Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
Vợ phải nộp thuế TNCN khi… chồng chết
Mạnh Bôn - 13/08/2013 20:11
 
Thu thuế thu nhập cá nhân từ thừa kế không những không hiệu quả, mà còn gây phản cảm với người dân. >>>

Tổng cục Thuế vừa có công văn hướng dẫn việc xác định thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ thừa kế. Cụ thể, nếu số vốn cổ phần đứng tên chồng có căn cứ xác nhận là tài sản chung của hai vợ chồng, thì khi người chồng mất đi, việc xác định phần vốn đứng tên người chồng thuộc sở hữu của người vợ thực hiện theo thỏa thuận giữa hai vợ chồng, theo di chúc hoặc theo quyết định của Tòa án.

Thừa kế xe máy từ 10 triệu đồng trở lên phải nộp thuế TNCN 10%

Nếu phần vốn đứng tên chồng thuộc sở hữu của người vợ theo quy định của pháp luật, thì khi chuyển sang tên người vợ không phải là khoản thu nhập từ thừa kế nên không chịu thuế TNCN.

Phần vốn đứng tên chồng thuộc sở hữu của người chồng khi chuyển sang tên cho vợ hoặc cho các hàng thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật là khoản thu nhập từ thừa kế chịu thuế TNCN.

Cũng theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, trường hợp số vốn cổ phần đứng tên chồng có căn cứ xác định là tài sản riêng của người chồng thì khi người chồng chết đi, phần vốn cổ phần chuyển sang tên vợ là tài sản người vợ nhận được từ thừa kế của chồng. Người vợ phải nộp thuế TNCN đối với thu nhập từ thừa kế theo quy định của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn.

Như vậy, theo hướng dẫn này, trong trường hợp người chồng hoặc vợ bị chết, thì vợ hoặc chồng và tất cả các hàng thừa kế khác (con cái, bố mẹ, ông bà…) không chỉ phải đóng thuế TNCN đối với cổ phần, mà còn phải đóng thuế TNCN với thuế suất 10% đối với tất cả các loại tài sản khác có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên (trừ bất động sản) do người chết để lại.

Bởi theo quy định tại Thông tư 84/2008/TT-BTC, các khoản chịu thuế TNCN từ thừa kế (khoản thu nhập mà cá nhân nhận được theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật về tài sản thừa kế) bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; vốn góp trong công ty TNHH, công ty cổ phần, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh; vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân, vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.

Ngoài ra, người nhận thừa kế các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý nhà nước như ô tô, xe gắn máy, tàu, thuyền, máy bay... cũng phải nộp thuế TNCN.

Như vậy, nếu cơ quan thuế các địa phương thực hiện đúng theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế thì vợ hoặc chồng sẽ phải nộp thuế TNCN đối với một nửa số tài sản chung mà chồng hoặc vợ được thừa kế (Điều 219, Bộ luật Dân sự quy định, vợ - chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung) là cổ phần, cổ phiếu, ô tô, xe máy, cơ sở kinh doanh, vốn góp tại các tổ chức kinh tế…

Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu ngân sách nhà nước từ thuế TNCN đối với hoạt động thừa kế năm 2009 đạt vỏn vẹn 15 tỷ đồng, từ năm 2010 đến nay, số thu ngân sách từ khoản này chỉ dao động xung quanh 30 tỷ đồng/năm - số thu quá nhỏ so với tổng số thu từ thuế TNCN đem về cho ngân sách nhà nước (bình quân 30.000 - 40.000 tỷ đồng/năm). Vì vậy có thể nói, việc thu thuế TNCN từ thừa kế không hiệu quả, khó thực hiện, thậm chí gây phản cảm với người dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư