Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Viettel Post cạnh tranh với những người khổng lồ
Phan Long - 22/09/2013 18:45
 
“Chịu sức ép lớn từ những tên tuổi khổng lồ trong lĩnh vực bưu chính của nước ngoài có mặt tại Việt Nam như UPS, Fedex, DHL, TNT…, nhưng Viettel Post vẫn tìm được con đường phát triển riêng, với chiến lược mạng lưới đi trước, kinh doanh đi sau”, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) Hoàng Quốc Anh tự tin chia sẻ.

Để nói về sức cạnh tranh của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực bưu chính thế giới khi thâm nhập thị trường Việt Nam, không ai rõ bằng những người trong cuộc như Viettel Post.

Chỉ với vài gạch đầu dòng của ông Hoàng Quốc Anh, có thể nhận rõ sức mạnh của những “ông lớn” với doanh nghiệp (DN) bưu chính trong nước.

Viettel Post vẫn tìm được con đường phát triển riêng, với chiến lược
"mạng lưới đi trước, kinh doanh đi sau”

Theo ông Quốc Anh, từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam đến nay, DN nước ngoài đã thâu tóm toàn bộ thị trường bưu chính từ nước ngoài về Việt Nam và gần hết thị trường từ Việt Nam ra nước ngoài.

“Với tiềm lực tài chính lớn, cơ sở hạ tầng, mạng lưới hoàn chỉnh, kinh nghiệm nhiều năm và giá trị thương hiệu vượt trội, không khó để DN ngoại làm được việc đó”, ông Quốc Anh lý giải.

Đối với nhiều khách hàng, bỏ tiền ra mua dịch vụ bưu chính bây giờ không đơn thuần là trả tiền thuê vận chuyển, mà với yêu cầu ngày càng cao và rõ ràng hơn về quyền lợi.

Khi trả tiền, khách hàng muốn nhận được một gói dịch vụ hoàn chỉnh. Mọi thông tin về gói hàng như vận chuyển đến đâu, đã đến tay người nhận chưa… đều phải được cập nhật và trả lời rõ ràng khi họ muốn.

Nhờ có hạ tầng công nghệ hiện đại, mạng lưới điểm trung chuyển lớn trên khắp thế giới, khách hàng của các hãng nước ngoài dễ dàng có được thông tin họ cần chỉ với một tin nhắn hoặc một cú nhấp chuột. Đó là điều mà DN bưu chính Việt Nam khó có thể cạnh tranh...

“Không chọn cách đối đầu với DN nước ngoài tại thị phần bưu chính từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại ở những thị trường lớn, Viettel Post chấp nhận đóng vai trò như một đại lý của họ trong dây chuyền vận chuyển”, ông Quốc Anh cho biết.

Tuy nhiên, Viettel Post vẫn tìm con đường riêng cho mình khi chọn cách tự xây dựng mạng lưới hạ tầng tại các thị trường gần, nhưng có lượng khách hàng lớn như Campuchia, Trung Quốc.

Bắt đầu phát triển mạng lưới từ năm 2009, đến nay riêng với thị trường bưu chính từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại, mạng lưới Viettel Post đã có mặt tại 23/23 tỉnh/thành của Campuchia, đảm nhiệm 100% chu trình vận chuyển, giao nhận, mà không cần hợp tác với đối tác nước ngoài. Đây là điểm khác biệt của Viettel Post khi là đơn vị bưu chính trong nước duy nhất hoạt động tại thị trường nước ngoài.

Tại thị trường nội địa, nhận thấy thế mạnh của mình khi DN nước ngoài vẫn chưa thực sự “nắm quyền kiểm soát” do mạng lưới hạ tầng các điểm trung chuyển, giao nhận còn hạn chế, Viettel Post đã xây dựng chiến lược “mạng lưới đi trước, kinh doanh đi sau” để tạo lợi thế riêng.

Và với 100% huyện, 85% xã trên toàn lãnh thổ có sự hiện diện mạng lưới phục vụ, Viettel Post đã thực sự tạo được lợi thế trên sân nhà, điều mà các DN nước ngoài phải mất không ít thời gian mới làm được.

“Không chỉ chú trọng phát triển mạng lưới, Ban lãnh đạo Công ty xác định tư duy chiến lược trong việc đầu tư hiện đại hóa nền tảng công nghệ, nâng cấp chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, nhằm cải thiện sức cạnh tranh”, ông Quốc Anh nhấn mạnh. Đến nay, chỉ cần một tin nhắn, khách hàng của Viettel Post ngay lập tức biết được gói hàng của mình đi đến đâu, hoặc tra cứu trên mạng để theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa thông qua bản đồ số.

Đây là một dấu ấn nữa mà Viettel Post tạo được khi là công ty bưu chính trong nước đầu tiên cung cấp dịch vụ này. “Công nghệ chính là yếu tố thay đổi chuỗi giá trị trong dịch vụ bưu chính khi giao dịch thương mại điện tử ngày càng phát triển”, ông Quốc Anh cho biết.

Không chỉ đảm đương việc vận chuyển, giao nhận, Viettel Post đã ký hợp tác với nhiều DN, kênh bán hàng trực tuyến, qua đó, thay mặt các DN quản lý kho hàng, chia chọn, vận chuyển, giao nhận hàng hóa và quản lý dòng tiền. Đến nay, doanh thu của Viettel Post thông qua việc kết hợp với các DN thương mại điện tử đang tăng nhanh. Viettel Post kỳ vọng sẽ đạt mức 20% tổng doanh thu dịch vụ chuyển phát trong khoảng 3-5 năm tới.

“Với chiến lược và đường đi riêng, Viettel Post tự tin vào sức cạnh tranh và khả năng thành công bằng chính sức mạnh nội tại của DN trong tương lai”, Phó tổng giám đốc Hoàng Quốc Anh khẳng định.

Năm 2009 và 2011: Giải “Doanh nghiệp vì cộng đồng” do Tạp chí Thương mại cùng Công ty TNHH Văn hóa Thông tin Việt Nam, Cổng thông tin điện tử trang vàng doanh nghiệp... phối hợp tổ chức; Giải “Tin và Dùng” do người tiêu dùng bình chọn.

Năm 2010: Giải thưởng VICTA cho “Doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng CNTT hiệu quả nhất” của Bộ Thông tin và Truyền thông; Giải “Thương hiệu nổi tiếng nhất ngành hàng bưu chính tại Việt Nam năm 2010” do người tiêu dùng bình chọn.

Năm 2012: Viettel Post vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng “Thương hiệu mạnh và phát triển bền vững” của Bộ Công thương phối hợp với VCCI.

Viettel Post đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng
Ngày 19/7, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, Viettel Post có doanh thu tăng trưởng 26%, đạt 496,9 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư