Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
VN-Index tăng gần 80 điểm từ “vực sâu”, gánh nặng kép trên thị trường chứng khoán đã vơi?
Tùng Linh - 26/04/2022 19:45
 
Chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh ở cả ba chỉ số và trên diện rộng các cổ phiếu. Sức hấp dẫn khi nhiều cổ phiếu về vùng giá thấp đã hút dòng tiền đổ vào thị trường sáng nay.

Hồi phục 80 điểm từ đáy phiên

Lần đầu tiên trong 9 tháng, VN-Index xuyên thủng ngưỡng 1.265 điểm. Hơn 10 phút chớp nhoáng khi VN-Index xuống dưỡi mốc trên trong đầu phiên sáng, sức hấp dẫn của loạt cổ phiếu bị dìm về vùng giá thấp đã kéo dòng tiền lớn chảy vào thị trường. Tiếp đà hồi phục, cả ba chỉ số chứng khoán đều đồng loạt đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên.

VN-Index tăng 30,42 điểm (+2,32%) lên 1.341 điểm.HNX-Index tăng 7,66 điểm (+2,27%) lên 345,17 điểm. UPCoM-Index tăng 1,6 điểm (+1,61%) lên 101,15 điểm.

Trong buổi sáng, thanh khoản trên sàn HOSE đã tăng gần 40% so với phiên liền trước. Tuy nhiên, thanh khoản chững lại ở phiên chiều. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt gần 24.390 tỷ đồng, giảm 4,5% so với hôm qua. Các cổ phiếu hút dòng tiền đều hồi phục mạnh từ đáy như giá cổ phiếu HPG đóng cửa tăng 4% so với mức giá thấp nhất phiên, VPB tăng 10%, DIG tăng 14,9%, FPT tăng 8,25%.

Lực cầu lớn tham gia vào thị trường khi VN-Index rơi sâu

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực gom cổ phiếu. Đối với riêng sàn HoSE, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng tới 8 phiên. Tính chung trên ba sàn, đây là phiên thứ 6 liên tiếp khối ngoại mua ròng với tổng giá trị xấp xỉ 3.830 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu phân bón/hóa chất như DGC, DPM, DCM tiếp tục được khối ngoại mua ròng giá trị lớn, đặc biệt ở thời điểm giá cổ phiếu rơi sâu trong phiên sáng.

Sắc xanh trở lại không chỉ trên các chỉ số mà còn phủ rộng tại các mã cổ phiếu trên sàn. Tính trên cả ba sàn, số lượng mã tăng gấp 2,4 lần số mã giảm. Toàn sàn có 556 mã tăng, 101 mã tăng trần; trong khi chỉ có 241 mã giảm và 31 mã giảm sàn. Trừ nhóm chế biến thủy sản, sắc xanh áp đảo ở hầu hết các ngành, đặc biệt là nhóm dầu khí, phân bón, chứng khoán, ngân hàng. Cổ phiếu nhà băng là một trong các nhóm hồi phục sớm nhất. Trừ VCB và NVB giảm giá, hầu hết dòng ngân hàng đều tăng giá trên 1%.

Nhóm ngân hàng cùng các cổ phiếu vốn hóa lớn ngành bất động sản hay dầu khí trở thành dòng cổ phiếu dẫn dắt chỉ số chung. Các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index phiên này là VPB, GAS, VHM, SAB, VIC. Còn trên sàn HNX, cổ phiếu dẫn dắt chỉ số là PVS, THD, CEO, L14, MBS.

Sự hồi phục trên diện rộng đã giúp HNX-Index lần đầu tăng điểm sau 8 phiên, UPCoM-Index cũng có phiên hồi phục sau 7 phiên giảm liên tiếp. Còn với chỉ số sàn HoSE, đây là phiên thứ 2 tăng điểm từ ngày 14/4 đến nay. Tính từ đáy phiên, chỉ số sàn HoSE đã có một cú hồi ngoạn mục khi tăng tới gần 80 điểm trong phiên.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đóng cửa tăng từ 31,1 đến 41 điểm. Trong đó, hợp đồng đáo hạn gần nấy (VN30F2205) tăng 2,8% lên mức 1.391 điểm, hiện đang thấp hơn 5,9 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Trong khi đó, tổng thanh khoản thị trường phiên hôm nay tăng 37,07% so với phiên liền trước, đạt 385.200 hợp đồng được khớp lệnh trong phiên.

Gánh nặng kép lên chứng khoán Việt đã vơi?

Nhiều sàn chứng khoán châu Á đã hồi phục sáng ngày 26/4, tuy vậy, không phải  thị trường nào cũng trụ vững. Đại diện của chứng khoán Việt Nam trở thành chi số hiếm hoi hồi phục thành công. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, sắc xanh trở lại sau chuỗi giảm nhanh và sâu hơn nhiều thị trường khác. Trước phiên hồi phục hôm nay, quy mô vốn hóa sàn HoSE đã giảm gần 840 nghìn tỷ từ ngày 4/4. Với mức tăng hơn 30 điểm, vốn hóa thị trường cũng chỉ mới lấy lại 120.618 tỷ đồng.

Đánh giá về đợt giảm sâu thời gian qua, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây là đợt điều chỉnh tương đối mạnh dưới sự tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân khác nhau cả trong nước và thế giới, cả khách quan lẫn chủ quan.

Trong đó, yếu tố khách quan đến từ áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách và điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành sau 3 năm. Chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm điểm mạnh cũng một phần tương đồng với nhịp giảm chung của thế giới.

Cùng đó, một áp lực nữa tác động đến thị trường là tâm lý của các nhà đầu tư khi cơ quan chức năng và cơ quan quản lý xử lý nghiêm các vụ việc trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Người đứng đầu Bộ Tài chính nhận định các sự việc vừa qua chỉ là các sự vụ đơn lẻ, tác động tới tâm lý của thị trường trong ngắn hạn, đồng thời, việc “loại bỏ những hạt sạn” sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường trong trung và dài hạn.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua chịu tác động kép từ chuyển động chính sách tiền tệ trên toàn cầu và do việc xử lý tiêu cực trên thị trường chứng khoán.

Thông thường khi giảm sâu chỉ số vẫn thường có nhịp hồi khi chạm ngưỡng hỗ trợ. Diễn biến giảm nhanh và sâu, xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ trong các phiên giao dịch vừa qua theo ông Trần Hoàng Sơn là điều bất thường. Nhiều khả năng do nhu cầu xử lý gấp thanh khoản trong một thời điểm đã gây ra áp lực bán, gia tăng nguồn cung cổ phiếu đột biến trên thị trường.

Hiện tượng các cổ phiếu vốn hóa lớn, gồm cả các cổ phiếu đang có xu hướng tăng giá tốt, bị bán “bất chấp” cũng giới đầu tư đặt câu hỏi về sự ảnh hưởng liên thông giữa các thị trường.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Sơn cho rằng nguồn cung cổ phiếu lớn đã được bán ra vài tuần qua. “Đã có tín hiệu cho thấy nguồn cung cổ phiếu có vẻ giảm bớt trong phiên sáng nay (26/4 -  PV). Trong khi đó, thị trường chỉ cần chờ tín hiệu nguồn cung dừng bán. Điều này cũng đã đủ tạo ra nhịp phục hồi bởi giá nhiều cổ phiếu đang ở vùng rất hấp dẫn sau áp lực bán ra liên tiếp ròng rã trong 2 tuần gần đây”.

Cũng theo ông Trần Hoàng Sơn, nhiều tín hiệu hồi phục về kỹ thuật đã xuất hiện. Chỉ số RSI đã rơi xuống dưới đường 30, được coi là ngưỡng quá bán - oversold (lượng bán ra quá nhiều làm giá giảm xuống thấp hơn so với giá cân bằng). Đa phần trong 2 năm gần đây, khi RSI xuống vùng quá bán, thị trường sẽ tạo đáy đi lên.

Chỉ số RSI đã rơi xuống vùng quá bán - Ảnh: Bloomberg Finance

Không riêng chỉ số chung, số liệu cập nhật đến phiên rơi sâu 25/4 cũng cho thấy gần 51% số cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP HCM có RSI ở vùng quá bán. Tỷ lệ các cổ phiếu có RSI <30 tăng cao hơn giai đoạn tháng 3/2020 khi tâm lý thị trường chứng khoán toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề vi sự xuất hiện của dịch Covid-19.

.
.Tỷ lệ các cổ phiếu có RSI <30 tăng cao hơn giai đoạn tháng 3/2020- Ảnh: Bloomberg Finance

Đánh giá riêng về rổ danh mục VN30 trong báo cáo gần đây, bộ phận phân tích của MBS cho rằng VN30-Index đang có nhiều lợi thế tạo đáy hơn khi đã có 4 phiên tạo đáy ở vùng 1.422 – 1.440 điểm. Động lực chính giúp chỉ số phục hồi sẽ đến từ nhóm cổ phiếu VN30, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt. 

Báo cáo Quốc hội nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư