năm nay.

Cụ thể, ở kịch bản thấp, thay vì mức dự báo tăng trưởng 3,46% trước đây, Tổng cục Thống kê giờ đây chỉ đưa ra con số 3,32%. Tương tự, ở kịch bản trung bình, thay vì 4,45% là 3,8%. Còn ở kịch bản cao, thế chỗ con số 5,2% sẽ là 4,2%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thừa nhận, mọi kịch bản được xây dựng và đưa ra trong lúc này đều có thể trở thành lạc hậu bất cứ lúc nào, nhất là khi đại dịch Covid-19 càng ngày càng diễn biến phức tạp.

“Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu. Bởi thế, thị trường xuất khẩu là tối quan trọng, không có xuất khẩu thì chúng ta không thể tăng trưởng được. Hiện nay, năng lực sản xuất trong nước của chúng ta chưa bị ảnh hưởng, cái đáng lo nhất là không có thị trường”, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân nói.

Không có thị trường, nên không có động lực sản xuất, doanh nghiệp cũng không mặn mà vay vốn để đầu tư. Đó là lý do vì sao, tính tới ngày 23/6, tín dụng của toàn nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,71%, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.

Dù vậy, các số liệu thống kê cũng cho thấy, cả nền kinh tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đang rất kiên trì để vượt qua thách thức. Sau giãn cách xã hội, khi các hoạt động kinh tế - xã hội dần thiết lập trạng thái “bình thường mới”, doanh nghiệp bắt đầu gia tăng đầu tư cho sản xuất - kinh doanh.

Tháng 6/2020, cả nước có 13.725 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 139.100 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 100.000 lao động, tăng 27,9% về số doanh nghiệp, tăng 23,4% về vốn đăng ký và tăng 9,4% về số lao động so với tháng trước.

Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng cho thấy, dự kiến quý III/2020 so với quý II/2020, có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định.

Doanh nghiệp vẫn đang tích cực tìm cơ hội cho mình. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng vẫn đang được thực hiện. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ cũng đang được đẩy nhanh.

Có một thông tin tích cực, đó là hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản đang trở lại trạng thái bình thường; các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ghi nhận sự khởi sắc cả về tiến độ và mức độ thực hiện. Ước 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện đạt trên 154.000 tỷ đồng, bằng 33,1% sự toán, tăng 19,2% so với cùng kỳ.

“Chúng tôi tính toán, năm nay, chúng ta chỉ cần giải ngân được 470.000 tỷ đồng (tức là hết số vốn kế hoạch năm 2020, chưa tính phần chuyển nguồn - PV), thì có thể đóng góp được 2 - 3% cho tăng trưởng, đảm bảo được kịch bản tăng trưởng cũ”, ông Tiến nói.

Việt Nam có nên giữ mục tiêu tăng trưởng GDP
Quốc hội quyết định chỉ tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 6,8%, Chính phủ chưa đề nghị điều chỉnh, song đại biểu Quốc hội sốt ruột.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư