Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vinasoy đầu tư nghiên cứu, trồng cây đậu nành không biến đổi gen
Hồng Sơn - 14/11/2015 07:45
 
Tây Nguyên từ lâu đã được biết đến như vùng nguyên liệu “vàng” của lĩnh vực nông nghiệp, trong đó môi trường sinh thái đặc trưng và khí hậu trong lành rất phù hợp với sự phát triển của cây đậu nành. Tuy vậy, sau một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân, giống đậu nành tại đây đã phần nào bị thoái hóa, suy giảm năng suất và chất lượng.
Vinasoy làm việc cùng các nhà khoa học nước ngoài trên cánh đồng đậu nành để tìm giải pháp phát triển giống đậu nành địa phương
Vinasoy làm việc cùng các nhà khoa học nước ngoài trên cánh đồng đậu nành Đắk Nông để tìm giải pháp phát triển giống đậu nành địa phương

Là một doanh nghiệp có hơn 18 năm đồng hành, gắn bó cùng hạt đậu nành, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy đã quyết định đầu tư vào chuỗi giá trị về nguyên liệu cho vùng đậu nành Tây Nguyên, bao gồm: giống, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, chế biến và bảo quản sau thu hoạch và thu mua, nhằm lưu giữ và phát triển chất lượng hạt đậu nành.

Sau 3 năm nghiên cứu, Vinasoy cùng các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Hoa Kỳ (NCSB) đã thành công trong việc chọn thuần giống đậu nành hoa trắng của địa phương. Giống đậu nành chọn thuần có phẩm chất tốt, năng suất cao hơn 10-15%, đã được đưa vào thực nghiệm trong vụ II-2015 cho nông dân huyện Cư Jut, Đắk Nông.

Tiến một bước xa hơn, Vinasoy cam kết sẽ không sử dụng đậu nành biến đổi gen để sản xuất, mà sẽ tiếp tục nghiên cứu tạo ra một giống đậu nành mới, đáp ứng nhu cầu đồng bộ cho hệ thống canh tác, cải thiện năng suất và chất lượng của đậu dựa trên phẩm chất quý của giống địa phương nhờ phương pháp marker phân tử.

Theo đó, các nhà khoa học sẽ tập hợp và đánh giá các dòng đậu nành thiên nhiên, tiến hành lai tạo và chọn những cây giống thuần để tạo ra giống mới. Sau đó, họ tiếp tục phân tích dữ liệu ADN và các chỉ tiêu hóa sinh của đậu nành trong phòng thí nghiệm và lai tạo ra giống mới.

Với phương pháp phân tích marker phân tử, khoảng thời gian nghiên cứu, chọn tạo giống sẽ giảm đi một nửa so với phương pháp truyền thống, đáp ứng những đặc tính nông học, chất lượng đậu nành như mong muốn và có được những giống đậu nành với phẩm chất khác biệt từ sự tổ hợp các nguồn gen thiên nhiên.

Theo các chuyên gia, lộ trình phát triển vùng nguyên liệu đậu nành đã được xác định: năm 2015, đưa giống CJCT vào canh tác tại Tây Nguyên; năm 2016, thử nghiệm kỹ thuật canh tác và cơ giới hóa; năm 2017, cho ra giống đậu nành mới; năm 2018, đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, phân sinh học… Mục tiêu của chiến lược là năng suất tối thiểu 3 tấn/ha, giữ được hương vị truyền thống và đáp ứng được nhu cầu đa dạng hóa sản phẩm.

Chia sẻ về chiến lược phát triển dài hạn này của Vinasoy, ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy khẳng định: “Phát triển vùng nguyên liệu Tây Nguyên vừa là trách nhiệm, vừa là chiến lược phát triển của Vinasoy, nhằm góp phần thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp đậu nành Việt Nam. Sự lớn mạnh tại khu vực Tây Nguyên sẽ củng cố tốt hơn sự lựa chọn nguồn nguyên liệu trong nước thơm ngon, chất lượng và không biến đổi gen”.

VinaSoy giữ vững ngôi vương
Cạnh tranh trên thị trường sữa đậu nành đã tăng nhiệt khi những “ông lớn” như Tân Hiệp Phát và Vinamilk đặt chân vào. Tuy nhiên, vị thế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư