Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Năm 2023, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt
Tư Thuần - 28/12/2022 14:36
 
Thị trường chứng khoán vẫn có thể mang lại lợi suất tốt năm 2023, nhưng nhà đầu tư cần nhiều sự tập trung hơn để đạt được thành quả.

Financial Times đã tập hợp diễn đàn gồm các nhà quản lý quỹ, chuyên gia tài chính để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong năm 2023 tại thị trường chứng khoán, trong bối cảnh lãi suất gia tăng và vấn đề lạm phát khiến các ngân hàng trung ương toàn cầu đau đầu.

Thị trường chứng khoán có một năm “lộn xộn” và đầy kịch tích: Chỉ số FTSE 100 kết thúc năm ở mức gần như khởi đầu, trong khi S&P 500 giảm gần 20% và Nikkei 225 giảm khoảng 6%.

Những con số trung bình này không phản ánh hết mức độ đảo chiều chóng mặt của thị trường, với những cú twist như giá cổ phiếu của các công ty sản xuất năng lượng hoá thạch tăng vọt, trong khi nhóm công nghệ - con cưng suốt một thập kỷ đảo chiều xuống dốc. Chỉ số Nasdaq – chủ yếu là nhóm cổ phiếu công nghệ đã giảm khoảng 33% trong 1 năm. 

Diễn biến các chỉ số chứng khoán tại thị trường Anh, Mỹ và Nhật Bản năm 2022

Trong năm 2023, những thách thức chính có thể nhận thấy là lạm phát, thậm chí đã tăng lên mức hơn 10% tại Anh. Nhà đầu tư cần bảo vệ giá trị danh mục của mình trước lạm phát, cũng như những biến động của thị trường. Bám dính lấy... tiền mặt nhiều khả năng sẽ không phải phương pháp thành công, bởi lãi suất tăng không đủ nhanh để bắt kịp lạm phát.

Bởi vậy, với nhiều chuyên gia, câu trả lời vẫn là gắn bó với thị trường chứng khoán, dù có những rủi ro tiềm ẩn.

“Bạn có thể có góc nhìn rất cẩn thận về bối cảnh hiện tại trên toàn cầu và hoàn toàn chấp nhận dồn lực vào thị trường chứng khoán. Điều cần làm là chọn cổ phiếu có thể đương đầu với môi trường hiện tại và đây không phải thời gian phù hợp để thử nghiệm, lựa chọn rủi ro”, Simon Edelsten, Giám đốc Quỹ Artemis Fund Managers cho biết.

Mối đe doạ lạm phát lớn tới mức nào?

Các chuyên gia đều có nhận định, triển vọng nền kinh tế thế giới ảm đảm trong năm 2023. IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu vào khoảng 3,2% năm 2022 và 2,7% năm 2023 - mức thấp nhất kể từ năm 2001 (ngoại trừ năm 2008 khủng hoảng tài chính và thời kỳ đại dịch đỉnh điểm).

“Chúng ta đã bắt đầu bước vào thời kỳ đi xuống, với suy thoái gần như hiện diện tại khu vực đồng euro và Anh, trong khi Mỹ đang cố tránh hạ cánh cứng và bước trên lằn ranh mỏng”, Sandbu – cây viết tài chính của FT chia sẻ.

Điều khiến giới chuyên gia băn khoăn bậc nhất là các ngân hàng trung ương sẽ kiểm soát lạm phát như thế nào. Nếu họ nâng lãi suất quá chậm, lạm phát có thể bật cao hơn, nhưng nếu nâng lãi suất quá manh tay, rủi ro đẩy nhanh nền kinh tế vào khủng hoảng sẽ xuất hiện. Lạm phát cao hơn dự kiến thường là tin xấu đối với trái phiếu, nhưng không hẳn luôn là tin xấu đối với cổ phiếu bởi một số doanh nghiệp, nhất là những công ty lớn tại các ngành thiết yếu có thể chuyển phần chi phí gia tăng.

Đáng chú ý, việc chi phí năng lượng gia tăng, đặc biệt tại châu Âu khiến nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương càng thêm phức tạp. “Fed rõ ràng muốn lạm phát nằm dưới sự kiểm soát. Và có rủi ro là mọi chuyện sẽ đi hơi quá xa”.

 

Diễn biến lạm phát (đường xanh đậm) và lãi suất (đường xanh nhạt) tại Anh

Rủi ro địa chính trị nghiêm trọng ra sao?

Rủi ro địa chính trị lại là một vấn đề khác mà nhà đầu tư không thể phớt lờ. Trong số các yếu tố gây bất ổn cho thị trường trong năm tới, các chuyên gia chỉ ra rằng, cuộc bầu cử tại Tây Ban Nha, tiếp theo đó là sự trỗi dậy của cánh hữu tại Italy, cũng như sự tồn tại của xung đột Ukraine, Đài Loan và Trung Đông… đều cần được theo dõi sát sao.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên dành quá nhiều nỗ lực để cố đoán trước tương lai, trong khi không tập trung vào tính toán các rủi ro đã được phản ánh như thế nào vào giá. Điều quan trọng là “các tài sản đầu tư có đang được giá hay không?”. Với việc giá cổ phiếu đã giảm khá sâu, nhiều yếu tố tiêu cực đã được thị trường hấp thụ.

Những công ty nào có thể sống sót?

Nhìn vào thị trường chứng khoán, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, cần quay trở lại nhìn vào doanh nghiệp với yếu tố nội tại mạnh trong thời gian khó khăn. Đó là các công ty có thể đối mặt với lạm phát và chuyển gánh nặng chi phí, doanh nghiệp có “quyền lực” về giá tại thị trường toàn cầu.

Theo đó, Edlesten ưa chuộng các công ty ô tô, hiện cũng chiếm tỷ trọng 20% danh mục đầu tư của quỹ Artemis Fund Managers, bởi nhóm này có khả năng hấp thụ và chuyển hoá vấn đề giá cả leo thang.

Tuy nhiên, một vấn đề với việc lựa chọn cổ phiếu tốt trong bối cảnh hiện tại là việc các doanh nghiệp ở vị thế vững vàng hơn thường có giá cổ phiếu ở mức cao. Và chi phí để gia nhập thị trường, nắm giữ tài sản đầu tư của nhà đầu tư sẽ cao hơn.

Lĩnh vực năng lượng có thực sự hấp dẫn?

Đối với lĩnh vực năng lượng, các chuyên gia đều duy trì mức độ đầu tư vào ngành này, nhưng cần kén chọn. Việc dầu và khí đốt tăng giá đã tạo đà tăng trưởng cho các nhà sản xuất năng lượng hoá thạch, đồng thời thúc đẩy việc đầu tư vào năng lượng xanh. Tuy nhiên, cần tính toán một cách thực tế, bao gồm việc tập trung vào nhóm nhà cung cấp khí đốt bên ngoài nước Nga, trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đa dạng hoá nguồn cung năng lượng.

Edelsten đầu tư vào các công ty dịch vụ dầu mỏ và khí đốt, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tại Mỹ, trong đó có Schlumberger và Halliburton. Đây là các doanh nghiệp có hoạt động khôi phục các sự cố rò rỉ dầu khí, giúp ngành công nghiệp năng lượng trở nên thân thiện với môi trường hơn.

Tương tự, Anna Macdonald, nhà quản lý tại Amati Global Investor cũng tập trung vào các công ty cung cấp dịch vụ dầu khí, cũng như các doanh nghiệp năng lượng tái tạo.

Nhóm công nghệ sống chết thế nào?

Các chuyên gia tỏ ra lo lắng với nhóm doanh nghiệp công nghệ, nhất là sau khi các công ty khởi nghiệp đã được “thổi” lên mức định giá rất cao sau đợt bùng nổ vừa qua. Dù vậy, nhóm công nghệ đã chứng kiến đợt điều chỉnh mạnh trên thị trường và do đó, những công ty tốt, tạo ra lợi nhuận vẫn là khoản đầu tư đáng giá.

Edelsten chia sẻ, trong nhóm công nghệ, ông lựa chọn Microsoft và TSMC – nhà sản xuất chip tại Đài Loan. Trong khi đó, các tên tuổi khác như Amazon và Worday – công ty dịch vụ quản lý tài chính vẫn đang ở mức khá đắt đỏ.

Các doanh nghiệp công nghệ ngành sản xuất chip nhận được sự quan tâm của giới đầu tư

Trong khi đó, các chuyên gia khác nhận định, vẫn còn nhiều cơ hội đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ hơn, cung cấp các sản phẩm tốt trên thị trường. Vấn đề là nhà đầu tư cần định nghĩa lại cơ hội tại lĩnh vực công nghệ, thay vì nhìn vào những thứ hào nhoáng và vĩ đại như Amazon, Google, có thể tập trung vào các công ty cung cấp sản phẩm công nghệ phục vụ vận hành, quản trị…

Nhóm y tế, chăm sóc sức khoẻ có phải khoản đầu tư an toàn?

Ngay cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, người tiêu dùng vẫn phải chi tiêu cho các lĩnh vực như y tế, chăm sóc sức khoẻ, nhất là trong điều kiện dân số già đi.

Đây là lý do các chuyên gia đồng tình với việc có thể dành một khoản đầu tư cho nhóm công ty chăm sóc sức khoẻ, có định giá ở mức hợp lý. Tuy nhiên, cần “cảnh giác” với việc đầu tư vào các doanh nghiệp đang “đầu tư rất lớn cho những vấn đề rất nhỏ chỉ dành cho nhóm khách hàng giàu có”.

Anna Macdonald cho rằng, đầu tư vào các doanh nghiệp ngành y tế có thể “nhàm chán”, nhưng an toàn, bởi các doanh nghiệp này luôn có đối tượng người dùng và không gian tăng trưởng nhất định.

Tựu chung, các chuyên gia nhấn mạnh, thị trường chứng khoán vẫn có thể mang lại lợi suất tốt năm 2023, nhưng nhà đầu tư cần nhiều sự tập trung hơn để đạt được thành quả.

ECB có thể tiếp tục tăng lãi suất để kéo giảm lạm phát
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Isabel Schnabel cho rằng ngân hàng này cần chuẩn bị sẵn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư