Thứ Bảy, Ngày 10 tháng 05 năm 2025,
Việt Nam vượt lên trong “cuộc đua xanh”
Bảo Duy - 13/09/2019 08:49
 
Khoảng 800 đại biểu đã có mặt trong Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững, diễn ra ngày 12/9 tại Hà Nội.
.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững.

Lần đầu tiên, hội nghị có sự tham gia đầy đủ đại diện là lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể quần chúng, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Thông điệp rất rõ ràng đã được phát đi. Đó là thông điệp về sự chung tay hành động của cả hệ thống chính trị và cộng đồng để thúc đẩy phát triển bền vững, vì một thập niên phát triển bền vững hơn của Việt Nam.

Phải nhắc lại, vào tháng 9/2015, tại Hội nghị của Liên hợp quốc, với sự có mặt của những người đứng đầu 193 quốc gia thành viên, Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững với sứ mệnh của một “chương trình nghị sự chuyển đổi thế giới” đã được thông qua.

17 mục tiêu phát triển bền vững bảo đảm hài hoà các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, giữ vai trò định hình, định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu được xác lập. Với chương trình nghị sự này, cả thế giới đang trên cùng con đường phát triển hướng tới mục tiêu: hiệu quả hơn, nhân văn hơn và thân thiện với môi trường hơn theo phương châm “vì con người và không làm đau trái đất”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” và “ không để lại gánh nặng cho con cháu”...

Cũng bắt đầu từ đây, phát triển bền vững là hệ giá trị của thế giới hiện đại, là nền tảng tương tác giữa các quốc gia, là nhịp cầu kết nối con người với con người và là giấy thông hành để doanh nghiệp vào thị trường thế giới. Để lại “dấu chân xanh” trên bản đồ kinh tế toàn cầu là chuẩn mực của của 1 doanh nghiệp nhân văn. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… cũng đã được thiết kế trên các nền tảng này.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững. Bên cạnh việc ban hành chương trình quốc gia về phát triển bền vững, thành lập Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam đã đưa các mục tiêu phát triển bền vững đã được lồng ghép, tích hợp trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Xét về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Việt Nam hiện xếp hạng chưa cao trong các bảng tổng sắp toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh năm 2018, còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh.

Nhưng, cũng trong năm 2018, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững, chỉ thua Thái Lan trong ASEAN. Đặc biệt, các mô hình kinh tế mới, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, của đòi hỏi của cuộc đua xanh như kinh tế tuần hoàn; đối tác công - tư... đang được tạo cơ chế để hình thành, phát triển, tạo động lực để các doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm, gắn hoạt động sản xuất – kinh doanh với phát triển bền vững... Một cộng đồng doanh nghiệp tăng trưởng bền vững sẽ đóng góp vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội...

Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam đang vượt lên trong “cuộc đua xanh”.

Song để thực sự vượt lên, hưởng lợi trong “cuộc đua xanh” này, rất cần một chương trình hành động cho một thập niên phát triển bền vững hơn ở Việt Nam, góp phần thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Trong quá trình này, Đảng và Nhà nước kiến tạo giữ vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp là động lực trung tâm, cả cộng đồng chung tay và toàn dân vào cuộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững trong năm 2019
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019 chiều ngày 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sẽ có Nghị quyết về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư