Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vốn Hàn Quốc chảy vào dệt may
Hải Yến - 12/06/2014 09:18
 
Trong tuần đầu tiên của tháng 6/2014, một dự án sản xuất sợi trị giá 52 triệu USD đã được khởi công xây dựng tại tỉnh Đồng Nai, tiếp tục ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng các dự án 100% vốn Hàn Quốc đổ vào ngành dệt may Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sớm kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Hàn Quốc
Phong Phú liên kết DN Nhật làm đồ dệt may cao cấp
May 10 biến Quảng Bình thành cứ điểm

Đó là Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất sợi của Công ty TNHH Dong - IL thuộc Tập đoàn Dong- IL, được xây dựng tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn.

  Vốn Hàn Quốc chảy vào dệt may  
  Thời gian qua, các dự án 100% vốn Hàn Quốc đổ vào ngành dệt may Việt Nam gia tăng nhanh chóng.  

Đây là dự án đầu tiên của Tập đoàn Dong - IL tại Việt Nam, với công suất 9.000 tấn sản phẩm/năm. Theo kế hoạch, giữa năm 2015, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động, cung ứng sợi cho thị trường nội địa và xuất khẩu cho các thị trường châu Á.

Khẳng định việc đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam nằm trong kế hoạch của Tập đoàn Dong - IL, ông Suh Min Sok, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dong - IL Việt Nam cho biết, từ dự án đầu tiên này, Tập đoàn Dong- IL sẽ kết nối thêm các nhà đầu tư Hàn Quốc khác đầu tư vào Việt Nam.

Không giống Tập đoàn Dong - IL, Tập đoàn thương mại Sea-A đã có thâm niên đầu tư tại Việt Nam 6 năm nay, với nhà máy may tại Nga Mỹ, Nga Sơn, Thanh Hóa do Công ty TNHH Winners Vina thuộc Sea-A đầu tư 12 triệu USD, với công suất 7 triệu sản phẩm/năm, sử dụng 3.000 lao động.

Theo kế hoạch mở rộng quy mô, sắp tới, Winners Vina sẽ xây dựng nhà máy may xuất khẩu thứ hai tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 15 triệu USD, tương đương 340 tỷ đồng, quy mô tuyển dụng lên tới 6.000 lao động. Đại diện Winners Vina cho biết, Công ty phải mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng kịp đơn hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ, chủ yếu là các thương hiệu bán lẻ lớn như Target, Walmart, Kohls, K mart Sears và Tesco…

Trên thực tế, tin tưởng môi trường đầu tư tại Việt Nam và nhận thấy những thuận lợi của ngành dệt may Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc không ngại bơm vốn ngành này. Cơ hội về thị trường xuất khẩu cũng được nhìn thấy rõ khi một loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương như FTA với EU, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Với hơn 500 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2 tỷ USD, không thể phủ nhận rằng, nguồn vốn Hàn Quốc đã làm gia tăng nhanh quy mô của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là với những dự án nguyên liệu như sợi, dệt... Quan trọng hơn, sự hiện diện của các nhà đầu tư Hàn Quốc những năm gần đây đã tác động tích cực tới việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc, đưa thị trường này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Cụ thể, xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc vài năm gần đây có sự bứt phá ngoạn mục. Nếu như năm 2009, giá trị xuất khẩu mới đạt chưa đầy 300 triệu USD, năm 2010 đạt 432 triệu USD, thì năm 2013 là gần 1,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm nay ước đạt 750 triệu USD, tăng 35% về trị giá và 22% về lượng. Với kết quả này, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đã vươn lên nắm giữ 24,22% thị phần tại Hàn Quốc, chỉ sau Trung Quốc (43,23%).

Những doanh nghiệp xuất khẩu điển hình trong tháng 4 và 5/2014 được thống kê bởi Tổng cục Hải quan đều là những tên tuổi lớn đến từ Hàn Quốc như Công ty TNHH Unico Global Vietnam, Công ty TNHH PS Vina, Công ty TNHH Daeseung Vina, Công ty TNHH Sung Woo Vina, Công ty TNHH Shinsung Vina, Công ty TNHH I & Y Vina, Công ty TNHH Wha IL Vina…

Được biết, cuối tháng 5/2014, Phiên đàm phán thứ 5 FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã kết thúc và hai bên đang nỗ lực để kết thúc đàm phán vào tháng 10 năm nay. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo, khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết, vốn đầu tư Hàn Quốc đổ vào ngành dệt may sẽ còn tăng hơn nữa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư