Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Vốn đầu tư cho nông thôn mới không thể chỉ đổ vào hạ tầng
Khánh An - 27/07/2021 13:56
 
Bộ trưởng Hoan muốn làm rõ, mục tiêu của Chương trình không chỉ là xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Hiện một số địa phương đang tập trung nguồn lực nhiều hơn vào các dự án này.
.

Sagsn 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Địa phương muốn tăng nguồn hỗ trợ từ Trung ương

Thảo luận về đề xuất của Chính phủ về Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong phiên làm việc sáng 27/7, phần lớn các đại biểu tán thành phương án bố trí ngân sách trung ương là 39.632 tỷ đồng cho Chương trình.

Đây cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm trong các phiên thảo luận tổ trước đó.

Lý do là dịch bệnh Covid-19 diễn ra vô cùng phức tạp, phải hướng tới rất nhiều mục tiêu khác như an sinh xã hội.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cân đối thêm ngân sách Trung ương ưu tiên cho chương trình nông thôn mới để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình. Vì việc huy động các nguồn lực xã hội, nguồn lực của doanh nghiệp, nguồn lực của cộng đồng cho xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới chắc chắn sẽ hạn chế và khó hơn rất nhiều so với trước đây.

Đây cũng là lý do có đại biểu đề nghị nâng mức hỗ trợ của trung ương trong giai đoạn này đối với vùng khó khăn và đặc biệt trên cơ sở không hỗ trợ cho những địa phương tự cân đối ngân sách...

Về vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị phương án hỗ trợ tối đa 70% cho địa phương thuộc khu vực miền núi, Tây Nguyên khó khăn; 50% với địa phương ngân sách trung ương còn phải hỗ trợ trên 60%; 30% với các địa phương đảm bảo ngân sách từ 60% trở lên.

Ngoài ra, ngân sách trung ương cũng được đề nghị ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các xã đạt dưới 15 tiêu chí và số vốn còn thiếu để các xã đạt trên 15 tiêu chí hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; bố trí vốn thanh toán các nội dung nợ tiêu chí; hoàn thành dứt điểm các nội dung dở dang của giai đoạn 2016-2020; thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp, các mục tiêu về nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Số vốn còn lại thực hiện các nội dung mới trong đó ưu tiên bố trí hoàn thành các tiêu chí về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, xử lý môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn.

Chính phủ đề nghị quan tâm đến các giá trị cho người dân

“Các địa phương đừng chỉ nhìn vào số tiền được phần bổ”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ với các đại biểu Quốc hội trong phần giải trình về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo tờ trình của Chính phủ, căn cứ tổng kế hoạch vốn ngân sáchtrung ương giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, để hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Nguyên tắc phần bổ là không hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương cho các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương; chỉ hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về ngân sách để thực hiện Chương trình. Trong đó, ưu tiên cho các địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng Tây Nguyên và các địa phương NSTW còn phải hỗ trợ trên 60%... 

Nhưng Bộ trưởng Hoan muốn làm rõ là mục tiêu của Chương trình không chỉ là xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Hiện tại, một số địa phương đang tập trung nguồn lực nhiều hơn vào các dự án này.

“Chúng ta không thể tăng thu nhập của nông dân lên 1,5 lần nếu 5 năm trước trồng 1 ha lúa, 5 năm sau vẫn trồng 1 ha. Cũng không thể cải thiện sinh kế cho nông dân nếu không kết nối sản phẩm của nông dân với thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải trình trước Quốc hội. Ông đề nghị các địa phương quan tâm đến giá trị mà Chương trình mang lại cho người dân.

Nhưng đề làm được việc này, việc thực thi ở cấp cơ sở vô cùng quan trọng. Nếu các cán bộ xã không hiểu giá trị cốt lõi của các chương trình, dự án, thì không thể có sáng kiến hỗ trợ người dân thụ hưởng tối đa hiệu quả từ Chương trình này.  

“Cán bộ trung ương, cán bộ tỉnh, huyện đến rồi về, nhưng cán bộ xã thì sáng ra đồng cùng nông dân, tối về cùng nói chuyện với nông dân. Cần dành nguồn lực để tập huấn đội ngũ cán bộ này về các giá trị sẽ đem lại cho người nông dân. Ví dụ, thêm nhiều người dân biết lên mạng bán hàng như trong mùa dịch Covid-19, sẽ tạo nên sự thay đổi lớn ở nông thôn. Chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng, cần nền móng chắc. Xây dựng nông thôn mới thì cũng cần chủ thể của Chương trình là nông dân có tri thức, có kiến thức, công nghệ. Chỉ khi đó, Chương trình mới có hiệu quả và đảm bảo tính bền vững”, ông Hoan nói.

Đăc biệt, ông Hoan cho biết thêm, Chính phủ sẽ thực hiện Chương trình này trên cơ sở gắn kết với cơ cấu lại nông nghiệp, cơ cấu ngành hàng sau thu hoạch...

Các mục tiêu và nhiệm vụ được bố trí vốn ngân sách trung ương để thực hiện:
- Dự kiến khoảng 29.230 tỷ đồng hỗ trợ cấp xã. Cụ thể hỗ trợ 20% số xã để phấn đấu đạt mục tiêu lũy kế có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ bổ sung một phần vốn cho các xã ATK để đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ cho khoảng 2.500 xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp nâng cao chất lượng các tiêu chí đi vào chiều sâu và bền vững.
- Khoảng 6.100 tỷ đồnghỗ trợ một phần vốn cho khoảng 150 huyện khó khăn để phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
- Khoảng 4.300 tỷ đồng để triển khai 6 chương trình, đề án chuyên đề trên tất cả các xã; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực, truyền thông về xây dựng nông thôn mới và một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương.

(Tờ trình Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trình Quốc hội XV) 

Du lịch nông nghiệp, nông thôn: Hướng tới những giá trị riêng biệt
Du lịch cộng đồng gắn với nông thôn và nông nghiệp là xu thế tất yếu của thế giới, nên Việt Nam cần đầu tư xứng đáng hơn cho loại hình này,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư