Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vốn hóa sàn HoSE mất hơn 1 triệu tỷ đồng kể từ sau Tết âm lịch
Thanh Thủy - 24/03/2020 07:49
 
VN-Index từ sau Tết âm lịch đã có đến 3 phiên giảm trên 5%. Tình trạng bán tháo liên tục xảy ra đã khiến vốn hóa thị trường của riêng sàn chứng khoán TP HCM “bốc hơi” 1/3 giá trị sau hai tháng.

Hơn triệu tỷ đồng vốn hóa "bốc hơi" sau 2 tháng

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần 23/3, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lao dốc với hàng loạt nhóm cổ phiếu giảm sâu, đặc biệt ở các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 43,14 điểm (-6,08%) xuống 666,59 điểm. Đây là phiên thứ ba chỉ số này giảm trên 5% kể từ sau Tết nguyên đán, đồng thời, kéo VN-Index đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. HNX-Index phiên hôm nay giảm 5,33 điểm (-5,24%) xuống 96,46 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 2,28 điểm (-4,57%) xuống 47,57 điểm.

Chỉ tính riêng trên sàn HoSE, vốn hóa  trong phiên 23/3 tiếp tục mất hơn 150.000 tỷ đồng. So với trước Tết âm lịch, sàn HoSE đã mất hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương 44 tỷ USD, bốc hơi 1/3 vốn hóa thị trường.

Biến động vốn hóa sàn HoSE từ Tết âm lịch đến nay. - Nguồn: HoSE
Biến động vốn hóa sàn HoSE từ Tết âm lịch đến nay. - Nguồn: Tổng  hợp HoSE

Số lượng các cổ phiếu trên HoSE và HNX giảm kịch sàn trong phiên giao dịch 23/3 đạt 264 cổ phiếu, chiếm 35% các mã đang niêm yết . Riêng nhóm VN30 (các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán TP HCM thỏa mãn một số điều kiện được lựa chọn hàng kỳ), 27/30 mã giảm sàn trong đó 25 mã rơi vào tình trạng “trắng bên mua”. VIC là mã có tác động lớn nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này đến 5,5 điểm. Tiếp sau đó, VCB và VHM cũng lấy đi số điểm lần lượt là 4,55 và 4,2.

Chiều ngược lại, NVL và EIB là 2 mã hiếm hoi trong nhóm VN30 còn duy trì được sắc xanh. NVL tăng 2% lên 52.000 đồng/cp còn EIB tăng 0,3%. NVL góp cho VN-Index 0,27 điểm trong phiên hôm nay và là mã có tác động tích cực lớn nhất.

Còn trên sàn HNX, ACB là cổ phiếu đã lấy đi 3,65 điểm, kéo HNX – Index giảm sâu. Chốt phiên, ACB giảm sàn (-9,8%) xuống 19.300 đồng/cp.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, trong đó FLC, SHB, HPG hay STB được chuyển nhượng khối lượng cổ phiếu nhiều nhất. Tổng khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn đạt 362 triệu cổ phiếu, trị giá 5.900 tỷ đồng.

Khối ngoại tiêp tục bán ròng hơn 380 tỷ đồng

Không riêng Việt Nam, phần lớn các sàn chứng khoán châu Á đều chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, với mức giảm hơn 6% của VN-Index, Việt Nam cũng nằm trong top 5 quốc gia có thị trường cổ phiếu giao dịch tệ nhất phiên hôm nay, sau Ấn Độ (-13%), Thái Lan (-10%)…

Lo ngại về những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tác động tiêu cực trong cuộc chiến giá dầu giữa nhóm OPEC và Nga kéo giá dầu giảm sâu cùng áp lực bán tháo để thu về USD khiến thị trường chứng khoán trên thế giới giảm sâu thời gian qua. Tại nhiều thị trường mới nổi, khối ngoại cũng liên tục bán ra.

Tại thị trường cổ phiếu của Việt Nam, giao dịch của khối ngoại cũng đangtác động  tiêu cực  đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Tính trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 30 phiên liên tiếp với giá trị lên đến 8.500 tỷ đồng. Riêng trong phiên hôm nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng 383 tỷ đồng. Tương tự, khối ngoại sàn HNX cũng bán ròng 26 phiên liên tiếp với tổng giá trị 925 tỷ đồng.

Top 5 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất đều thuộc nhóm VN 30
Top 5 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất đều thuộc nhóm VN 30

Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu VN30 bị khối ngoại bán ròng mạnh. MSN bị bán ròng mạnh nhất (99 tỷ đồng). Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng gần 5 triệu cổ phiếu HPG,  giá trị bán ròng 87 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, toàn bộ 4 hợp đồng tương lai đều giảm kịch sàn trong tình trạng “trắng bên mua”.

Thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư cần cẩn trọng và tiết kiệm
Tâm lý nhà đầu tư lúc này chia thành những nhóm chính. Một là nhóm thu hồi tiền mặt và đứng yên đợi dịch bệnh được kiểm soát. Nhóm thứ hai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư