Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vốn điều lệ ngân hàng tăng cao
T.V - 08/06/2022 08:39
 
Nhiều ngân hàng được chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ sau kỳ đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 và đang trong quá trình triển khai để hoàn tất kế hoạch tăng vốn.

Chấp thuận cho nhiều ngân hàng tăng vốn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ACB... tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức và phát hành cổ phiếu mới tăng vốn. 

Cụ thể, NHNN đã có văn bản chấp thuận Ngân hàng Bản Việt tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.618 tỷ đồng dưới ba hình thức như sau.

Ngân hàng Bản Việt phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (tối đa 550,6 tỷ đồng); phát hành cho cổ đông hiện hữu (tối đa 917,7 tỷ đồng); phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (tối đa 150 tỷ đồng) đã được Đại hội đồng cổ đông Bản Việt thông qua vào ngày 08/04/2022.

Như vậy sau khi hoàn tất việc phát hành này, tổng số vốn điều lệ của Ngân hàng Bản Việt sẽ là 5.289 tỷ đồng.

Nguồn vốn tăng thêm được Ngân hàng Bản Việt phục vụ cho các hoạt động phát triển trung và dài hạn như đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới.

Mới đây, NHNN đã chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng.

Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua.

Theo phương án phát hành ESOP ngày 12/01/2022, Ngân hàng phát hành 5 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp. Cổ phần mới phát hành sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm sẽ được chuyển nhượng 25%.

Như vậy, sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng lên 13.758 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 được tổ chức hồi cuối tháng 4, OCB cũng thông qua việc phát hành 413 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ là 30%.

Nguồn vốn thực hiện chia thưởng được trích từ các nguồn thuộc vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2021. Thời gian thực hiện đợt phát hành này trong năm 2022.

Như vậy, sau khi hoàn tất các đợt phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của OCB sẽ đạt 17.885 tỷ đồng.

Sau khi được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn, ngày 3/6 vừa qua, ACB đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, ACB dự kiến phát hành gần 675,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 25 cổ phiếu mới.

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng thêm 6.755 tỷ đồng, từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng.

Số cổ phiếu lẻ thập phân phát sinh (nếu có) sẽ được phân phối cho công đoàn ACB, làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên ACB.

Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia với số dư vào cuối năm 2021 đạt hơn 10.295 tỷ đồng.

Nhiều nhà băng triển khai kế hoạch tăng vốn khủng 

Năm 2022, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng không chia cổ tức bằng tiền mặt, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất và hỗ trợ khách hàng.

Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, và không chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay để hạ thêm lãi suất cho vay.

Các ngân hàng cũng “chuộng” phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp tăng vốn, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, tăng tín dụng. SHB, ACB, MSB, VIB cũng tăng vốn từ 25 – 35% thông qua việc cổ tức và cổ phiếu thưởng.

MSB chia cổ tức 2021 tỷ lệ 30% để tăng vốn lên trên 20.000 tỷ đồng trong 2022. VIB thông qua trả cổ tức, thưởng cổ phiếu tỷ lệ 35%, phát hành 0,7% vốn cho cán bộ công nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Qua đó, VIB nâng vốn điều lệ lên 21.000 tỷ đồng.

NHNN cũng đã chấp thuận cho SeABank sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng trong năm nay để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động: Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, Phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho CBNV của SeABank năm 2022 (ESOP 2022) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ...

Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, MB tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2021.

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Viettel và 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Đồng thời phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 (tương đương với tỷ lệ 20% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành tại thời điểm 31/12/2021). Qua đó tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng có kế hoạch chào bán thêm 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới. Giá thỏa thuận không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Hội đồng quản trị MB cho biết, thời gian thực hiện chào bán trong năm 2022 và 2023. 

Ở khối NHTM có vốn nhà nước, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng đều lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2022, trong đó: BIDV có kế  hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%.

Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. Còn tại VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng.

Tăng năng lực tài chính, đảm bảo hệ số CAR

Lý giải việc tăng vốn khủng trong năm 2022, các ngân hàng cho rằng, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.

Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, tính đến tháng 9/2021, CAR của nhóm NHTM cổ phần ở mức 11,38%; còn CAR của nhóm NHTM có vốn nhà nước ở 9,17%...

Dù cao hơn so với quy định tại Thông tư 41/2016/TT – NHNN (theo quy định là 8%) nhưng để đáp ứng các nhu cầu phát triển an toàn, lành mạnh trước những biến động của thị trường thì việc tăng vốn để tăng hệ số CAR là điều cần thiết đối với các ngân hàng.

Với hệ số CAR như hiện nay, một nghiên cứu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây cho rằng, quy mô vốn của các ngân hàng Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 10,7 tỷ USD trong 2 - 3 năm tới để đạt các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.

Theo nhận định của ông Tamma Febrian, Giám đốc hợp danh, các định chế tài chính, ngân hàng của Fitch Ratings, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam rất nhanh những năm gần đây đòi hỏi quy mô vốn của các ngân hàng cũng phải mở rộng, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn.

Quan điểm của Fitch Ratings là Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để nâng vốn, cải thiện chỉ số CAR. 

Trong khi đó, đại diện Vietcombank cho biết, việc tăng vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.

Còn với Vietbank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, toàn bộ số vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn toàn trong hoạt động sinh lời cho hoạt động kinh doanh.

Tương tự như vậy, với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.600 tỷ đồng trong năm 2022, lãnh đạo VietCapital Bank chia sẻ, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng gia tăng tiềm lực tài chính và phục vụ cho chiến lược phát triển trung và dài hạn của ngân hàng.

Còn với HDBank, số vốn điều lệ tăng thêm được dự kiến sử dụng để cho vay trung dài hạn (khoảng 4.000 tỷ đồng), phần còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho ngân hàng.

Tại OCB cũng dự tính số tiền thu được từ việc tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (hơn 3.200 tỷ đồng). Bên cạnh đó còn để đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định,…

Rầm rộ công bố đạt chuẩn Basel II: Ngân hàng tăng vốn ảo diệu?
Không hề có một thương vụ bán cổ phần tăng vốn nào diễn ra từ đầu năm đến nay, song các ngân hàng Việt vẫn tấp nập công bố đạt chuẩn Basel...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư