Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VN-Index rơi sâu kích hoạt gần 53.000 tỷ đồng đổ vào thị trường
Thanh Thủy - 23/12/2021 17:44
 
Thị trường chứng khoán Việt Nam lạc lõng khi đa số các sàn chứng khoán châu Á đóng cửa trong sắc xanh.

Lại thêm một phiên rơi sâu, VN-Index lùi về dưới 1.457 điểm

Trong khi hầu hết các sàn chứng khoán châu Á tăng điểm, sắc đỏ lại bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam trên cả ba chỉ số và trong phần lớn phiên giao dịch.

VN-Index rơi sâu nhất xuống 1.448 điểm vào lúc 13:07, tương đương mức giảm hơn 29 điểm. Giao dịch trên thị trường cũng đặc biệt sôi động khi bước sang phiên chiều. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 20,71 điểm (-1,4%) xuống 1.456,96 điểm. HNX-Index giảm mạnh hơn, tới 2,32%, xuống 442,61 điểm. UPCoM-Index giảm 1,47 điểm (-1,35%) xuống 109,46 điểm.

.
VN-Index lại có thêm một phiên giảm sâu - Ảnh: Tradingview

Cú rơi này cũng đã kích hoạt mạnh dòng tiền. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 52.983 tỷ đồng, tăng gần 31% so với phiên hôm qua. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 44.955 tỷ đồng, tăng 19%. Giao dịch thỏa thuận hôm nay cũng ghi nhận đột biến từ cổ phiếu VHM. Gần 27,5 triệu cổ phiếu VHM đã được chuyển nhượng, trị giá 2.250,5 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác cũng được chuyển nhượng với giá trị lớn như NVL, GEX… Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận lên tới 7.659 tỷ đồng.

Thanh khoản tăng mạnh, tập trung ở khá nhiều cổ phiếu. Các cổ phiếu đạt giá trị giao dịch lớn nhất gồm MSN (1.710 tỷ đồng), SSI (1.302 tỷ đồng), HPG (1.187 tỷ đồng). Cá biệt, với cú rơi kịch sàn từ đầu phiên chiều, áp lực bán tháo đã đẩy thanh khoản cổ phiếu doanh nghiệp hạ tầng này vọt lên 1.058 tỷ đồng. DIG cũng đóng cửa giảm sàn với giá trị giao dịch trên 931 tỷ đồng.

.
Dòng tiền giao dịch sôi động từ phiên chiều

Các nhà đầu tư nước ngoài mạnh tay bán ròng trong phiên, trong khi chỉ giải ngân nhỏ giọt, không quá tập trung tại một số cổ phiếu cụ thể. Tương tự nhiều phiên gần đây, cổ phiếu CEO tiếp tục bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất (250 tỷ đồng). Tuy nhiên, khác với phiên trần hôm qua, giá cổ phiếu này đã bị đẩy xuống mức giá sàn, đóng cửa ở mức 59.300 đồng/cổ phiếu, giảm gần 10%. Trước đó, cổ phiếu đã tăng hơn 2 lần trong vỏn vẹn một tháng và xác lập đỉnh giá mới (65.800 đồng/cổ phiếu). Khối ngoại cũng thu về gần 191 tỷ đồng khi giảm sở hữu tại Masan.

Cổ phiếu KBC dù đón nhận thông tin tích cực liên quan đến hoạt động mở rộng quỹ đất khu công nghiệp nhưng cũng bị khối ngoại bán ròng hơn 94 tỷ đồng. Cổ phiếu này giao dịch giằng co nhưng đến kết phiên giữ ở mức giá tham chiếu. 

Trên sàn HoSE, khối ngoại bán cổ phiếu thu về 1.913 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân thêm 1.286 tỷ đồng, tương đương giá trị bán ròng 627 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, giá trị bán ròng xấp xỉ 875 tỷ đồng.

Điểm sáng hiếm hoi ở nhóm cổ phiếu dầu khí

Sắc đỏ áp đảo, toàn sàn có tới 620 mã giảm (gồm 24 mã giảm sàn), trong khi chỉ có 293 mã tăng và 47 mã tăng trần. Đầu tàu kéo VN-Index rơi nhiều nhất là cổ phiếu ba ông lớn bất động sản gồm Vingroup, Vinhomes và Novaland. Trên sàn HNX, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn cũng là yếu tố dìm thị trường nhiều nhất. Trong đó, riêng IDC giảm hơn 9% đã góp gần 1,8 điểm giảm, CEO giảm sàn góp 1,42 điểm giảm trong tổng mức giảm gần 10,5 điểm hôm nay.

Nhóm ngân hàng cũng góp 4 gương mặt trong top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index. Cổ phiếu chứng khoán, bảo hiểm không khá hơn. Đây đã là phiên thứ hai liên tiếp, nhóm cổ phiếu tài chính giao dịch tiêu cực. Trừ TVS vẫn tăng trần nhờ câu chuyện riêng từ khoản đầu tư vào fintech Momo, “cơn bão” giảm giá đã cuốn phăng giá trị các cổ phiếu chứng khoán với mức giảm phiên hôm nay phần lớn trên 4%.

Điểm sáng hiếm hoi xuất hiện ở nhóm cổ phiếu dầu khí. PVD tăng kịch trần (+6,9%), PVC trên sàn  HNX tăng 8,8%, PVG cũng tăng 8,6%. Riêng GAS vẫn đứng ở mức tham chiếu. Giá khí đốt ở châu Âu và Anh đã tăng vọt lên mức cao nhất do nhu cầu tăng mạnh trong mùa đông.

Ở chiều ngược lại, giá thép trên thị trường quốc tế lại diễn biến tiêu cực. So với phiên điều chỉnh mạnh hôm qua, đà giảm của nhóm cổ phiếu thép đã thu hẹp lại. Cổ phiếu “ông lớn” ngành thép - HPG có thời điểm chỉ giao dịch  ở mức 44.100 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn hồi phục nhẹ, đóng cửa ở mức 44.950 đồng/cổ phiếu. Cá biệt, HSG ngược dòng tăng 2,2% lên 35.100 đồng/cổ phiếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư