Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Vietnam Airlines sau IPO: “Ông lớn” sải cánh
Phan Hằng - 18/11/2014 09:41
 
Cuối tuần trước, phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)  công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) đã bán hết 100% số cổ phần chào bán, với giá trúng thầu bình quân 22.307 đồng/cổ phần. Đây là tiền đề quan trọng để "ông lớn" trong ngành hàng không này sải cánh bay.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Techcombank ‘tóm gọn’ 52% số cổ phần IPO của Vietnam Airlines
Vietnam Airlines bán sạch 49 triệu cổ phiếu, thu hơn 1.000 tỷ đồng
Dồn dập IPO, hàng nhiều nhưng không lo ế
Vietnam Airlines chọn đối tác để lên đời 4 sao
Cổ phiếu VNA của Vietnam Airlines rẻ hay đắt?

Kết quả đẹp

Có phần bất ngờ, nhưng kết quả thương vụ IPO Vietnam Airline bao hàm không chỉ thành công của chiến dịch quảng bá cho Vietnam Airlines trước đợt IPO, mà còn thể hiện quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hoá (CPH) của Chính phủ.

  Vietnam Airlines sau IPO: “Ông lớn” sải cánh  
 

Lợi nhuận sau thuế của VNA dự báo sẽ đạt 269 tỷ đồng vào năm 2014

 

Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp (DN), riêng trong năm 2014 sẽ CPH khoảng 200 DN. Thực hiện được mục tiêu này là điều không phải dễ dàng, nhất là nhìn vào kết quả thực hiện IPO của một số DN trong 6 tháng đầu năm số lượng các vụ IPO thành công không nhiều, thậm chí, có DN chỉ bán được 1% số cổ phần chào bán.

Bước sang quý III/2014, gam màu dường như  sáng hơn khi xuất hiện một số đợt IPO thành công của một số tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, phạm vi hoạt động kinh doanh rộng được nhà đầu tư quan tâm, theo dõi như Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)… Nhờ đó, kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã khởi sắc hơn. Cụ thể, trong 10 tháng  năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 96 DN, trong đó CPH 75 DN.

Thế nhưng, đợt IPO được mong chờ nhất năm 2014 có lẽ thuộc về VNA, bởi đây là DN có quy mô tài sản rất lớn, hơn 57.000 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách), lại là DN kinh doanh vận tải hàng không chiếm thị phần chi phối tại Việt Nam.

Trước phiên IPO, thông tin có hơn 1.600 nhà đầu tư tham gia đấu giá, trong đó có 2 tổ chức trong nước đăng ký mua hơn 98% tổng số cổ phần chào bán là tín hiệu báo trước cho sự mong chờ đó.

Kết quả đấu giá, có 1.577 nhà đầu tư trúng giá gồm 2 tổ chức trong nước và 1.575 nhà đầu tư cá nhân, với mức giá đấu thành công cao nhất là 223.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất là 22.300 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh phần bán đấu giá công khai, VNA sẽ bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược và bán 1,5% cổ phần cho người lao động, với dự kiến số tiền thu về sẽ vào khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Được biết, VNA sẽ bán cổ phần cho các đối tác chiến lược vào tháng 2/2015, cụ thể, ngày 8/12/2014 VNA sẽ lập danh sách các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng và đến ngày 16/2/2015 sẽ lựa chọn. Đến thời điểm hiện tại, VNA đã có 2 nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm và lộ trình xem xét mới chỉ bắt đầu. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nếu VNA thành công trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược bên ngoài, đó sẽ là điểm nhấn tích cực hơn về lộ trình tái cơ cấu.

Trong phiên bán đấu giá cuối tuần trước, thông tin rất được nhà đầu tư quan tâm chính là danh tính của 2 tổ chức trong nước đã đăng ký mua gần hết số cổ phần chào bán.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư, hai tổ chức đăng ký mua 98,6% số cổ phần chào bán là Techcombank và Vietcombank. Cả hai ngân hàng đều là chủ nợ lớn của VNA, cụ thể, VNA vay hơn 3.000 tỷ đồng từ Vietcombank và hơn 1.100 tỷ đồng từ Techcombank. Ngay sau phiên đấu giá, Techcombank cũng trở thành nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của VNA khi mua thành công 25.760.000 cổ phần, chiếm 52% số cổ phần chào bán.

Điểm thú vị là, trước đây, VNA từng là cổ đông sáng lập, tỷ lệ nắm giữ ban đầu tới 20% lượng vốn của Techcombank.  Đến cuối năm 2011, Vietnam Airlines chỉ còn nắm giữ 2,7% vốn điều lệ của Techcombank, tương đương hơn 24 triệu cổ phiếu. Và trong năm 2013, Vietnam Airlines thông báo thoái toàn bộ vốn khỏi Techcombank.

Theo nhận định của một giám đốc công ty chứng khoán, trở thành cổ đông của VNA sẽ mở ra cơ hội hợp tác trong hoạt động kinh doanh của cả hai ngân hàng và VNA. Dù sao, VNA cũng là “khách hàng” lớn đối với các ngân hàng, còn ngân hàng là nhà tài trợ nguồn vốn cho DN thực hiện các kế hoạch đầu tư, nhất là với VNA đang có kế hoạch mở rộng đội bay và nhu cầu về ngoại tệ rất cao.

Tương lai Vietnam Airlines

Nhìn lại kết quả hoạt động của VNA các năm trước cho thấy, dù tăng trưởng doanh thu hàng năm của VNA khá cao nhưng lợi nhuận chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến VNA có kết quả thấp là do sử dụng đòn bẩy tài chính cao, trong đó tỷ lệ vay ngoại tệ rất lớn nên chịu nhiều rủi ro.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2013, công ty có khoản nợ vay dài hạn bằng ngoại tệ lên tới 25.910 tỷ đồng, bao gồm các đồng USD và EUR, chiếm gần 70% nợ vay dài hạn. Những khoản vay này tuy lãi suất khá thấp, nhưng hàng năm công ty phải chịu một khoản chi phí dự phòng rất lớn cho biến động tỷ giá đồng.

Đại diện VNA cho biết, trong cơ cấu dòng tiền thì thu 50% là các loại ngoại tệ khác, nhiều nhất là đồng yên chiếm 10%, đồng won  gần 9%, AUD chiếm 4-5%. Để kiểm soát rủi ro tỷ giá, thay vì để các bộ phận thì từ năm 2013, VNA đã triển khai giải pháp kiểm soát dòng tiền hệ thống theo mô hình tập trung và liên tục được cập nhật, từ đó căn cứ dòng tiền hiện tại và dự báo thị trường để xây dựng phương án chuyển đổi tiền tệ theo hình thức tối ưu nhất.

Trong thời gian tới, khi các quy định pháp luật chi tiết hơn, VNA sẽ thực hiện hợp đồng tương lai, quyền chọn… để kiểm soát rủi ro tỷ giá.

Mặt khác, dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao (4,3 lần), nhưng do đặc thù của ngành vận tải hàng không là bán vé thu tiền trước vận chuyển sau, nên VNA luôn có nguồn vốn khả dụng ổn định. Trong giai đoạn 2010-2013, các chỉ tiêu số ngày vòng quay hàng tồn kho (3-6 ngày) và phải thu (15-19 ngày)đều ở mức thấp, trong khi đó số vòng quay phải trả ở mức cao, (từ 47 -58 ngày).

Ngoài ra, thời gian khấu hao máy bay của VNA trung bình là 12-15 năm, thấp hơn so với trung bình ngành là từ 15 đến 20 năm, dẫn đến chi phí khấu hao cao hơn các hãng hàng không khác. Chi phí khấu hao tài sản cố định, chủ yếu là đội bay, trong 3 năm gần đây là tăng dần trong cơ cấu tổng chi phí, ở mức 4,82% năm 2012; 5,72% và lên 6,67% năm 2014.

Vì vậy, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích của BSC cho rằng, mức lợi nhuận hiện nay của VNA chưa thể hiện hết hiệu quả kinh doanh.

Về kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015-2018, VNA lên kế hoạch tăng quy mô đội bay lên 116 chiếc vào năm 2018, trong đó số máy bay thân rộng tăng từ 19 lên 38 chiếc và thanh lý các máy bay trên 15 tuổi.

Ngoài ra, VNA sẽ đẩy mạnh khai thác các mạng đường bay truyền thống bao gồm thị trường nội địa, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và phát triển các mạng đường bay đến các thị trường tiềm năng khác như Bắc Mỹ và châu Âu. Số giờ bay bình quân của đội bay Vietnam Airlines dự báo sẽ tăng lên trên mức 10 giờ/ngày/máy bay, gần hơn với hiệu suất khai thác của một số hãng khác trong khu vực như Cathay Pacific (11,8), Thai Airways (11,2).

Theo đó, VNA đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khá ấn tượng. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của VNA dự báo sẽ đạt 269 tỷ đồng vào năm 2014; 615 tỷ đồng năm 2015 và tăng mạnh lên 2.084 tỷ đồng năm 2015, đạt 2.990 tỷ đồng vào năm 2018.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc VNA chia sẻ, VNA sẽ đạt chỉ tiêu lợi nhuận gấp nhiều lần so với hiện tại bởi đến năm 2018, VNA sẽ hoàn tất việc thay toàn bộ đội tàu bay thân rộng bay chủ lực các đường bay chính bằng đội tàu bay thế hệ mới là B787 và A350 giúp chỉ số về chi phí nhiên liệu giảm tới 25%, các chỉ số về chi phí bảo dưỡng kỹ thuật cũng ở mức độ từ 15-20% và nhiều hoạt động của đội bay chính sẽ tiết giảm nhiều.

Cùng với đội bay đó, VNA sẽ hoàn tất chương trình nâng cấp dịch vụ VNA thành hãng hàng không 4 sao. Hiện nay, các dịch vụ 60% chỉ số về dịch vụ mặt đất đạt tiêu chuẩn 4 sao, khoảng 75% cho các tiêu chuẩn dịch vụ trên không đạt chuẩn 4 sao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư