Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
“Vua tôm” Minh Phú lãi đậm nhờ cổ tức công ty con
Thuỳ Trang - 25/10/2024 08:15
 
Lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của Minh Phú đạt hơn 198 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây nhờ khoản cổ tức nhận từ các công ty con.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý III/2024 với doanh thu thuần 2.700 tỷ đồng, tăng 35% (tương ứng 700 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn bán hàng, công ty lãi gộp 202 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất sinh lời gộp đạt 7,5%, giảm gần 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 48% lên 147 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 74% lên 151 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5% lên 26,5 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến lên 319 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 10 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu đến từ khoản cổ tức nhận được từ các công ty con, trong đó gồm 270 tỷ đồng từ Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang và 27 tỷ đồng từ Chuỗi cung ứng Thuỷ sản Minh Phú. Đây là lý do chính giúp lãi sau thuế của công ty đạt hơn 198 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 7 quý qua, trong khi cùng kỳ lỗ 13,3 tỷ đồng. 

Luỹ kế 9 tháng, Minh Phú đạt doanh thu thuần 6.207 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp giai đoạn này hơn 483 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp gần 8%. Sau khi trừ đi các khoản phí, công ty báo lãi sau thuế 135 tỷ đồng, gấp 19 lần cùng kỳ. 

Trong phiên họp thường niên năm 2024, Minh Phú đặt mục tiêu năm nay sản lượng sản xuất đạt 70.000 tấn, qua đó mang về 18.569 tỷ đồng doanh thu. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.266 tỷ đồng. Đây là lần thứ ba trong vòng 5 năm qua công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế vượt mốc nghìn tỷ. 

Theo ban lãnh đạo công ty, mục tiêu lãi nghìn tỷ năm 2024 đối mặt với không ít thách thức từ biến động kinh tế. Cụ thể, công ty nhận thấy vấn đề lạm phát cao có thể tiếp tục gây giảm nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản và tăng giá nguyên liệu nuôi trồng và chế biến. Công ty lựa chọn chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và giữ chất lượng nguyên liệu đầu vào để đối mặt với thách thức này.

Vấn đề thứ hai được ban lãnh đạo Minh Phú đề cập là khủng hoảng giá năng lượng và cước phí vận chuyển. Theo đó, công ty cho biết sẽ theo dõi thị trường và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh linh hoạt, đẩy mạnh mở rộng sang các quốc gia châu Á nhằm giảm chi phí vận chuyển và tìm kiếm thị trường ngách cũng như tăng khả năng phục vụ thị trường nội địa. Cụ thể, công ty cho biết sắp tới sẽ khai thác mạnh trở lại thị trường trong nước với mục tiêu đưa tổng tỷ trọng doanh thu nội địa từ mức 1% hiện tại lên 5-10%.

Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản công ty mẹ của Minh Phú xấp xỉ 8.159 tỷ đồng, tăng 588 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có khoảng 2.638 tỷ đồng nợ phải trả và phần lớn trong số này là mục ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ so với đầu kỳ, đạt 5.521 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 1.242 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MPC hiện ở mức 16.300 đồng. Mã này đã mất 14% so với vùng giá cao nhất năm ghi nhận vào tháng 6/2024 (18.900 đồng). Với khoảng 400 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên sàn UPCoM, vốn hoá thị trường của công ty hơn 6.535 tỷ đồng. 

"Vua tôm" Minh Phú lãi quý II/2024 gấp gần 4 lần cùng kỳ
Lợi nhuận sau thuế quý II/2024 của Minh Phú gấp 3,8 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 38 tỷ đồng nhờ doanh số tăng mạnh và hoạt động nuôi tôm giống,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư