Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Vốn điều lệ 740 tỷ, Saigontel đầu tư dự án khu công nghiệp hơn ngàn tỷ đồng
Thanh Thủy - 29/06/2019 12:14
 
Công ty của ông Đặng Thành Tâm muốn triển khai dự án tại Bắc Ninh, với tổng vốn hơn ngàn tỷ đồng.
Saigontel là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) và cũng là doanh nghiệp gắn với tên tuổi của ông Đặng Thành Tâm
Saigontel là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) và cũng là doanh nghiệp gắn với tên tuổi của ông Đặng Thành Tâm

Tăng gấp hơn 2 lần tổng mức đầu tư dự án khu công nghiệp tại Bắc Ninh

CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - HoSE) vừa thông báo lấy ý kiến cổ thông qua việc điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn giai đoạn 2. Theo tờ trình, dự án này sẽ giảm diện tích đất sử dụng từ 96,2 ha xuống 95,81 ha và tăng tổng vốn đầu tư từ 486 tỷ đồng lên 1.097 tỷ đồng.

Danh sách cổ đông lấy ý kiến được chốt vào ngày 12/7/2019. Dự kiến, Saigontel hoàn tất tổng hợp ý kiến vào đầu tháng 8.

Văn bản lấy ý kiến không giải trình chi tiết lý do nâng tổng  mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, theo kế hoạch kinh doanh năm 2019, dự án đang ở giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, đền bù từng phần và chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng. Dự án giai đoạn 2 dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2020. 

Saigontel là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) và cũng là doanh nghiệp gắn với tên tuổi của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm cổ đông lớn nhất sở hữu trực tiếp 23,69% vốn. Hai lĩnh vực kinh doanh chính của Saigontel là viễn thông – công nghệ thông tin và bất động sản khu công nghiệp. Hiện, doanh nghiệp đang vận hành khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn giai đoạn 1 với tỷ lệ lấp đầy cao.

Cẩn trọng gánh nặng lãi vay

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức hồi giữa tháng 4, lãnh đạo Saigontel cho biết, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn giai đoạn 2 được VietinBank cấp hạn mức tín dụng 720 tỷ đồng. Thực tế từ năm 2011, doanh nghiệp đã đi vay ngân hàng nhằm mục đích đầu tư dự án trên, nhưng lãi suất thời điểm đấy lên tới hơn 25%/năm.

Từ cuối năm trước, công ty đã có bước chuyển đáng kể sang lĩnh vực bất động sản với việc khởi công hai dự án gồm tòa nhà văn phòng ICT 2 (văn phòng cho thuê tại Khu công nghệ phần mềm Quang Trung) và Saigontel Central Park (căn hộ chung cư 19 tầng tại Bắc Giang). Tổng vốn đầu tư cho hai dự án trên lần lượt là 200 tỷ đồng và 210 tỷ đồng. Saigontel nhận được khoản cấp tín dụng hạn mức 120 tỷ đồng và gói trái phiếu 50 tỷ đồng từ MBBank cho 2 dự án này. Lãi suất cho vay hiện thấp hơn đáng kể hồi giai đoạn trước đây. Như khoản trái phiếu kỳ hạn 2 năm phát hành cho MBBank có lãi suất 10%/năm cho 4 kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau đó theo lãi suất bình quân cộng biên độ 3,5%/năm.

Tăng cường đầu tư vào các dự án bất động sản, Saigontel cũng đồng thời phải huy động nguồn vốn để tài trợ cho các kế hoạch. Nguồn vốn tự có khá mỏng cùng việc có sẵn quỹ đất để sử dụng làm tài sản đảm bảo, không khó hiểu khi nguồn vốn huy động như vậy sẽ phụ thuộc nhiều vào các khoản vay nợ.

Đến hết quý I/2019,  tỷ lệ nợ chiếm hơn 61% trong tổng nguồn vốn gần 2.000 tỷ đồng. Giá trị đầu tư vào 2 dự án mới khởi công xấp xỉ 27,3 tỷ đồng, tăng thêm 7,6 tỷ đồng so với cuối năm 2017, nhưng vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản doanh nghiệp này. Hơn ngàn tỷ đồng tài sản của Saigontel vẫn tập trung ở các khoản  đầu tư  góp vốn và phải thu khác, trong đó gồm nhiều khoản phải thu các bên nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Saigontel tại đơn vị khác. 

Vốn điều lệ của Saigontel giữ nguyên từ năm 2010, ở mức hơn 740 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã lỗ hàng trăm tỷ đồng 7 năm trước bởi gánh nặng chi phí lãi vay và chuyển nhượng khoản đầu tư dưới giá vốn. Nhờ lợi nhuận của các năm sau đặc biệt 2 năm gần đây bù lại, Saigontel vừa xóa xong khoản lỗ lũy kế và ra khỏi diện cảnh báo.

Saigontel xóa hết lỗ lũy kế từ cuối năm 2018 và không còn nằm trong nhóm cổ phiếu bị cảnh báo trên HoSE. Nguồn: BCTC
Saigontel đã xóa hết lỗ lũy kế từ cuối năm 2018 và không còn nằm trong nhóm cổ phiếu bị cảnh báo trên HoSE. Nguồn: BCTC

Lãi suất hiện nay đã ổn định, tình hình kinh tế cũng cải thiện hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng trước đây, nhưng ngoài những quyết tâm đầu tư đón dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp, sự cẩn trọng vẫn không thừa để Saigontel tránh lặp lại bài học của quá khứ.

Saigontel của ông Đặng Thành Tâm sắp bị buộc hủy niêm yết
Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn – Saigontel (mã SGT, sàn HOSE) đã lỗ hơn 22 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2013 và có thể sẽ lỗ hơn 25...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư