Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
VPBank thu về hơn 6.400 tỷ sau phát hành, “an tâm” vốn trong 3 năm tới
P.V - 26/09/2017 07:32
 
Với số vốn tăng thêm lần này, VPBank tự tin có thể đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mới Basel II trong vòng 3 năm nữa.
VPBank là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay trong khối ngân hàng TMCP tư nhân
VPBank là ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay trong khối ngân hàng TMCP tư nhân

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB-HoSE) cho biết đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 164,71 triệu cổ phiếu với giá 39.000 đồng/cp. Vốn điều lệ của ngân hàng qua đó đã tăng từ 14.059 tỷ đồng lên 15.706 tỷ đồng. Tổng số tiền huy động được từ đợt tăng vốn này là 6.423,8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VPBank từ mức 19.522,8 tỷ đồng hồi cuối quý II/2017 lên gần 26.000 tỷ đồng, chưa tính khoản lợi nhuận thu thêm trong hai tháng qua quý III vừa qua.  

Theo thống kê của NHNN, vốn điều lệ của nhóm các ngân hàng thương mại trong nước trên toàn hệ thống chỉ tăng thêm hơn 3.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm và phần lớn được tăng từ nguồn vốn chủ sở  hữu của chính ngân hàng. Đợt tăng vốn của VPBank là một hiện tượng khá khác biệt khi nguồn vốn huy động được đến từ bên ngoài ngân hàng.

Với số vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần tăng lên này, VPBank ước tính sẽ đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II (Thông tư 41 của NHNN) và các tỷ lệ an toàn đối với các đối tác nước ngoài tài trợ vốn khác như IFC, ADB... trong vòng 3 năm nữa.

Giới hạn về tỷ lệ an toàn vốn đang là hạn chế lớn trong việc mở rộng quy mô dư nợ tín dụng của không ít các ngân hàng hiện nay. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt mức cao sau khoảng thời gian vốn tín dụng được đẩy nhanh ngay từ các tháng đầu năm qua.

Theo yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, mục tiêu tín dụng phấn đấu đạt 21% cao hơn kế hoạch được Quốc hội đề ra đầu năm là 18%. Nhiều ngân hàng cũng đã được NHNN nâng “room” tín dụng. Như tại chính VPBank, cuối tháng 8 vừa qua, NHNN cũng đã chính thức chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên 20% so với mức 16% trước đó.

a
VPBank là ngân hàng đầu tiên hoàn thành tăng vốn điều lệ theo phương thức phát hành riêng lẻ trong năm nay

Theo phương án phát hành mà ngân hàng công bố, bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng (khoảng 5.700 tỷ đồng), số vốn này còn được sử dụng để đầu tư vào các dự án công nghệ, tăng vốn của VPBank AMC và cả các hoạt động M&A trong lĩnh vực bổ trợ.

Cụ thể, VPBank dự kiến đầu tư vào các hạng mục củng cố nền tảng công nghệ thông tin, các dự án tư vấn chiến lược, mở rộng hoạt động kinh doanh mới trong 2017 là khoảng 500 tỷ đồng.

VPBank cho biết sẽ đầu tư vào tài sản cố định cùa Ngân hàng, đầu tư triển khai các dự án công nghệ lớn phù hợp với định hướng chiến lược mới của Ngân hàng trong việc số hóa các quy trình trải nghiệm của khách hàng, cũng như tăng cưởng các nền tảng công nghệ cơ bản. Công nghệ số thực tế đã được nhà băng này đầu tư khá sớm và đi đầu thị trường ở một số mảng như tiên phong số hóa các sản phẩm thấu chi khách hàng trả lương, thấu chi trên tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng hay “bắt tay” với các Fintech như Timo tạo ra các dịch vụ hiện đại, thuận tiện và khá mới mẻ trong ngành ngân hàng.

Mục tiêu của việc đầu tư cho công nghệ số nhằm vào việc đáp ứng được việc mở rộng đối tượng khách hàng cá nhân với số lượng lớn. Thị trường bán lẻ với 95 triệu người Việt Nam vốn là mục tiêu mà VPBank đề ra trong chiến lược 5 năm 2012-2017. Chia sẻ tại buổi Roadshow được tổ chức vào trung tuần tháng 8/2017, Tổng Giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, cho biết sẽ tiếp tục nhắm đến thị trường tiềm năng này.

Cùng với đó, VPBank dự kiến đầu tư 100 tỷ đồng để cấp vốn điều lệ bổ sung cho Công ty con của Ngân hàng là Công ty TNHH Quàn lý tài sản Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC). Như vậy, vốn điều lệ công ty AMC này sẽ tăng gần gấp đôi từ lên 225 tỷ đồng, qua đó có thể hỗ trợ hoạt động mua bán và xử lý nợ của đơn vị này.

VPBank có một triết lý khá đặc biệt khi coi xử lý nợ là một nghề và không tách rời hoạt động của ngân hàng. Đó cũng có thể là lý do chính mà trước đây và bây giờ ngân hàng này đầu tư mạnh cho hệ thống thu nợ lớn với quy mô lớn trên thị trường. Như từng chia sẻ trước đây, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết việc theo dõi, xử lý nợ thông qua các bước thận trọng sẽ giúp ngân hàng có thể phát hiện được yếu tố rủi ro qua đó có hành động kịp thời, thay vì cộng dồn tích lũy rồi trở thành “khối u” không thể xử lý nổi.

Bên cạnh việc “bồi đắp” thêm vào các hoạt động hiện có, VPBank còn lên kế hoạch chi khoảng 100 tỷ dồng  ngay trong năm nay để góp vốn mua cổ phần vào Công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh có thể bổ trợ và thúc đẩy hoạt động cốt lõi. Đối tượng M&A có thể là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Bảo hiểm, Quản lý quỹ...

 Sau giai đoạn 5 năm 2012-2017, VPBank đang đánh giá, phân tích và đề ra sáng kiến để tiếp tục chiến lược trong thời gian tới. Dù chưa tiết lộ cụ thể, nhưng ông Nguyễn Đức Vinh cho biết khoảng 50% thời gian của ban Giám đốc, Giám đốc các khối cơ bản là để chuẩn bị các chiến lược cho ngày mai. “Chiến lược 5 năm tới đây cũng sẽ tham vọng không kém giai đoạn trước đó”, Tổng Giám đốc của ngân hàng này bật mí tại buổi “roadshow” hồi tháng 8 vừa qua.

VPBank lên sàn HOSE, vốn hóa chỉ đứng sau 3 ngân hàng quốc doanh
Ngày 8/8, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM đã công bố quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu đối với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB của VPBank. Nếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư