Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam - Singapore hướng tới quan hệ đối tác chiến lược
Thanh Tùng - 10/08/2013 07:29
 
Nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về tình hình và triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ hai nước đã phát triển như thế nào, thưa ông?

40 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc và đồng đều trên hầu hết các lĩnh vực và đang hướng tới tầm đối tác chiến lược.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Theo ông, đâu là những điểm nổi bật trong quan hệ hai nước 40 năm qua?

Thứ nhất, quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng tin cậy và gần gũi, thường xuyên có các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao, tạo động lực cho quan hệ hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực.

Nhiều hiệp định/thỏa thuận hợp tác ký kết trong các chuyến thăm, cùng với các cơ chế hợp tác song phương, như Hội nghị cấp Bộ trưởng về kết nối Kinh tế Việt Nam - Singpapore và Tham khảo Chính trị thường niên cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao, đã tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế vững chắc cho sự hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trong những thập kỷ gần đây, Singapore luôn là một trong những đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam và đến nay, vẫn thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu về đầu tư.

Hai nước có các cơ chế hợp tác đặc thù và rất hiệu quả, như Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế (năm 2005), trong đó 6 lĩnh vực kết nối được ưu tiên là tài chính, bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin, giao thông - vận tải, giáo dục - đào tạo, thương mại - dịch vụ, đầu tư.

Thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng ngày càng phát triển trên cơ sở Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (năm 2009) và Thỏa thuận Hợp tác về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia (gia hạn năm 2012).

Thứ tư, hợp tác giáo dục - đào tạo cũng đạt nhiều thành tựu lớn, tạo điều kiện hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực. Singapore chú trọng giúp Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kể cả ở kênh quan hệ Đảng và đào tạo nhân lực trong các ngành công nghệ cao.

Thứ năm, hai nước quyết định nâng quan hệ lên đối tác chiến lược nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2013 - dấu mốc quan trọng khẳng định sự thành công và phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước sau 4 thập kỷ.

Ông có thể đánh giá triển vọng hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian tới?

Hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục được củng cố cùng quan hệ kinh tế song phương đang ngày càng lớn mạnh. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 9,6 tỷ USD và Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam.

Hiện Singapore đứng thứ 3/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 1.154 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 27,2 tỷ USD. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao… và được đánh giá là rất hiệu quả, do đó, mang tính bền vững, không chỉ tạo việc làm, mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ.

Đặc biệt, 5 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã trở thành hình mẫu hợp tác kinh tế giữa hai nước. Để tiếp tục khai thác tiềm năng phát triển trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, lãnh đạo hai bên thường xuyên nhấn mạnh việc phối hợp về chính sách và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước.

Về phía Việt Nam, chúng ta đề nghị Singapore tiếp tục tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực mà Singapore có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu, như công nghệ cao, công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, du lịch.

Việt Nam và Singapore cần làm gì để tăng cường liên kết và nâng cao vị thế của ASEAN?

Cả Việt Nam và Singapore đều nỗ lực xây dựng một ASEAN đoàn kết, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Hai nước thống nhất quan điểm xây dựng tầm nhìn để ASEAN phát triển vững mạnh hơn nữa trong những thập kỷ tiếp sau năm 2015.

Theo đó, cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động và hạt nhân trong liên kết, kết nối cũng như trong bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực, trong đó có việc triển khai các sáng kiến về Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á, mở rộng kết nối ASEAN +3 và Đông Á, phát huy các nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á, Tuyên bố Bali về quan hệ cùng có lợi, Tuyên bố Bali III về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng Các quốc gia toàn cầu, cũng như cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức.

Doanh nghiệp Việt ở Thung lũng Silicon Đông Nam Á
Các đại diện của khoảng 50 doanh nghiệp cùng hơn 100 chuyên gia Việt Nam và Singapore đã tham dự sự kiện “Kết nối Kinh doanh 2.0” do Hội Chuyên gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư