Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 23 tháng 02 năm 2025,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần:
Vinaseed có Chủ tịch mới sau 21 năm; Cảng Quy Nhơn đặt lợi nhuận cao nhất 4 năm; Dệt may Thành công đầy đơn hàng quý I
Khánh An tổng hợp - 23/02/2025 08:27
 
Liên danh Becamex IDC-VSIP muốn làm dự án tại Khánh Hòa; Dệt may Thành công đầy đơn hàng quý I; Vinaseed có Chủ tịch mới sau 21 năm; Vận tải và Xếp dỡ Hải An nhắm lợi nhuận 2025 cao thứ 2 lịch sử.

Vận tải và Xếp dỡ Hải An nhắm lợi nhuận 2025 cao thứ 2 lịch sử

Với kế hoạch lãi ròng 702 tỷ đồng năm 2025, Vận tải và Xếp dỡ Hải An hướng đến lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2022. Công ty cũng vừa phê duyệt khoản vay 300 tỷ đồng để đầu tư tàu container mới.

CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đặt mục tiêu tổng sản lượng vận tải đạt hơn 1,5 triệu TEU, tăng 13% so với năm 2024

HĐQT CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu 4.243 tỷ đồng và lãi ròng 702 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 8% so với năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất lịch sử của Hải An, trong khi lợi nhuận chỉ đứng sau mức kỷ lục 822 tỷ đồng năm 2022.

Hản An đặt mục tiêu tổng sản lượng vận tải đạt hơn 1,5 triệu TEU, tăng 13% so với năm trước, bao gồm 545.000 TEU khai thác cảng, gần 762.000 TEU khai thác tàu và 200.000 TEU sản lượng Depot.

Năm 2024, Hải An đạt kỷ lục doanh thu thuần gần 4.000 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2023. Lãi ròng đạt 650 tỷ đồng, tăng 69%. Riêng quý IV/2024, lãi ròng đạt 280 tỷ đồng, tăng 345% so với cùng kỳ. Kết quả tích cực này đến từ việc bổ sung 4 tàu mới, giúp sản lượng vận tải tăng mạnh, trong khi giá cước khai thác và cho thuê tàu cải thiện đáng kể.

Vinaseed có Chủ tịch mới sau 21 năm

HĐQT CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã chấp thuận đơn từ nhiệm của bà Trần Kim Liên khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT và người đại diện pháp luật vì lý do cá nhân.

Bà Trần Kim Liên (bên trái) và Bà Nguyễn Thị Trà My (bên phải)

Bà Liên giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinaseed từ tháng 2/2004, tức hơn 21 năm qua. Bà Liên còn đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Giống cây trồng Miền Nam - công ty con của Vinaseed và CTCP PAN-HULIC.

Bà Nguyễn Thị Trà My, thành viên HĐQT sẽ thay thế bà Liên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT từ ngày 17/02/2025. Bà Trà My cũng sẽ là Người đại diện pháp luật mới của Vinaseed.

Bà Nguyễn Thị Trà My đã gắn bó với Vinaseed từ năm 2013, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PAN Group.

Bà cũng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các công ty trong hệ sinh thái PAN.

HĐQT Vinaseed sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2025 thông qua đơn từ nhiệm của bà Liên vào ngày 16/4 tới tại Hà Nội.

Vinaseed thành lập năm 1968, hiện là công ty hạt giống lớn nhất Việt Nam với hơn 20% thị phần. Doanh thu của Vinaseed từ năm 2017 đến nay đều đạt trên 1.500 tỷ đồng/năm. Năm 2024, doanh thu đạt mức kỷ lục 2.449 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023.

Cảng Quy Nhơn đặt kế hoạch lợi nhuận gần 200 tỷ đồng, cao nhất 4 năm

HĐQT CTCP Cảng Quy Nhơn công bố Nghị quyết thông qua các chỉ tiêu dự kiến về kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm 2025, nổi bật trong đó là lợi nhuận trước thuế hợp nhất 195 tỷ đồng, cao nhất 4 năm qua và tăng 20% so với năm 2024.

Cảng Quy Nhơn  kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất lên đến 20% so với năm 2024

Cụ thể, Công ty dự kiến sản lượng thông qua đạt 13,2 triệu tấn, trong đó sản lượng container 190 ngàn teus; doanh thu hợp nhất 1.390 tỷ đồng, trong đó doanh thu Công ty mẹ 790 tỷ đồng; lãi trước thuế hợp nhất 195 tỷ đồng, với lãi Công ty mẹ ước tính đạt 185 tỷ đồng.

Với kế hoạch đề ra cho năm 2025, Cảng Quy Nhơn cho thấy kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất lên đến 20% so với năm 2024 vừa qua, đồng thời cao nhất kể từ năm 2022.

Ngoài kế hoạch kinh doanh, Cảng Quy Nhơn cũng dự kiến kế hoạch đầu tư trong năm nay với gần 312 tỷ đồng chuyển tiếp năm 2024, chủ yếu cho thiết bị xếp dỡ bến số 1 (2 cần trục đa năng 45T), kho chuyên dụng số 1, nâng cấp bãi container số 3…; dự kiến triển khai năm 2025 gần 17 tỷ đồng, chủ yếu cho đầu tư phương tiện thiết bị (xe xúc, hệ thống cân may bao tự động,…) và đầu tư cơ sở hạ tầng (nâng cấp bến số 1, dự án Trung tâm logistics Tuy Phước). Tổng cộng, kế hoạch đầu tư gần 329 tỷ đồng...

Dệt may Thành công đầy đơn hàng quý I

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công) vừa công bố kết quả kinh doanh Công ty mẹ tháng 1/2025, với doanh thu 346,3 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 26 tỷ đồng, tăng 13%.

Dệt may Thành Công hiện xuất khẩu hàng dệt may sang 40 nước trên 4 châu lục 

Cơ cấu doanh thu cho thấy sản phẩm may chiếm tỷ trọng lớn nhất (81%), tiếp theo là vải (13%) và sợi (5%).

Hiện tại, Dệt may Thành Công đã nhận đủ đơn hàng cho quý I/2025, đang tiếp nhận đơn hàng cho quý II và bắt đầu nhận đơn hàng cho quý III.

Theo dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2025 dự kiến tăng trưởng 9-10%, đạt khoảng 47-48 tỷ USD. Dệt may Thành Công đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khoảng 19% so với năm 2024 (ước hơn 4,500 tỷ đồng) và tối ưu hóa lợi nhuận.

Năm 2024, nhờ nhu cầu hồi phục, Dệt may Thành Công ghi nhận lãi ròng 276 tỷ đồng, tăng 109% so với năm trước, tiệm cận mức đỉnh lịch sử năm 2022 (279 tỷ đồng). Doanh thu cả năm đạt hơn 3.810 tỷ đồng, tăng 15%. Biên lãi gộp cải thiện lên mức 16,2%, tăng 1,2 điểm % so với năm 2023.

Dệt may Thành Công hiện xuất khẩu hàng dệt may sang 40 nước trên 4 châu lục. Trong tháng I/2025, châu Á chiếm 80,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 41,07%. TCM dự kiến xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2025 tăng gần 30% so với năm trước. Tiếp theo là châu Mỹ (14,9%), riêng Mỹ chiếm 10,37%. Châu Âu chiếm 3,9%...

Năm 2025, Công ty tập trung vào R&D, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện với môi trường, tái chế và có giá trị cao. Công ty cũng đầu tư vào thiết kế theo yêu cầu khách hàng và thiết kế nhãn hàng riêng, hướng đến mô hình ODM. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc do lo ngại về thuế nhập khẩu cao từ Mỹ, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa.

Liên danh Becamex IDC-VSIP muốn làm dự án tại Khánh Hòa

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đề xuất đầu tư dự án khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ quy mô 3.000 ha tại Diên Khánh, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Becamex IDC hiện đang vận hành 7 khu công nghiệp

Thông tin đưa ra tại 1 cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Theo đề xuất, dự án được chia thành 3 phân khu: công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Trong đó, hạ tầng khu công nghiệp và đô thị được đề xuất tuân thủ nguyên tắc gần gũi với thiên nhiên, dựa vào hệ sinh thái có sẵn để xây dựng đề án.

Mục tiêu dự án nhằm phát triển hành lang kinh tế, tăng tính kết nối và hiệu quả phát triển kinh tế tổng thể của tỉnh Khánh Hòa; thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực công nghiệp xanh, công nghệ cao và dịch vụ phụ trợ; đáp ứng nhu cầu về khu dân cư, thương mại và dịch vụ cho lực lượng lao động và dân cư tại khu vực, tạo môi trường sống, học tập và làm việc chất lượng cao.

Ngoài ra, đại diện Becamex IDC - VSIP cũng trình bày cụ thể các định hướng đầu tư, phương án thu hút đầu tư; tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp nhằm góp phần vào sự phát triển chung của Khánh Hòa.

VSIP thành lập vào tháng 07/2008, là liên danh giữa Becamex IDC và Sembcorp Development Ltd (Singapore), trong đó tỷ lệ sở hữu của BCM là 49%. Hiện, VSIP đang đầu tư phát triển chuỗi 18 khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ quy mô hơn 11 ngàn ha tại Việt Nam.

Còn Becamex IDC hiện đang vận hành 7 khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 4.700 ha, là chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và chiếm khoảng 5% thị phần toàn quốc.

Bình Định tăng vốn đầu tư tại Dự án Mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030
Dự án Mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 được tăng tổng vốn đầu tư lên gần 68 tỷ đồng, thời gian hoàn thành được gia hạn đến quý I/2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư