Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam lần đầu có hệ thống truy suất “dấu chân carbon” trên trái thanh long
Nhung Bùi - 21/08/2023 15:06
 
Hệ thống giúp người tiêu dùng biết được lượng khí carbon thải ra trong từng công đoạn trồng thanh long, từ đó nắm rõ mức độ sản xuất “xanh” của loại trái cây này.

Không chỉ nằm ở việc truy suất nguồn gốc, lần đầu tiên, Việt Nam đã xây dựng hệ thống riêng để kiểm soát lượng phát thải carbon trong quá trình trồng cây thanh long.

Hệ thống hiện được triển khai trên 99 vườn trồng thanh long tại 4 đơn vị ở tỉnh Bình Thuận gồm: HTX Thanh long Hòa Lệ, HTX Hàm Minh, HTX Thuận Tiến và Công ty Phúc Hà. Đây là một hoạt động trọng điểm của lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long trong 3 năm, với sự hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và tỉnh Bình Thuận.

Trong hệ thống này, các thiết bị thông minh lắp đặt tại vườn trồng sẽ tự động đo lường phát thải khí carbon và cập nhật lên không gian mạng. Đặc biệt, công nghệ này còn phân tích để đưa ra các giải pháp giảm phát thải carbon trong sản xuất. Cụ thể, nếu vườn trồng chuyển đổi sử dụng điện chiếu sáng từ bóng compact sang đèn led sẽ giúp giảm tới 68% lượng phát thải từ sử dụng điện năng.

Ngoài ra, nếu trồng xen cây thân gỗ tại các bờ bao, đường ranh giới, khoảng trống trong vườn sẽ giúp hấp thu đáng kể lượng khí carbon do cây thanh long thải ra. Theo ước tính, nếu vườn trồng 100 - 300 cây thân gỗ/ha sẽ hấp thụ được 0,9 - 2,8 tấn CO2/ha/năm, tương đương giảm 20 - 45% lượng phát thải.

Bằng cách cấp tài khoản tham gia hệ thống, vườn trồng sẽ chủ động theo dõi và thống kê dấu chân carbon theo thời gian thực, từ đó có phương án điều chỉnh sản xuất theo hướng “xanh hóa” cho phù hợp. Về phía người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế, khi mua trái thanh long được trồng tại Bình Thuận, họ có thể quét mã QR truy xuất nguồn gốc để biết rõ lượng khí carbon trong từng công đoạn sản xuất, biết được mức độ thực hành "xanh" hoặc thân thiện với môi trường của loại trái cây này.

Ảnh: UNDP.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam đánh giá: “Lần đầu tiên, Việt Nam đã thiết lập một hệ thống truy xuất điện tử để theo dõi nguồn gốc và lượng khí thải các bon của từng trái thanh long được trồng tại một khu vực xuất khẩu lớn như Bình Thuận. Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển dịch xanh trong sản xuất nông nghiệp, đây là công cụ quan trọng cho cả nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương để theo dõi và quản lí mức độ phát thải trong chuỗi cung ứng nông sản. Điều này giúp đảm bảo cho nông dân và các công ty xuất khẩu bắt kịp với yêu cầu của các thị trường xuất khẩu cao cấp”.

Theo thông tin từ UNDP, người nông dân trồng thanh long cũng được hưởng lợi từ việc tham gia chương trình, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Ông Lê Văn Kha (Hợp tác xã Hòa Lệ) cho biết bên cạnh theo dõi tiến độ sản xuất và tình hình kinh doanh, với hệ thống truy suất lượng phát thải carbon, ông còn dành thời gian cập nhật thông tin chi tiết về lượng nước tưới, phân bón và năng lượng (như điện năng, xăng, dầu,…) sử dụng trong từng giai đoạn sản xuất như gieo hạt, ra hoa, thu hoạch.

Dữ liệu này sẽ được phân tích bằng một công cụ do chuyên gia của dự án cung cấp, từ đó, ông Kha có thể dễ dàng theo dõi lượng phát thải trong quy trình canh tác của gia đình theo vụ, theo diện tích trồng, hay cụ thể hơn theo từng kilogram quả trước khi bán ra thị trường.

“Gần đây, tôi đã kí được một hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn thanh long sang châu Âu", ông Kha chia sẻ cùng UNDP. “Vị giám đốc phụ trách nhập hàng đã tới tận nơi thăm vườn, và rất hài lòng với quy trình giám sát, theo dõi khí thải cũng như phương thức canh tác thân thiện với khí hậu mà gia đình tôi áp dụng (GlobalGAP). Tôi rất mong tiếp tục sử dụng công cụ theo dõi dấu chân carbon mà UNDP đang giúp đỡ phát triển tại Bình Thuận trong thời gian tới”.

Hiện nay, nhiều thị trường xuất khẩu có yêu cầu và sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm tuân thủ các chuẩn mực "xanh", tiêu chuẩn "xanh" trong quá trình sản xuất. Việc đẩy mạnh các hoạt động canh tác theo hướng “xanh hóa”, giảm lượng phát thải carbon ra môi trường sẽ giúp nông sản Việt tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; người nông dân trồng cấy với chi phí thấp hơn nhưng đạt lợi nhuận cao hơn, từ đó hướng tới xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Sáng kiến toàn cầu về minh bạch tín chỉ carbon
Ngày 28/6, một tổ chức sáng kiến toàn cầu đã khởi động xây dựng tiêu chuẩn đánh giá những tuyên bố của các doanh nghiệp về tiến trình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư