Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
VN-Index dứt chuỗi tăng, cổ phiếu ngân hàng "dìm" thị trường
Thanh Thủy - 30/01/2023 18:33
 
Thanh khoản tăng lên mức cao nhất trong một tháng trở lại đây khi nhiều cổ phiếu giảm sâu, đặc biệt nhóm vốn hóa lớn.

Điều chỉnh sau 8 phiên tăng, kích hoạt dòng tiền lớn

Thị trường điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần. VN-Index lần đầu đóng cửa trong sắc đỏ sau 8 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số sàn HNX và UPCoM đều kết phiên trên mức tham chiếu nhưng áp lực bán cũng đã đẩy chỉ số giảm trong nửa cuối phiên chiều.

Thị trường chứng khoán châu Á phân hóa trong phiên. VN-Index nằm trong nhóm giảm sâu bên cạnh chỉ số chứng khoán của Hồng Kông (-2,73%), Hàn Quốc (-1,35%), Philippines (-1,15%)…

VN-Index đóng cửa giảm 14,53 điểm (-1,3%) xuống 1.102,57 điểm. HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,01%), lên 220,78 điểm.  UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,55%), lên 75,4 điểm.

Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản ở mức cao. Trên sàn HoSE, khối lượng giao dịch đạt 799 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 13.627 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trên sàn HNX đạt 108 triệu đơn vị, với giá trị gần 1.600 tỷ đồng. Giá trị giao dịch ba sàn là hơn 15.700 tỷ đồng.  

Toàn sàn có 410 mã tăng, 78 mã tăng trần; trong khi chỉ có 323 mã giảm và 23 mã giảm sàn. Dù số lượng mã tăng giá nhỉnh hơn, các trụ cột chính của thị trường lại suy yếu. Sắc đỏ cũng áp đảo trong rổ VN30 với 22 mã giảm, 6 mã tăng và 2 mã tham chiếu. Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đều giảm khá sâu, trừ ACV đóng cửa tăng điểm.  Cùng đó, top 3 cổ phiếu kéo VN-Index lùi sâu nhất là VCB, VIC và VHM.

Vietcombank - tổ chức có quy mô vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán giảm tới 3,33%. Chỉ riêng VCB đã góp tới 3,57 điểm giảm. Mới đây, HĐQT ngân hàng này công bố tờ trình bổ sung về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng, qua đó tăng 58,4% vốn điều lệ, từ hơn 47.325 tỷ lên hơn 75.000 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023 và 2024.

Không riêng VCB, dòng ngân hàng là nhóm giao dịch tiêu cực nhất thị trường. Hàng loạt cổ phiếu nhà băng giảm mạnh như ACB (-3,6%), EIB (-3,5%), LPB (-3,3%), STB (-3%)... Cổ phiếu BAB và HDB là hai mã hiếm hoi đóng cửa trong sắc xanh.

Ngành bất động sản khá phân hóa. Hai ông lớn giảm sâu gồm VIC (-2,53%) và VHM (-3,38%). Trong khi đó, NVL đứng giá tham chiếu, một số cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ và vừa đóng cửa trong sắc xanh như DXG, HUT, CEO…

Nhóm thép giao dịch khá tích cực bất chấp nhịp điều chỉnh của thị trường chung. HPG tăng 1,2%, SMC tăng 0,5%, TNA tăng 1,4%... trong khi NKG, HSG đứng giá tham chiếu.

Động lực hỗ trợ giao dịch cổ phiếu HPG một phần đến từ lực cầu của khối ngoại. Nhóm các nhà đầu tư  này mua ròng 745,81 tỷ trên sàn HOSE, tập trung tại các mã FUEVFVND (279,6 tỷ đồng) và HPG (248,4 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 26,73 tỷ, trong đó IDC được mua ròng nhiều nhất với giá trị 20,1 tỷ. Tính chung trên cả ba sàn, khối ngoại tiếp tục mua ròng 789 tỷ đồng trong phiên.

Vàng vẫn đứng sau nhiều kênh đầu tư về hiệu quả sinh lời
Sát ngày Vía Thần tài, giá vàng vọt tăng mạnh. Tuy vậy, năm 2023 - theo các chuyên gia - không phải là năm của vàng. So với nhiều kênh đầu tư khác, vàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư