Thứ Sáu, Ngày 30 tháng 05 năm 2025,
VN-Index vượt mốc 1.340 điểm, loạt cổ phiếu nhà Vingroup đóng góp lớn
Tùng Linh - 28/05/2025 17:04
 
Áp lực bán khiến nhiều cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Dù vậy, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhờ lực đỡ của một số cổ phiếu lớn đặc biệt là các cổ phiếu nhà Vingroup.

Sau phiên tăng đáng chú ý về cả điểm số và thanh khoản hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giao dịch giằng co trong phiên giao dịch ngày 28/5 nhưng vẫn duy trì được xu hướng tăng điểm. Sức ép chốt lời sau chuỗi tăng mạnh những ngày trước đã khiến chỉ số có thời điểm lùi về gần mốc tham chiếu. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn luân chuyển tốt sang các dòng cổ phiếu khác, qua đó giúp các chỉ số giữ được sắc xanh.

Tương tự, ở phiên chiều, áp lực bán có phần gia tăng khiến các chỉ số biến động giằng co. Nhờ lực đỡ của một số cổ phiếu trụ cột nên các chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh dù mức tăng là không lớn.  Nhìn chung sự phân hóa giữa các nhóm ngành và đà tăng không quá mạnh cũng cho thấy tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đã tạo áp lực nhất định lên thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,06 điểm (0,15%) lên 1.342,87 điểm. HNX-Index tăng 1,77 điểm (0,8%) lên 223,56 điểm. UPCoM-Index lên 0,45 điểm (0,46%) lên 98,59 điểm. Thị trường phân hóa mạnh khi có 388 mã tăng nhưng cũng có 360 mã giảm. Toàn thị trường ghi nhận 29 mã tăng trần và 12 mã giảm sàn.

Cổ phiếu nhà Vingroup đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index

Sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong nhóm VN30 có đến 15 mã giảm trong khi chỉ có 10 mã tăng. Các mã như MBB, FPT, STB, VPB hay LPB đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực khá lớn lên thị trường chung. MBB giảm 0,61% và lấy đi 0,21 điểm của VN-Index. FPT giảm 0,5% và cũng lấy đi của chỉ số này 0,21 điểm.

Bên cạnh đó, các mã như GEE hay HVN cũng có một phiên giao dịch khá tiêu cực, trở thành hai cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. GEE giảm đến 5,45% và lấy đi 0,51 điểm của VN-Index, có thời điểm GEE bị kéo xuống mức giá sàn. Trong khi đó, cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVN) cũng giảm 1,5% trong phiên hôm nay.

Một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ phiên hôm nay chịu áp lực điều chỉnh mạnh vào cuối phiên. Điển hình như HAH có thời điểm tăng gần lên mức giá trần nhưng đóng của phiên giảm mạnh 4,6%. Các mã cảng biển – vận tải biển khác như VSC, VIP, PHP… cũng chìm trong sắc đỏ.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu “họ Vin” quay trở lại làm trụ đỡ tốt cho thị trường chung. VRE phiên hôm nay tăng đến 5,53%. Bên cạnh đó, VIC tăng 2,65% và VHM tăng 1,88%. VIC đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 2,21 điểm. VHM và VRE đóng góp lần lượt 1,33 điểm và 0,74 điểm. VPL cũng đóng góp 0,33 điểm khi tăng 0,92%. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có một phiên tích cực. Trong đó, PVS tăng đến 6,62%, PVB tăng 4,74%, PVC tăng 4,3%, BSR tăng 2,8%...

Khối ngoại bán ròng 4 phiên liên tiếp

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE phiên hôm nay đạt trên 964 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 22.420 tỷ đồng, giảm 10,4% so với phiên trước. Tuy nhiên, riêng giao dịch khớp lệnh tăng 11,5%, đạt xấp xỉ 20.880 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.631 tỷ đồng (giảm 20,4%) và 943 tỷ đồng (giảm 54%).

Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị giảm so với phiên trước và còn khoảng 198 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, VCI bị bán ròng 101 tỷ đồng. VNM và VCB bị bán ròng lần lượt 82 tỷ đồng và 62 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với 112 tỷ đồng, DXG, NLG và MWG đều được mua ròng trên 700 tỷ đồng.

Tín hiệu đổi chủ tại Chứng khoán APG
Trong khi Chủ tịch HĐQT công ty dần bán bớt cổ phiếu thì một quỹ đầu tư ngoại mới xuất hiện đang liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư