Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Vietnam Airlines vẫn đề xuất 22.300 đồng/cổ phiếu
Anh Minh - 15/09/2014 19:44
 
Đây là khẳng định của Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh liên quan tới kế hoạch IPO sau khi phương án cổ phần hóa hãng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Những điểm nhấn trong kế hoạch IPO Vietnam Airlines
Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines
Khách nói có khủng bố, máy bay Vietnam Airlines chậm chuyến ở Úc
Phạt khách tí toáy mở cửa thoát hiểm máy bay 15 triệu đồng
Hai máy bay Việt suýt đâm nhau: Xử lý hàng loạt cán bộ

Tại cuộc gặp gỡ một số báo chí vào chiều nay, CEO Vietnam Airlines khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines vào giữa tuần trước đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có giới đầu tư Nhật Bản bởi họ coi đây như một hàn thử biểu quan trọng về môi trường đầu tư tại Việt Nam.

  Vietnam Airlines vẫn đề xuất 22.300 đồng/cổ phiếu  
  CEO Vietnam Airlines: Sẽ thoái vốn triệt để các khoản đầu tư ngoài ngành để tập trung vào ngành nghề cốt lõi  

Ông Minh tiết lộ, hiện đã có hơn một hãng hàng không lớn của nước ngoài đang quan tâm đến việc trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines.

"Chúng tôi đang phối hợp chặt với tư vấn Morgan Stanley và Citi Group để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược. Các nhà đầu tư chiến lược này sẽ phải đồng hành với Vietnam Airlines trong quá trình phát triển dài hạn, cùng chia sẻ lợi ích, mục tiêu phát triển Vietnam Airlines với các giá trị cốt lõi là hàng không, chứ không phải là bất động sản, ngân hàng", ông Minh cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đầu tư, ông Phạm Ngọc Minh cho biết, Vietnam Airlines vẫn giữ cổ phần áp đảo tại Jetstar Pacific (70%) bởi đây là sản phẩm quan trọng trong dải sản phẩm buộc phải có.

Mặc dù chỉ là những cổ đông thiểu số (sở hữu không quá 20% vốn điều lệ), nhưng Vietnam Airlines khẳng định các nhà đầu tư chiến lược sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý và điều hành trong công ty cổ phần. Vietnam Airlines cho biết là vào chiều nay hãng đã trình Bộ GTVT đề xuất tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; mức giá khởi điểm cổ phiếu khi tiến hành IPO trong nước. Mức giá khởi điểm vẫn là 22.300 đồng/cổ phiếu như phương án đề xuất với Bộ GTVT vào tháng 6/2014.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - thành viên Hội đồng thành viên Vietnam Airlines, hãng sẽ công bố  bản cáo bạch vào tháng 10 và cam kết giữ nguyên lộ trình:  hoàn thành IPO trong nước, chuyển sang công ty cổ phần vào cuối năm 2014.

Cần phải nói thêm rằng, phương án CPH Vietnam Airlines được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có nhiều khác biệt so với những đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải tại tờ trình gửi Chính phủ vào giữa tháng 6/2014. Cụ thể, hình thức CPH Tổng công ty Hàng không Việt Nam được chốt là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Vietnam Airlines sẽ có vốn điều lệ sau CPH là 14.101,8 tỷ đồng, tương đương hơn 1,41 tỷ cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là: Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 20%; bán đấu giá công khai là 3,465%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.

Vietnam Airlines được thực hiện các cơ chế chính sách về vay vốn có bảo lãnh theo Nghị quyết số 83/NQ – CP ngày 8/7/2013 của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1567/TTg - CN ngày 18/10/2007, số 1567/TTg - KTN ngày 22/9/2008 về kế hoạch dự án phát triển đội tàu bay.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu; quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; chỉ đạo, chọn thời điểm thích hợp để giảm tỷ lệ vốn nhà nước còn nắm giữ không thấp hơn 65% vốn điều lệ…

Điểm nhấn quan trọng khác tại Quyết định số 1611 chính là việc Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cổ phần hóa (khoảng 1.000 tỷ đồng) để tăng phần vốn nhà nước khi doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ.

Đồng thời, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP được thực hiện các cơ chế chính sách về vay vốn có bảo lãnh theo Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 8/7/2013 của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1567/TTg-CN ngày 18/10/2007, số 1567/TTg-KTN ngày 22/9/2008 về kế hoạch dự án phát triển đội tàu bay.

"Các cơ chế, chính sách này thể hiện cam kết của Chính phủ đối với các nhà đầu tư về việc hỗ trợ Vietnam Airlines sau cổ phần hóa", ông Minh đánh giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư