Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tăng trưởng GDP trông vào giải ngân vốn đầu tư công
Mạnh Bôn - 10/04/2020 08:46
 
Khi mọi hoạt động kinh tế gần như bị ngưng trệ bởi đại dịch Covid-19 thì hoạt động đầu tư được xem là cứu cánh. Tuy nhiên, trong quý I/2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng rất thấp. “Trong bối cảnh này, phải trông đợi vào vốn đầu tư công”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê) chia sẻ.
.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm rất sâu trong quý I/2020, đặc biệt là vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2020 ước đạt 367.900 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019 - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2015 trở lại đây. Đây là hệ quả tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các ngành kinh tế, từ đó tác động trực tiếp giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Mạng lưới cung - cầu trong nước cũng như giao thương với nước ngoài bị gián đoạn khiến máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… phục vụ cho sản xuất, kinh doanh bị thiếu hụt, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ sản xuất cầm chừng do thiếu nguyên phụ liệu, linh kiện, hoặc không tìm được đầu ra, dẫn đến đầu tư của khu vực ngoài nhà nước giảm khá mạnh, chỉ bằng khoảng 30% so với tốc độ tăng trong giai đoạn 2015-2019.

Nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2019, thưa ông?

Tổng vốn FDI đăng ký trong quý I vừa qua đạt 5.531,5 triệu USD, đúng là tăng gần 45% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng nếu trừ đi dự án sản xuất, phân phối điện, khí đốt trị giá 4 tỷ USD ở Bạc Liêu, thì tổng vốn FDI đạt rất thấp. Hơn nữa, trong hoạt động đầu tư nói chung, FDI nói riêng, quan trọng là vốn thực hiện, vốn thực tế đầu tư, còn vốn đăng ký chỉ là vốn ảo.

Ngay cả tính theo vốn đăng ký thì quý I vừa qua, vốn FDI cũng bị giảm. Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài (tính đến ngày 20/3/2020) bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm khoảng 21%, trong đó, chỉ có 236 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD, giảm 18%; có 2.523 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Dòng vốn FDI quý I/2020 bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư, hội thảo, các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn xúc tiến đầu tư của nhà đầu nước ngoài dự kiến được tổ chức, “roadshow” trong 3 tháng đầu năm đã bị trì hoãn. Cũng vì Covid-19 nên rất nhiều dự án FDI có ý định tăng vốn quyết định dừng lại và chờ đợi.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào vốn đầu tư. Trong bối cảnh này chắc chỉ còn trông chờ vào vốn đầu tư công?

Lường trước khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, nên ngay từ đầu năm, Chính phủ đã thúc giải ngân vốn đầu tư công. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và ngày càng nguy hiểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 4/3/2020) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là yêu cầu thúc đẩy đầu tư công để bù đắp thiếu hụt của nguồn vốn tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, ngay cả khi chưa có Chỉ thị 11/CT-TTg, thì hoạt động đầu tư công quý I năm nay cũng đã khởi sắc do năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, nên Chính phủ rất quyết tâm giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2020. Trong đó có việc phân giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm, thay vì giao làm nhiều lần, giao chậm.

Khối lượng giải ngân vốn đầu tư công quý I/2020 đạt cao còn nhờ Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã trao thêm nhiều quyền tự chủ, chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy vốn đầu tư, điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân hết vốn, sang dự án đẩy nhanh tiến độ.

Giả sử năm nay giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ tác động đến tăng trưởng thế nào, thưa ông?

Với quyết tâm của Chính phủ và thi hành Luật Đầu tư công sửa đổi nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay và cả những năm tiếp theo chắc chắn khả quan hơn nhiều. Tính đến ngày 31/3/2020, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 61.591 tỷ đồng, bằng 13,1% kế hoạch vốn (cùng kỳ năm 2019 đạt 11,2% kế hoạch).

Bình quân giai đoạn 2016-2019, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 91-93% kế hoạch, tức là còn 7-9% số vốn đã có trong kế hoạch nhưng không giải ngân được. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân thêm 1% kế hoạch vốn đầu tư công, thì GDP tăng trưởng 0,06 điểm phần trăm. Như vậy, nếu năm nay giải ngân 100% kế hoạch vốn thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 - 0,54 điểm phần trăm. Nếu giải ngân thêm 1% vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng 1,34 điểm phần trăm. Lĩnh vực xây dựng tăng trưởng sẽ kéo theo hàng loạt ngành liên quan cả trực tiếp lẫn gián tiếp tăng trưởng, nhất là sản xuất vật liệu xây dựng.

Khi vốn khu vực nhà nước được khơi thông sẽ kéo theo nguồn vốn của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế, là yếu tố vô cùng quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Tăng trưởng GDP trông chờ vào đầu tư công
Một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản tháng 2/2020 đã có xu hướng phục hồi như chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu, vốn đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư