Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vinashin bước đầu “rũ” nợ thành công
Anh Minh - 14/10/2013 07:11
 
Việc tái cấu trúc thành công khoản vay 600 triệu USD do Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) làm đại lý và ngân hàng thu xếp sẽ gỡ “nút thắt” giúp Vinashin rũ dần các khoản nợ lên tới 80.000 tỷ đồng.  

Giảm dần áp lực nợ

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại buổi họp báo công bố phát hành trái phiếu quốc tế tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

Ngày càng có nhiều đối tác nước ngoài tìm đến Vinashin
để bàn cơ hội làm ăn. (Ảnh: Đ.T)

Ông Sự cho biết, đây là một trong những thông tin tốt lành nhất liên quan tới Vinashin trong vòng 3 năm trở lại đây.

“Sau một thời gian dài kiên trì đàm phán, thuyết phục tổ hợp các chủ nợ nước ngoài, vào lúc 20 giờ ngày 10/10/2013, Vinashin và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cùng với các bên tư vấn và City Bank – đơn vị đại lý thanh toán đã thực hiện cuộc điện đàm cuối cùng với Trung tâm Lưu ký chứng khoán New York để chính thức xác nhận việc phát hành trái phiếu dưới dạng chứng chỉ lưu ký toàn cầu do DATC phát hành có bảo lãnh Chính phủ để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD của Vinashin do Ngân hàng Credit Suisse làm đại lý và ngân hàng thu xếp”, ông Sự thông tin.

Ông Sự cho biết, trong 3 năm qua, Vinashin một mặt phải đối phó với các vụ kiện do một số chủ nợ tiến hành tại Tòa án Tối cao Anh quốc, mặt khác, tranh thủ sự ủng hộ của các chủ nợ thiện chí để đi đến thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng với tất cả các chủ nợ của khoản vay.

Cuối cùng, với thiện chí của đa số chủ nợ cùng niềm tin vào sự phục hồi của Vinashin, tại Hội nghị chủ nợ tổ chức tại Singapore ngày 5/8/2013, Vinashin đã đạt được sự chấp thuận của 64,7059% số chủ nợ đại diện cho 79,3460% số nợ biểu quyết thông qua Thỏa thuận Tái cấu trúc trong tố tụng do Vinashin đề xuất.

Trên cơ sở kết quả đó, ngày 4/9/2013, Tòa thượng thẩm Tòa án London đã ra phán quyết phê chuẩn Thỏa thuận Tái cấu trúc trong tố tụng do Vinashin đệ trình.

Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Anh quốc, hợp đồng vay cũ sẽ không còn hiệu lực và tất cả các chủ nợ phải chấp thuận Thỏa thuận Tái cấu trúc trong tố tụng của Vinashin. Theo đó, các nghĩa vụ của Vinashin theo Hợp đồng vay cũ sẽ được hoán đổi thành trái phiếu do DATC phát hành, với thời hạn 12 năm, lãi suất đơn 1%/năm, thanh toán cả gốc và lãi một lần vào thời gian đáo hạn.

Rộng đường tái cơ cấu bước 2

Không chỉ giúp tạm cởi được gánh nặng từ khoản nợ trái phiếu trị giá 600 triệu USD, thành công từ việc hoán đổi trái phiếu là “chìa khóa” để Vinashin tiến tới mục tiêu tái cấu trúc toàn bộ công nợ trị giá 80.000 tỷ đồng vào năm 2014.

Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư, đầu tháng 10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án Phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh của DATC để tái cơ cấu các khoản nợ 600 triệu USD của Vinashin do Credit Suisse thu xếp và đại lý khoản vay.

Được biết, tổng mệnh giá trái phiếu phát hành đợt này là nợ gốc cộng nợ lãi phát sinh tính đến ngày phát hành của khoản trái phiếu cũ vào khoảng 626,799 triệu USD. Trái phiếu được phát hành dưới hình thức chứng chỉ cho các chủ nợ, với mệnh giá trái phiếu là 200.000 USD và bội số của 1.000 USD.

Thủ tướng Chính phủ giao DATC ghi nợ cho Vinashin và Vinashin nhận nợ với DATC với điều kiện tương ứng với điều kiện và điều khoản trái phiếu phát hành.

DATC cũng được giao chủ trì, phối hợp với Vinashin xây dựng phương án thu hồi nợ hàng năm, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Số tiền thu nợ hàng năm từ Vinashin được DATC hạch toán vào một tài khoản riêng để tạo nguồn trả nợ.

Ước tính, với những điều kiện vay nói trên, tổng số tiền mà Vinashin phải thanh toán sau 12 năm sẽ lên tới hơn 700 triệu USD (gồm nợ gốc, lãi vay, các loại phí…).

“Mặc dù ngành đóng tàu thế giới đang trong giai đoạn rất khó khăn, nhưng ngày càng có nhiều đối tác nước ngoài tìm đến Vinashin để bàn cơ hội làm ăn, nên dòng tiền thanh toán cho trái phiếu DATC sau 12 năm là không đáng ngại”, ông Sự tự tin.

Được biết, Vinashin đã chính thức tiến hành tái cơ cấu bước 2 theo Quyết định số 1224/QĐ/TTg ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc kết thúc thí điểm thành lập Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Theo đó, đơn vị này sẽ chuyển đổi thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy thuộc Bộ GTVT, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ - Tổng công ty được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Để làm nòng cốt cho ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Bộ GTVT đề nghị giữ lại và tái cơ cấu toàn diện 8 công ty đóng và sửa chữa tàu thủy (hạ cấp từ tổng công ty) bao gồm: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Thịnh Long, Cam Ranh, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn. Các công ty trên hiện nắm giữ khoảng 70% năng lực đóng và sửa chữa tàu thủy của cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt danh sách 236 doanh nghiệp thuộc nhóm không giữ lại trong mô hình mới của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, trong đó 104 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn thực hiện rút vốn thương hiệu và một số doanh nghiệp khác sẽ phải sáp nhập, giải thể.

“Phấn đấu đến năm 2015, Vinashin sẽ cơ bản thực hiện tái cơ cấu xong theo phương án: các doanh nghiệp còn vốn chủ sở hữu thì thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng để thu hồi vốn đã đầu tư; các doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu thì thực hiện bán, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Văn Công Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư