Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
VN-Index giảm gần 6 điểm phiên đầu tuần, mất mốc 1.280 điểm
Thuỳ Trang - 21/10/2024 15:50
 
Thiếu lực đỡ từ rổ VN30 trong khi áp lực bán ở các ngành tương đối lớn khiến VN-Index giảm 5,69 điểm phiên đầu tuần, xuống 1.279,77 điểm.

Trước sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư, thị trường đã xuất hiện những nhịp rung lắc nhẹ ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 21/10.

Giữa phiên sáng, VN-Index chuyển sang sắc xanh nhờ dòng tiền giải ngân ở vùng giá thấp. Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, bên cầm cổ phiếu chiếm ưu thế trở lại với áp lực xả hàng mạnh dần lên, kéo theo sắc đỏ bao trùm thị trường đến khi đóng cửa. Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM chốt phiên tại 1.279,77 điểm, mất 5,69 điểm so với tham chiếu và kéo dài chuỗi giảm sang phiên thứ hai liên tiếp.

Số lượng cổ phiếu tăng kém cổ phiếu giảm gần 3 lần, khi chỉ có 99 mã chốt phiên trong sắc xanh còn cổ phiếu giảm lên đến 287 mã. Rổ vốn hoá lớn ghi nhận trạng thái tương tự với 23 mã giảm, còn bên tăng chỉ 5 cổ phiếu.

Thanh khoản thị trường cải thiện trong phiên chiều nhưng cả phiên vẫn chỉ ở mức thấp với hơn 14.347 tỷ đồng, giảm 1.038 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước. Giá trị này đến từ khoảng 623 triệu cổ phiếu được sang tay thành công, giảm 66 triệu đơn vị so với phiên trước đó.

VHM dẫn đầu về thanh khoản trong phiên hôm nay khi giá trị đạt xấp xỉ 993 tỷ đồng (tương ứng 21,2 triệu cổ phiếu), sau đó đến EIB hơn 706 tỷ đồng (tương ứng 34,7 triệu cổ phiếu) và STB khoảng 483 tỷ đồng (tương ứng 13,5 triệu cổ phiếu). 

Danh sách những cổ phiếu tác động tích cực và tiêu cực nhất tới thị trường.
Danh sách những cổ phiếu tác động tích cực và tiêu cực nhất tới thị trường.


Rổ VN30 chịu áp lực bán quyết liệt. Cụ thể, CTG đứng đầu danh sách những mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường khi giảm 2,07% xuống 35.500 đồng, sau đó đến BID giảm 1,29% xuống 49.650 đồng. GVR xếp tiếp theo khi giảm 1,81% xuống 35.200 đồng, còn VCB giảm 0,43% xuống 92.000 đồng. Những cổ phiếu vốn hoá lớn khác cũng góp mặt trong danh sách này lần lượt là FPT, TCB, ACB, HPG, MBB và BCM.

Nhóm dầu khí gây áp lực lớn lên thị trường khi gần như toàn bộ đóng cửa dưới tham chiếu. Cụ thể, PSH giảm 4,4% xuống 3.730 đồng, PLX giảm 1,8% xuống 41.600 đồng, PVD giảm 1,7% xuống 25.800 đồng và PVT giảm 1,6% xuống 27.500 đồng. 

Ở nhóm thép, HPG bị bán mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư vốn đang yếu trở nên tiêu cực hơn và lan rộng đến nhiều cổ phiếu khác. Cụ thể, NKG giảm 1,9% xuống 20.500 đồng, HSG giảm 1% xuống 20.400 đồng và TLH giảm 0,9% xuống 5.360 đồng.

Chiều ngược lại, cổ phiếu họ Vingroup trở thành trụ đỡ cho phiên hôm nay khi VHM tăng 5,64% lên 47.800 đồng và dẫn đầu danh sách tác động tích cực nhất đến VN-Index. VIC xếp tiếp theo khi tăng 1,08% lên 42.250 đồng và VRE tăng 1,87% lên 19.100 đồng. 

EIB là mã duy nhất thuộc nhóm ngân hàng tăng trần trong phiên hôm nay, lên 20.800 đồng và đóng cửa trong tình trạng không có bên bán. Tương tự, QCG của nhóm bất động động sản cũng tăng hết biên độ trong phiên đầu tuần, lên 10.500 đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài nối chuỗi bán ròng sang phiên thứ bảy liên tiếp. Cụ thể, nhóm này bán ra gần 43,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.495 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân 1.227 tỷ đồng để mua khoảng 36,2 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó xấp xỉ 268 tỷ đồng.

Khối ngoại tập trung xả hàng STB với giá trị ròng hơn 131 tỷ đồng, tiếp đến là FPT 63,6 tỷ đồng, HPG 57 tỷ đồng và SSI 56,4 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền ngoại tập trung vào cổ phiếu VHM với giá trị ròng hơn 104 tỷ đồng. DXG xếp tiếp theo khi hút ròng gần 53,1 tỷ đồng, sau đó đến MSN hơn 45,9 tỷ đồng.

Mở “lối thoát hiểm” cho thanh khoản thị trường trái phiếu
Các chuyên gia cho rằng, để tránh thanh khoản thị trường bị tắc nghẽn, cần cân nhắc lại quy định cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư