Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Vĩnh Sơn - Sông Hinh: Tìm vốn cho dự án thủy điện Thượng Kon Tum
Thanh Thủy - 09/07/2019 14:28
 
Thủy điện Thượng Kon Tum - dự án thủy điện lớn nhất tại Tây Nguyên trải qua 10 năm ròng rã xây dựng, dự kiến sẽ hoạt động vào quý III/2019. Chặng đường khai thác nguồn năng lượng từ dòng chảy sông Đak Nghe trải qua nhiều trắc trở hơn dự kiến ban đầu.
Toàn cảnh Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh: Robbins
Toàn cảnh Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh: Robbins

Sắp đến ngày hái quả nhưng dự án vẫn thiếu hụt vốn

Liên tục nhiều năm, tiến độ và những điểm nghẽn phát sinh tại Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum trở thành chủ đề nóng tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của CTCP Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã VSH-HOSE) - chủ đầu tư dự án. 

Công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum này được phê duyệt hồ sơ từ năm 2009 với sản lượng điện hàng năm dự kiến đạt 1,094 tỷ kWh. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ phát điện tổ máy thứ nhất vào quý I/2013 và đưa vào vận hành cả 2 tổ máy vào năm 2014. Còn báo cáo lập hồi tháng 5/2019 của đơn vị tư vấn (EVN PECC1) về dự án cho biết thời gian hoàn thành dự kiến vào quý III/2019, nhưng điều này cũng chưa thể chắc chắn nếu có thêm các vấn đề phát sinh.

Theo thông tin tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, dự án đã thi công đên giai đoạn cuối cùng và chỉ còn lại 249 m là thông hầm. Tuy nhiên, vốn cho dự án lại đang cực kỳ khó khăn. Số tiền giải ngân cho Dự án Thượng Kon Tum đến ngày 31/3/2019 đạt xấp xỉ 7.160 tỷ đồng. So với tổng mức đầu tư vừa được nâng thêm lên 9.428 tỷ đồng, số vốn cần bổ sung cho dự án còn 1.667 tỷ đồng.

Ngoài phần vốn Vĩnh Sơn – Sông Hinh tự thu xếp từ vốn tự có và các khoản vay chưa giải ngân, doanh nghiệp đã được cổ đông chấp thuận cho tìm kiếm vốn vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu tối đa 1.257 tỷ đồng để bổ sung vốn cho dự án. Nếu phải buộc tăng vốn đối ứng, cổ đông cũng cho phép HĐQT quyết định phát hành trái phiếu riêng lẻ tỷ lệ tối đa 10%, tương đương 200 tỷ đồng theo mệnh giá. 

Phương án huy động vốn trên đã được thống nhất tại cuộc họp ĐHĐCĐ 2019, nhưng Vĩnh Sơn – Sông Hinh mới đây lại lên kế hoạch tổ chức đại hội bất thường vào ngày 12/8. Danh sách cổ đông tham dự Đại hội sẽ được chốt vào ngày 22/7 tới. Cuộc họp sẽ thông qua phương án phát hành trái phiếu và trái phiếu chuyển đổi tài trợ vốn cho Dự án Thượng Kon Tum. Chi tiết phương án huy động vốn trái phiếu hiện chưa được doanh nghiệp công bố. 

Đến cuối năm 2018, Vĩnh Sơn – Sông Hinh đã vay hơn 4.500 tỷ đồng để phục vụ cho dự án này. Trong đó, ngân hàng tại Áo cho vay theo hợp đồng xuất khẩu tín dụng, chi trả 80% nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp với đối tác cung cấp thiết bị cơ đi từ Áo. Còn lại là các khoản cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước gồm BIDV, Vietcombank, HDBank và ACB. 

Theo tính toán của đơn vị tư vấn cho dự án, với giả định giá bán điện là 1.109 đồng/kWh và tiến độ như kế hoạch, Dự án sẽ bắt đầu mang về thu nhập vào năm 2020. Sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập chịu thuế ước tính đạt 90 tỷ đồng ở năm sau, gần 300 tỷ đồng và 434 tỷ đồng vào các năm 2021 và năm 2022.

Bảng tính thu nhập Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum từ năm 2019 – 2027 khi giá điện hàng năm giả định là 1.109 đồng/kWh – Nguồn: VSH
Bảng tính thu nhập Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum từ năm 2019 – 2027 khi giá điện hàng năm giả định là 1.109 đồng/kWh – Nguồn: VSH

Chặng đường 10 năm: Dai dẳng vụ kiện nhà thầu, 2 lần nâng tổng  mức đầu tư thêm gần 4.000 tỷ đồng

So với thiết kế ban đầu, nhiều hạng mục thi công Dự án Thượng Kon Tum được bổ sung và phát sinh, gặp nhiều địa chất bất lợi với hầu hết các hạng mục Tuyến năng lượng và Nhà máy đều là công trình ngầm. Liên doanh nhà thầu Trung Quốc thực hiện thi công đường hầm dẫn nước dài gần 16 km bằng TBM bỏ ngang cũng khiến dự án này đình trệ thời gian dài, sau đó phải chuyển sang nhà thầu khác từ Mỹ. Không chỉ làm chậm tiến độ, vụ kiện giữa hai bên hiện cũng còn chưa ngã ngũ.

Robbins (Mỹ) thay thế nhà thầu Trung Quốc thi công hầm dẫn nước – Ảnh: Robbins
Robbins (Mỹ) thay thế nhà thầu Trung Quốc thi công hầm dẫn nước – Ảnh: Robbins

Đến nay, thời gian thi công Dự án Thượng Kon Tum kéo dài gần 10 năm, gấp đôi dự kiến ban đầu. Tính chất phức tạp của công trình cùng thời gian thi công dài khiến chi phí nguyên vật liệu nhân công đều đội lên, tổng mức đầu tư của dự án đã có tới hai lần hiệu chỉnh vào tháng 5/2017 và lần gần đây là tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 9.428 tỷ đồng, tăng tổng cộng lên 3.684 tỷ đồng so với mức hồ sơ phê duyệt. Riêng đợt điều chỉnh lần này đã tăng tới 2.030 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng tăng 965 tỷ đồng, chi phí khác tăng 1.210 tỷ đồng. 

Cùng với những biến động tại dự án trọng điểm Thượng Kon Tum, Vĩnh Sơn - Sông Hinh các năm qua cũng ghi nhận sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông. Cổ đông lớn Nhà nước của doanh nghiệp là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái hết phần vốn tại đây từ cuối năm 2016. CTCP Cơ điện lạnh (mã REE - HoSE), doanh nghiệp tư nhân với nhiều khoản đầu tư lớn vào các công ty thủy điện, nhiệt điện, đã mua lại phần lớn cổ phần do SCIC bán ra và hiện đang sở hữu hơn 21% Vĩnh Sơn – Sông Hinh.

Tháng 3 vừa qua, hai cổ đông lớn tổ chức là Perfetto và Hoàn Mỹ đã đồng loạt bán ra tổng cộng 43 triệu cổ phiếu VSH, tương đương khoảng 20% vốn doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khá bất ngờ khi không có cổ đông nào sở hữu trên 5% cổ phần sau đó. Các giao dịch này được thực hiện giữa các nhà đầu tư trong nước. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vĩnh Sơn – Sông Hinh vẫn duy trì quanh 13%.

Vốn điều lệ 740 tỷ, Saigontel đầu tư dự án khu công nghiệp hơn ngàn tỷ đồng
Công ty của ông Đặng Thành Tâm muốn triển khai dự án tại Bắc Ninh, với tổng vốn hơn ngàn tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư