Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Vốn đắt lên, ngân hàng dịch chuyển danh mục cho vay
Hà Tâm - 29/09/2022 08:22
 
Mở rộng cho vay bán lẻ, chuyển sang cho vay với kỳ hạn dài… là cách các ngân hàng bảo toàn biên lãi ròng (NIM) trong bối cảnh lãi suất huy động tăng như hiện nay.

Đẩy mạnh cho vay dài hạn và tăng cường bán lẻ bù đắp NIM

Hàng loạt ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ như KienLongBank, Vietcapital Bank, BacABank, SCB… đã đồng loạt nâng lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần (5%/năm) hoặc gần kịch trần, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành. Mặt bằng vốn đầu vào tăng trong khi lãi suất đầu ra được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ổn định khiến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có nguy cơ sút giảm, ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận cả năm. 

Nửa đầu năm nay, nghịch lý là NIM nhiều ngân hàng có xu hướng tăng cao, thậm chí cao hơn cả trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra. Ví dụ, NIM của Techcombank năm 2019 chỉ khoảng 4,5%, thì 6 tháng đầu năm 2022 lên tới hơn 5,8%; NIM của MBB tăng từ mức gần 5% năm 2019 lên 5,42% 6 tháng đầu năm 2022; NIM của MSB từ mức dưới 3% năm 2019 lên mức 4,38% trong 6 tháng đầu năm nay… 

Giá vốn rẻ kỷ lục trong 2 năm đại dịch trong khi lãi suất cho vay không giảm tương ứng khiến các ngân hàng hưởng lợi. Tỷ lệ chi phí huy động vốn (COF) của hàng loạt ngân hàng giảm đáng kể. Tuy vậy, thời kỳ tiền rẻ đã kết thúc khi lãi suất huy động và trần lãi suất bắt đầu tăng mạnh.

Để đối phó với nguy cơ sụt giảm biên lãi ròng, các ngân hàng đang dịch chuyển mạnh danh mục cho vay. Thực tế, xu hướng này bắt đầu diễn ra trong quý II/2022 khi các ngân hàng lường trước room tín dụng năm nay sẽ không được nới và chi phí vốn không còn rẻ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, do room tín dụng còn lại những tháng cuối năm rất ít ỏi, nhiều ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh cho vay mua nhà với lãi suất cao, đặc biệt là cho vay với các dự án sân sau. Việc này vừa hỗ trợ các dự án bất động sản “sân sau”, vừa giúp ngân hàng duy trì được NIM lợi nhuận.

Thực tế, trong quý II/2022, một số ngân hàng có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ cho vay bất động sản cao đã chứng kiến sự sụt giảm NIM do thị trường bất lợi, điển hình như Techcombank, Sacombank…

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích Khối dịch vụ Thông tin tài chính FiinGroup cho rằng, dù tín dụng nửa cuối năm không tăng đáng kể, song NIM các ngân hàng vẫn cải thiện chủ yếu nhờ dịch chuyển tín dụng sang kỳ hạn dài với mức lãi suất cao hơn. Tỷ lệ cho vay dài hạn của ngân hàng đã tăng 68% trong quý II/2022 so với quý I/2022, trong khi tỷ lệ cho vay ngắn hạn và trung hạn giảm lần lượt 36,3% và 31,8% so với quý trước.

Theo các chuyên gia phân tích VNDirect, để đối phó với áp lực gia tăng chi phí vốn đầu vào, nửa cuối năm nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ để tối ưu NIM. “Trước bối cảnh tín dụng hạn chế và NIM có khả năng bị thu hẹp khi chi phí vốn của các ngân hàng không còn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới (do hệ quả của việc lãi suất tiền gửi tăng), chúng tôi tin rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực cho vay phù hợp để tối ưu lợi suất tài sản”, VNDirect nhận định.

Hiện các ngân hàng có tỷ lệ bán lẻ trên tổng dư nợ cao là VIB, ACB, Sacombank, VPBank, TPBank, HDBank, MBB, Vietcombank…

Lợi nhuận phân hóa

Nhìn vào các yếu tố sinh lời của hệ thống ngân hàng nửa đầu năm nay, có thể thấy, đóng góp chính của tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng đến từ 3 yếu tố: tín dụng phục hồi mạnh, chi phí vốn được kiểm soát và NIM tăng trưởng ổn định. Tuy vậy, những tháng cuối năm, room tín dụng còn lại rất ít, chi phí vốn chắc chắn sẽ tăng và NIM nhiều khả năng bị thu hẹp. 

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã cạn dư địa tăng trưởng tín dụng, không chỉ bởi room tín dụng hạn hẹp, mà còn do tỷ lệ cho vay/huy động đã chạm trần (LDR gần chạm 85%). TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho hay, vừa qua, một số ngân hàng dù cạn room tín dụng nhưng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn, do phải bù đắp thanh khoản (vì đã cho vay quá mức, vì LDR vượt trần hoặc tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn).

Do đó, theo các chuyên gia, dư địa tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm sẽ thuộc về các ngân hàng có tỷ lệ LDR thấp, tỷ lệ cho vay ngắn hạn lớn, đồng nghĩa khả năng dịch chuyển sang cho vay dài hạn cao, có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn…

Trong 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng có tỷ lệ LDR thấp là Viecombank, MBB, HDBank, VIB…  Các ngân hàng có tỷ lệ cho vay ngắn hạn cao (đồng nghĩa có lợi thế chuyển đổi sang cho vay dài hạn để tận dụng lãi suất cho vay cao hơn) là BIDV, VPBank…

Xét về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao hiện nay là Techcombank, MBB, MSB, Vietcombank, ACB, Sacombank…, song nhiều ngân hàng cũng đang chứng kiến sự sụt giảm CASA nửa đầu năm nay, điển hình là Techcombank, MBB, VPBank, TPBank, VIB…

Với các nỗ lực dịch chuyển danh mục cho vay và đa dạng hóa doanh thu, nửa cuối năm nay, có thể một số ngân hàng vẫn duy trì được NIM. Tuy nhiên, nhiều khả năng, nhiều ngân hàng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Theo thống kê của FiinGroup, năm 2022, có tới 26/27 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 33%. Tuy vậy, khả năng nhiều ngân hàng sẽ khó đạt mục tiêu này. Thực tế, nửa đầu năm nay, dù tín dụng tăng trên 10%, nhưng tỷ lệ hoàn thành kế lợi nhuận cả năm của bình quân toàn ngành mới đạt 51,5%.

Với room tín dụng gần 4% còn lại nửa cuối năm, việc hoàn thành gần 49% kế hoạch lợi nhuận còn lại với nhiều ngân hàng là không dễ. Với các ngân hàng nhỏ, áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm lại càng khó khi không được Ngân hàng Nhà nước nới room đợt vừa qua, trong khi chi phí vốn ngày càng đắt đỏ.

Big 4 chính thức tham gia làn sóng tăng lãi suất huy động
Sáng nay (27/9), các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chính thức công bố biểu lãi suất huy động mới với mức tăng khoảng 1% so với trước khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư