Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vừa mua, vừa bán trái phiếu: Đòn bẩy tăng thanh khoản cho thị trường
Mạnh Bôn - 13/03/2017 10:44
 
Kể từ ngày 1/9/2017, Kho bạc Nhà nước được quyền vừa mua, vừa bán trái phiếu chính phủ (TPCP). Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) cho rằng, nghiệp vụ này sẽ là đòn bẩy tăng tăng tính thanh khoản thị trường trái phiếu.

Kho bạc Nhà nước là tổ chức phát hành TPCP chủ yếu trên thị trường sơ cấp. Vậy tại sao lại cho phép cơ quan này được mua lại chính sản phẩm mà mình bán ra?

Để tăng tính hiệu quả trong quản lý ngân quỹ nhà nước, Nghị định 24/2016/NĐ-CP cho phép, ngoài việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi tạm ứng cho ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước còn được gửi vào ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn các loại trái phiếu (TPCP, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh) đang niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán theo hình thức giao dịch thỏa thuận điện tử hoặc thỏa thuận thông thường với kỳ hạn tối đa là 3 tháng.

.
 Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán nhà nước) 

Nghiệp vụ này với Việt Nam còn rất mới, nhưng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, khi xây dựng Nghị định 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến cáo Việt Nam nên triển khai nghiệp vụ này nhằm không chỉ tăng hiệu quả quản lý, sử dụng ngân quỹ nhà nước, mà còn góp phần phát triển thị trường trái phiếu nói chung, tạo điều kiện cho các địa phương phát hành trái phiếu để đầu tư cho các công trình, dự án.

Phát triển thế nào, thưa bà?

Về cơ bản, thị trường trái phiếu của Việt Nam còn rất nhỏ kể cả về số tuyệt đối lẫn tương đối (so với GDP). Năm 2016, mặc dù khối lượng phát hành TPCP lên tới 281.750 tỷ đồng (kế hoạch ban đầu là 250.000 tỷ đồng), nhưng tính đến cuối năm 2016, quy mô thị trường trái phiếu mới chỉ bằng 36,9% GDP, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, giao dịch trên thị trường thứ cấp năm 2016 rất ấn tượng, với khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 6.285 tỷ đồng, tăng tới 72% so với năm 2015, nhưng so với các nước trong khu vực thì giá trị giao dịch vẫn rất thấp, thanh khoản rất hạn chế.

Với sự góp mặt của Kho bạc Nhà nước, thị trường trái phiếu chắc chắn được cải thiện vì cơ quan nắm giữ ngân quỹ quốc gia không chỉ là nhà phát hành, mà còn là “nhà đầu tư khủng”, nên trong những phiên giao dịch mà cầu yếu, Kho bạc Nhà nước sẽ mua vào, khi cung yếu thì bán ra nhằm góp phần bình ổn thị trường và tăng tính thanh khoản.

Thế việc cho phép nhà đầu tư được thực hiện cùng một lúc cả giao dịch mua lẫn bán với cùng một đối tác sẽ tác động thế nào đến thị trường?

Giao dịch bán kết hợp mua lại (sell/buy back) trên thế giới đã được thực hiện từ rất lâu. Còn tại Việt Nam, kể từ ngày 1/9/2017, nhà đầu tư được giao kết 2 giao dịch mua bán thông thường tại cùng một thời điểm với cùng một đối tác, bao gồm một giao dịch bán TPCP kết hợp với một giao dịch mua lại cùng TPCP đó tại một thời điểm xác định trong tương lai. Việc bổ sung nghiệp vụ này là một trong những bước triển khai các sản phẩm repo nhằm tính thanh khoản cho thị trường.

Kể từ ngày 1/9/2017, nhà đầu tư được vay trái phiếu để bán. Nghiệp vụ này liệu có nguy hiểm với thị trường trái phiếu Việt Nam?

Về nguyên tắc, việc bán TPCP chỉ được thực hiện khi bên bán bảo đảm có đủ TPCP để chuyển giao tại ngày thanh toán. Số TPCP để chuyển giao bao gồm TPCP đã có sẵn trên tài khoản lưu ký của bên bán tại ngày giao dịch, TPCP mà bên bán nhận được trước hoặc vào ngày thanh toán từ giao dịch mua hoặc giao dịch vay đã thực hiện trước đó. Để giảm thiểu rủi ro, Bộ Tài chính quy định, chỉ có thành viên giao dịch là thành viên đấu thầu TPCP mới được vay để bán; thời hạn vay không vượt quá 180 ngày; các bên liên quan tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm về các nội dung liên quan đến khối lượng vay, tài sản vay và hoàn trả, tài sản đảm bảo, lãi suất vay và các điều khoản khác...

Bổ sung nghiệp vụ vay trái phiếu để bán hay còn gọi là “bán khống” cũng nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Bán khống là nghiệp vụ có nhiều rủi ro, vì vậy trước khi triển khai nghiệp vụ bán khống trên thị trường chứng khoán (nhà đầu tư được vay chứng khoán để bán), chúng tôi mạnh dạn áp dụng nghiệp vụ này trên thị trường trái phiếu trước vì thành viên tham gia thị trường đều là nhà đầu tư có tổ chức, có độ an toàn cao, tình hình tài chính khá lành mạnh.

Có thể nói, triển khai nghiệp vụ bán khống trên thị trường trái phiếu là bước đi thận trọng, sau thời gian thực hiện sẽ tổng kết và triển khai với cổ phiếu và các sản phẩm tài chính phái sinh khác.

Với các nghiệp vụ mới kể trên, thị trường TPCP cũng chưa thể có đột phá mạnh mẽ ngay, thưa bà?

Mục tiêu của Chính phủ là phát triển TPCP trở thành thị trường chuẩn cho thị trường tài chính, làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu. Để thực hiện được mục tiêu này, cần nhiều yếu tố như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ chính sách; phát triển định chế trung gian và hạ tầng của thị trường; đa dạng hóa nhà đầu tư; thu hút nhà đầu tư dài hạn; đa dạng hóa sản phẩm… và nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi.

Tái cơ cấu thị trường trái phiếu để thu hút nguồn vốn ngoại
Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2017, Bộ Tài chính tiếp tục tái cơ cấu thị trường trái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư