Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Vĩnh Long khẩn trương triển khai quy hoạch tỉnh
Trúc Giang - 22/06/2024 15:10
 
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt cũng là lúc Vĩnh Long đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mời gọi đầu tư.
Tỉnh Vĩnh Long xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu mà Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra. Trong ảnh: Trung tâm  TP. Vĩnh Long 	Ảnh: Công Danh
Tỉnh Vĩnh Long xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu mà Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra. Trong ảnh: Trung tâm TP. Vĩnh Long Ảnh: Công Danh

Dư địa phát triển mới

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 là công cụ pháp lý quan trọng để tỉnh Vĩnh Long hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian phát triển bảo đảm tính kết nối đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững. Đây là căn cứ để thể chế hóa, hiện thực hóa các tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển của toàn tỉnh; là cơ sở quan trọng để tỉnh thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, xây dựng Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là khởi đầu của giai đoạn mới, giai đoạn tổ chức thực hiện quy hoạch với yêu cầu chặt chẽ, khoa học nhưng cũng cần sự linh hoạt, thể hiện được ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên từ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh được duyệt cũng là lúc Vĩnh Long đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thu hút mời gọi đầu tư vào tỉnh.

Mục tiêu tổng quát

Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, không gian phát triển tỉnh được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các tiểu vùng, trục động lực, hành lang kinh tế gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long gồm: hai vùng kinh tế - xã hội, một trục động lực, hai hành lang kinh tế.

Hai vùng kinh tế - xã hội gồm vùng phía Tây Bắc và vùng phía Đông Nam. Theo đó, vùng phía Tây Bắc gồm TP. Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện: Bình Tân, Long Hồ và Tam Bình là vùng động lực phát triển của tỉnh. Trong đó, TP. Vĩnh Long là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển đô thị, dịch vụ (thương mại, du lịch sinh thái, logistics), công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; kết nối giao thông với các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vùng phía Đông Nam gồm các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, văn hóa, công nghiệp.

Trục động lực phát triển của tỉnh Vĩnh Long được xác định theo tuyến Quốc lộ 1 đi qua TP. Vĩnh Long - huyện Long Hồ (đô thị Phú Quới) - thị xã Bình Minh, tập trung phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại, logistics.

Hai hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế dọc sông Hậu và Hành lang kinh tế dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên. Trong đó, Hành lang kinh tế dọc sông Hậu kết nối kinh tế - xã hội các đơn vị hành chính cấp huyện phía Nam của tỉnh (gồm huyện Bình Tân - thị xã Bình Minh - huyện Tam Bình - huyện Trà Ôn), tập trung phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ vui chơi giải trí, nông nghiệp công nghệ cao.

Hành lang kinh tế dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên kết nối kinh tế - xã hội các đơn vị hành chính cấp huyện phía Bắc của tỉnh (gồm TP. Vĩnh Long - huyện Mang Thít - huyện Vũng Liêm), tập trung phát triển đô thị, công nghiệp thân thiện môi trường, du lịch sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe. 

Năm nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá phát triển

Để hiện thực hóa mục tiêu Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra, tỉnh Vĩnh Long xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là: xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực tập trung cho các đột phá phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển  đổi số (trên ba trụ cột: kinh tế số, xã hội số, chính quyền số), phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân; tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy khởi nghiệp; huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất - kinh doanh; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tư nhân.

Tầm nhìn đến năm 2050

Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long cũng xác định 3 đột phá phát triển gồm: tập trung huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật; tập trung nguồn lực phát triển trục động lực, các hành lang kinh tế và các ngành kinh tế, lĩnh vực chủ lực của tỉnh, gồm nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, thương mại, đô thị và công nghiệp chế biến; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực quản lý và nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để tỉnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển kinh tế nông nghiệp làm nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng, hình thành được một trục động lực, hai hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm đô thị động lực hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai hiệu quả các nội dung, định hướng của quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư, danh mục dự án ưu tiên thu hút mời gọi đầu tư và chủ động tiếp cận, mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư, nhất là các dự án đầu tư có quy mô lớn trong ngành công nghiệp chế biến, điện tử, các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa - du lịch, đô thị - nhà ở, thương mại - dịch vụ.

Vĩnh Long tạo quỹ đất công nghiệp đón nhà đầu tư lớn
Tỉnh Vĩnh Long đang mời gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sẵn sàng đáp ứng cho các doanh nghiệp đặt cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư