Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 05 năm 2024,
VN-Index vượt 1.200 điểm, lại là VCB “gánh” thị trường
Tùng Linh - 26/07/2023 18:41
 
Chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít thị trường duy trì được chuỗi tăng trong phiên hôm nay. Đa số chỉ số chứng khoán châu Á đóng cửa trong sắc đỏ khi cuộc họp báo của Fed cận kề.

 VCB góp 2 điểm trong tổng mức tăng hơn 4,9 điểm của VN Index

Bất chấp giao dịch giằng co xuyên suốt phiên giao dịch do áp lực bán liên tục xuất hiện, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh, thậm chí kết thúc ở mức cao nhất sau cú bật tăng ở phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa.

VN-Index tăng 4,94 điểm, tương đương với 0,41% lên 1.200,84 điểm. Giao dịch kém tích cực hơn VN-Index, HNX-Index đóng cửa tại 236,20, giảm 0,31%. Chỉ số sàn UPCoM vừa kịp giữ được sắc xanh nhưng cũng chỉ nhích nhẹ so với mức tham chiếu.

Sắc xanh của chỉ số sàn HoSE có được nhờ dựa vào một số trụ cột chính ngành ngân hàng, bất động sản. Top 5 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số là VCB, SAB, NVL, FPT và VHM.

Trong đó, riêng VCB đã góp 2 điểm tăng trong tổng mức tăng hơn 4,9 điểm của chỉ số chung. Cổ phiếu Vietcombank hồi phục sau 4 phiên liên tục không tăng. Với mức giá 92.900 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của Vietcombank tăng lên hơn 442.000 tỷ đồng. Cổ phiếu Novaland cũng tăng mạnh 6,17%.

Sau khi công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận xác lập mức đỉnh khả quan, FPT thông báo chốt ngày tạm ứng cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Số chi trả cổ tức lên tới 1.100 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 25/8/2023. Tiền cổ tức sẽ về tài khoản cổ đông vào ngày 12/9.  

Sắc xanh cũng áp đảo ở nhóm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Tuy nhiên, tính chung, số lượng mã chứng khoán tăng ít hơn số mã giảm. Trên cả ba sàn có 355 mã tăng, 31 mã tăng trần; trong khi chỉ có 388 mã giảm và 12 mã giảm sàn.

Dù sắc xanh không áp đảo hoàn toàn, chứng khoán Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng của thị trường châu Á phiên 26/7. Sự thận trọng chi phối tâm lý nhà đầu tư nhiều sàn chứng khoán trước cuộc họp Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ diễn ra vào rạng sáng 27/7, theo giờ Việt Nam.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến ​​sẽ tăng phạm vi mục tiêu cho lãi suất cho vay thêm 25 điểm cơ bản lên 5,25% -5,5%, đưa mức lãi suất điều hành lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2001. Giới đầu tư cũng sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ manh mối nào về các kế hoạch tương lai của Fed, đặc biệt là việc liệu Fed đã hoàn tất nhịp tăng lãi suất hay vẫn có ý định tăng thêm.

Khối ngoại bán ròng vì cổ phiếu VNZ

Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 26/7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9,56 triệu đơn vị, tăng 55,19% so với phiên giao dịch hôm qua ngày 25/7. Tuy nhiên, xét về giá trị, khối ngoại bán ròng 919,41 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu bởi giao dịch cổ phiếu VNZ của hãng công nghệ VNG trên sàn UPCoM. Đã có 1,74 triệu cổ phiếu VNZ được giao dịch với mức giá bình quân 627.000 đồng từ nhà đầu tư ngoại sang khối nội. Giá trị giao dịch lên tới 1.091 tỷ đồng. Nếu không kể giao dịch trên, khối ngoại vẫn có thể nối tiếp phiên mua ròng gần 36 tỷ đồng hôm qua. Giá tị mua ròng vẫn khá khiêm tốn.

Tính riêng trên sàn HoSE, khối ngoại mua vào 1.882 tỷ đồng, trong khi bán ra 1.474 tỷ đồng, tương đương mau ròng 400 tỷ đồng. Chiều mua vào cùa các nhà đầu tư  nước ngoài tích cực hơn hôm qua đáng kể.

Các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là HPG (160 tỷ đồng), VHM (129 tỷ đồng), KDH (80 tỷ đồng)… Ở chiều ngược lại, ngoại VNZ, một số cổ phiếu khác cũng bị các nhà đầu tư ngoại bán mạnh như KDC, VIC.

Thị trường giao dịch khá sôi động. Giá trị giao dịch giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao với thanh khoản 3 sàn đạt 21.068 tỷ đồng. Dòng tiền tiếp tục tập trung nhiều nhất ở cổ phiếu NVL với giá trị giao dịch hơn 1.200 tỷ đồng. Cổ phiếu NVL đóng cửa phiên 26/7 ở mức 17.200 đồng/cổ phiếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư