Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Việt Nam xuất khẩu 615.000 tấn phân bón, chủ yếu sang Đông Nam Á
Thế Hải - 25/06/2021 22:49
 
Xuất khẩu phân bón tính đến 15/6/2021 đạt 615,7 nghìn tấn, trị giấ 212 triệu USD, là mức tăng kỷ lục cả về lượng lẫn trị giá so với cùng kỳ 2020, chủ yếu xuất sang Đông Nam Á.
Xuất khẩu phân bón tính đến 15/6 đã lên tới 615.710 tấn, tương đương giá trị 212,867 triệu USD
Xuất khẩu phân bón tính đến 15/6 đã lên tới 615.710 tấn, trị giá 212,867 triệu USD.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải Quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu phân bón đạt 615.710 tấn, tương đương giá trị 212,867 triệu USD, tăng gần 50% về lượng và tăng hơn 60% về trị giá. 

Đà tăng của phân bón xuất khẩu đã diễn ra trong cả năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,163 triệu tấn, trị giá 341 triệu USD, tăng 39,7% về lượng và 27,1% về giá trị so với năm 2019.

Với 1,163 triệu tấn phân bón xuất khẩu trong năm qua, sau một thời gian dài Việt Nam mới lại xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn phân bón/năm. Lần gần nhất, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón là vào năm 2014 (đạt 1,059 triệu tấn).

Riêng trong tháng 5/2021, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 104.233 tấn, tương đương 35,68 triệu USD, tăng mạnh 28,7% về lượng và tăng 46,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Giá phân bón xuất khẩu trong tháng 5/2021 tăng nhẹ 0,9% so với tháng 4/2021 và tăng 13,9% so với cùng tháng năm 2020, đạt trung bình 342,3 USD/tấn. Tính chung trong cả 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu cũng tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 322 USD/tấn.
Phân bón của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 37% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước trong 5 tháng đầu năm nay, đạt 214.136 tấn, tương đương 72,7 triệu USD, tăng mạnh 63,3% về lượng và tăng 76,5% kim ngạch so với cùng kỳ, giá xuất khẩu đạt 339,5 USD/tấn.
Ngoài thị trường chủ đạo Campuchia, thì phân bón còn xuất khẩu sang Lào 24.330 tấn, tương đương 8,98 triệu USD, chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, tăng 9,3% về lượng và tăng 4,3% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Phân bón xuất khẩu sang Malaysia đạt 41.293 tấn, tương đương 8,6 triệu USD, giá 208,2 USD/tấn, giảm cả về lượng và kim ngạch, với mức giảm tương ứng 23,5% và 6%, tuy nhiên giá xuất khẩu tăng tương đối cao 22,9%.
Đáng chú ý, xuất khẩu phân bón sang thị trường Philippines và Mozambique mặc dù kim ngạch không lớn, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng rất mạnh; cụ thể, xuất khẩu sang Philippines tăng 169% về lượng, tăng 179,6% về kim ngạch, đạt 20.436 tấn, tương đương 6,71 triệu USD; xuất khẩu sang Mozambique tăng 302% về lượng, tăng 135,4% về kim ngạch, đạt 15.650 tấn, tương đương 4,32 triệu USD.

Trong khi xuất khẩu tăng kỷ lục thì tại thị trường nội địa, giá phân bón đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. 

Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV) cho biết: giá phân bón cũng như nguyên liệu sản xuất phân bón trên thế giới thời gian qua tăng rất mạnh, kéo theo chi phí sản xuất trong nước gia tăng, đẩy giá phân bón thiết lập mặt bằng giá mới. Phản ứng dây chuyền này là tất yếu, do thị trường trong nước và thế giới liên thông nên giá phân bón của Việt Nam biến động theo giá của thế giới.

Đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Nguyên nhân chính là giá cước vận chuyển container đã tăng 3-5 lần so với năm trước, trong khi đó, phân bón DAP, MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container.

Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất phân DAP và MAP là lưu huỳnh tăng 2 lần, giá amoniac tăng khoảng 30%, thêm vào đó, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư