Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
VNPT, MobiFone rục rịch ‘xa khơi’
Hữu Tuấn - 24/01/2015 08:34
 
Cùng với Viettel, cả VNPT lẫn MobiFone cũng đều có kế hoạch vươn ra các thị trường nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
MobiFone có 28 công ty phụ thuộc, công ty con và công ty liên kết
Hoàn thiện đề án thành lập 3 Tổng Công ty của VNPT trong quý I/2015
VNPT “chạy” mô hình mới
Cổ phần hóa MobiFone năm 2015: Nhà đầu tư được mua bao nhiêu?

Viettel vẫn chưa dừng bước

Trong các đại gia viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, Viettel là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006. Đến nay, Viettel đã và đang xúc tiến đầu tư sang 9 thị trường có tổng cộng 175 triệu dân, trong đó 6 thị trường đã đi vào kinh doanh là Campuchia, Lào, Mozambique, Haiti, Đông Timor và Peru, mang lại 1,2 tỷ USD doanh thu cho Viettel trong năm 2014. Tại các thị trường khác là Cameroon, Burundi, Tanzania, Viettel đã có giấy phép và đang triển khai đầu tư.

 MobiFone dự kiến sẽ đầu tư ra nước ngoài và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân

Không dừng lại ở đó, Viettel cũng đang xúc tiến mua giấy phép, đấu thầu… để đầu tư vào một số nước châu Phi và Đông Âu.

Gần đây nhất, Viettel Global đã ban hành Nghị quyết với chủ trương thực hiện dự án đầu tư vào Myanmar trong lĩnh vực viễn thông và một số lĩnh vực khác thuộc phạm vi ngành nghề kinh doanh của Viettel Global. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này tại Myanmar là 1,8 tỷ USD, trong đó tổng vốn đầu tư của Viettel Global vào khoảng 800 triệu USD, phần còn lại khoảng 1 tỷ USD sẽ do phía đối tác nước ngoài và Viettel Myanmar tự thu xếp.

Đầu tư ra nước ngoài đang là 1 trong 3 hướng đi chính của Vietttel. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ nhận được từ 20 đến 25 giấy phép đầu tư mạng viễn thông ở nước ngoài, với tổng số dân từ 500 đến 600 triệu dân và lọt vào Top 10 tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới.

Việc Viettel sớm nhanh chân ra biển lớn và ít nhiều gặp hái thành công bước đầu đã buộc các đối thủ của Viettel tại Việt Nam, như VNPT, MobiFone phải chuyển mình, tìm kiếm cơ hội bên ngoài, khi thị trường Việt Nam đã trở nên quá chật cho cả 3 nhà mạng.

VNPT cũng giong buồm ra biển lớn

Mới đây, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở một số thị trường nước ngoài như Myanmar, Campuchia, Lào, Cuba…  để phát triển các dịch vụ viễn thông - CNTT. Hiện VNPT đang xây dựng đề án thành lập CTCP Kinh doanh và đầu tư quốc tế tại Hồng Kông. Nhiều khả năng từ nay đến giữa năm 2015, VNPT “sẽ có tin vui về đầu tư quốc tế”.

Thực ra, không phải bây giờ VNPT mới tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài, mà từ năm 2008, VNPT đã thành lập VNPT Global chuyên tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài và đã có các văn phòng đại diện tại Mỹ, Singapore, Hồng Kông và Cộng hòa Séc.

Tuy nhiên, với việc tách MobiFone khỏi VNPT vào tháng 6/2014, VNPT đã không còn bộ phận kinh doanh quốc tế (do đã chuyển về MobiFone), nên Công ty Viễn thông quốc tế (VNPT-I) trở thành đơn vị thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài của VNPT. Năm 2014, VNPT-I đã thành lập văn phòng đại diện tại Campuchia (tháng 7/2014), Myanmar (tháng 10/2014) và Lào (tháng 12/2014). Việc đưa các văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar và Lào vào hoạt động đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc vươn ra thị trường khu vực và quốc tế của VNPT, tạo cơ sở để Tập đoàn chuẩn bị các bước tiếp theo cho việc đầu tư kinh doanh tại các nước trên.

Các dịch vụ điện thoại quốc tế, thuê mua dung lượng Internet quốc tế, kinh doanh, bán hàng dịch vụ phi thoại tại Campuchia, Lào, Myanmar… đã mang lại doanh thu khá cho VNPT-I trong năm 2014 (ước đạt 3.130 tỷ đồng).

Mới đây, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2015, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã nhấn mạnh rằng, từng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới để phát triển sản xuất - kinh doanh, thì trong thời kỳ hội nhập hiện nay, VNPT phải khẳng định vị thế của mình trong làng viễn thông - CNTT của Việt Nam và mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

“VNPT phải có bước đi phù hợp với khả năng và thế mạnh của mình để đầu tư ra thị trường nước ngoài, phải giành vị thế không những ở thị trường trong nước, mà cả ở thị trường thế giới”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo.

MobiFone bắt đầu lên thuyền

Việc MobiFone có chiến lược đầu tư ra nước ngoài đã có từ cách đây nhiền năm. Cùng thời điểm Viettel “dòm ngó” thị trường Myanmar, MobiFone cũng đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thị trường này.

Tháng 12/2012, MobiFone đã mở văn phòng đại diện tại Yangon (Myanmar). Trước đó, vào tháng 8/2012, một phái đoàn của MobiFone do ông Lê Ngọc Minh, lúc đó là Phó tổng giám đốc VNPT, kiêm Chủ tịch MobiFone dẫn đầu đã có chuyến thăm Myanmar để gặp gỡ các đối tác nước này trong lĩnh vực viễn thông. Chuyến đi đánh dấu bước đi đầu tiên của MobiFone trong kế hoạch mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.

Đại diện MobiFone cho biết, việc đầu tư ra nước ngoài tại thời điểm năm 2012 là rất khó khăn, song nếu muốn trở thành doanh nghiệp lớn mạnh, thì MobiFone không thể chỉ khai thác ở thị trường trong nước, mà phải đi tìm kiếm thị trường mới. MobiFone chắc chắn sẽ trưởng thành hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn nếu đi ra nước ngoài. MobiFone có tham vọng vươn ra thị trường quốc tế để trở thành 1 trong 10 mạng di động hàng đầu châu Á. MobiFone dự kiến đầu tư ra nước ngoài và phục vụ cho thị trường khoảng 200 triệu dân.

Tháng 5/2014, CTCP Đầu tư quốc tế VNPT chính thức mang tên gọi mới là CTCP Công nghệ MobiFone Toàn cầu (MobiFone Global). Hiện tại, đây là công ty con chủ lực của công ty mẹ MobiFone trong việc vươn ra quốc tế với các công ty con ở nước ngoài và các văn phòng đại diện tại Campuchia và Myanmar.

Với những động thái mới trên, rất có thể trong một ngày không xa, mọi người sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh mới đầy hấp dẫn và thú vị của các nhà mạng Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường thế giới.

5.000 lao động dôi dư của VNPT đi về đâu

() Trong quá trình tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), khoảng 5.000 lao động dôi dư, tự nguyện nghỉ việc sẽ được hỗ trợ chi phí.

Đại gia viễn thông kiếm trăm nghìn tỷ doanh thu di động

() Tổng doanh thu của 3 đại gia viễn thông là Viettel, MobiFone và VNPT đạt hơn 334.310 tỷ đồng, trong đó, mảng di động chiếm phần rất lớn.

Viettel ‘quăng chài’ khắp thế giới

() Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đang đẩy mạnh đầu tư sang nhiều nước ở châu Phi, Đông Âu, Mỹ La tinh, cho dù ở thời điểm hiện tại, hoạt động đầu tư ra nước ngoài  đang gặp không ít thách thức.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư