Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam có nên giữ mục tiêu tăng trưởng GDP
Nguyên Vũ - 05/05/2020 11:23
 
Quốc hội quyết định chỉ tiêu GDP năm 2020 tăng khoảng 6,8%, Chính phủ chưa đề nghị điều chỉnh, song đại biểu Quốc hội sốt ruột.
.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp sáng 5/5 (Ảnh: Mỹ An) 

"Các nước trên thế giới đều dự báo kinh tế sẽ suy giảm, thì Việt Nam không thể ra ngoài vòng xoáy đó, tôi khẳng định không thể giữ được chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay, vậy giảm bao nhiêu phải dự báo, không chỉ dự báo cho năm nay mà cho cả nhiệm kỳ".

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh đã nhấn mạnh quan điểm trên tại phiên họp thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020, sáng 5/5.

Theo báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên họp, những tháng cuối năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, năng lực nội tại, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế trước những biến động của thế giới và tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy được đánh giá đã tổ chức phòng chống, dập dịch có hiệu quả và có thể kết thúc dịch sớm hơn so với các nước khác, nhưng ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài đối với kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, Chính phủ không đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được Quốc hội quyết định cho năm 2020.

Tham dự phiên thẩm tra, bên cạnh các thành viên Ủy ban Kinh tế, đại diện các cơ quan của Quốc hội, còn có một số vị chuyên gia kinh tế, tài chính.

Gợi mở các vấn đề cần thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, khi xây dựng kế hoạch phát triển 2020 thì chưa có Covid - 19. Đến nay, dịch đã diễn ra hơn 4 tháng và diễn biến hết sức phức tạp, vì vậy, cần phải đánh giá sâu ảnh hưởng của yếu tố mới này.

Tăng trưởng quý I/2020 dù chỉ 3,82%, nhưng đây là tăng trưởng hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển những quý tiếp theo, ông Vũ Hồng Thanh đánh giá.

Nhưng, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh Thanh băn khoăn, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, mà Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì Việt Nam sẽ thế nào? "Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng thì ngân sách lấy đâu ra nguồn thu, vậy phải báo cáo Quốc hội xem thế nào, cũng như ở nhà thôi, tiền ít thì phải cắt giảm nhiều khoản chi", ông Thanh đặt vấn đề.

Khẳng định Việt Nam đang chống dịch rất tốt, song bức tranh kinh tế thế nào, mảng sáng nhiều hơn hay mảng tối nhiều hơn, điều hành của Chính phủ đã ổn hay chưa... là những vấn đề Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh muốn được đánh giá kỹ tại phiên thẩm tra.

Phát biểu của cả đại biểu Quốc hội và chuyên gia sau đó đều đánh giá rất cao tư duy, hành động của Chính phủ trong chống Covid- 19.

Song, ảnh hưởng của dịch bệnh này đến nền kinh tế, các giải pháp để ứng phó trong các tháng tiếp theo với những kịch bản cụ thể cần được báo cáo chi tiết hơn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đặt vấn đề, Chính phủ không đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu, nhưng hiện tại các dự báo đều xấu, vậy thì Quốc hội cần tính thế nào?

Chính phủ quyết tâm thì hoan nghênh, nhưng Quốc hội giao chỉ tiêu, tình hình thế giới thay đổi thì ta nên có thay đổi, trong nước phải lựa chọn chỉ tiêu nào là chỉ tiêu quan trọng. Từ trước đến nay, chỉ tiêu tăng trưởng rất quan trọng, nhưng lúc đại dịch thì nhiều ý kiến nói tiền không ý nghĩa nữa, nên chăng chỉ tiêu về việc làm nên được nêu ra, ông Tiến phát biểu.

Đồng tình với quan điểm cân nhắc đến các chỉ tiêu đã  Quốc hội quyết được đại biểu Tiến nêu trước đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, đại dịch lây lan toàn thế giới, các nước đều dự báo suy giảm thì Việt Nam không thể ra ngoài vòng xoáy đó.

"Ta cứ khư khư giữ mục tiêu tăng trưởng thì không nên", ông Sinh nói.

Đề nghị của đại biểu Sinh là Chính phủ cần xây dựng kịch bản tương ứng với các dự báo tiến độ dập dịch, mỗi kịch bản đó kèm theo toàn bộ chỉ tiêu và những kiến nghị cụ thể.

Việc có kịch bản, theo đại biểu Sinh là để Quốc hội quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành linh hoạt, tránh điều hành giật cục như xuất khẩu gạo vừa qua, khổ doanh nghiệp, khổ người dân.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Chính phủ nên đề xuất Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu trên cơ sở các kịch bản cụ thể, nhưng không nên chốt một con số cứng, mà nên là một khoảng để tạo dư địa điều hành về trần nợ công, bội chi...

Phát biểu sau đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói, xây dựng kịch bản thì dễ, nhưng quan trọng là năng động trong môi trường năng động. Thời gian qua Chính phủ hết sức năng động và năng nổ.

Xây dựng kịch bản phát triển quốc gia sau đại dịch
Ngoài việc xác định những việc cần làm ngay để có những phản ứng chính sách kịp thời, cũng cần chủ động xây dựng kịch bản phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư