Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
VWS xin được xử lý rác đúng theo thiết kế
Bảo Minh - 29/01/2015 12:26
 
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) vừa chính thức có văn bản phản hồi Công văn số 299/UBND-ĐT của UBND TP.HCM về việc điều chỉnh giấy phép đầu tư của VWS.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hà Nội phấn đấu xử lý 90% rác thải nông thôn
VWS khởi công Dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh
Vĩnh Long chưa gỡ được vướng mắc tại Nhà máy rác hơn 200 tỷ
Biến rác thành... vàng

Ý kiến của chính quyền địa phương

Trả lời Tờ trình số 9869/TTr-SKHĐT của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM về việc điều chỉnh giấy phép đầu tư của VWS, UBND TP.HCM yêu cầu VWS không được chôn lấp chất thải rắn vượt quá công suất cho phép là 3.000 tấn/ngày.

Dây chuyền phân loại, xử lý rác được VWS đầu tư từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”. Ảnh: B.G
Dây chuyền phân loại, xử lý rác được VWS đầu tư từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”. Ảnh: B.G

Theo UBND TP.HCM, hiện nay, lượng rác phát sinh tại TP.HCM là 6.700 tấn/ngày. Công ty VWS đang xử 3.000 tấn rác/ngày, chiếm khoảng 45% thị trường xử lý chất thải rắn của Thành phố, do vậy, VWS được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường. Thêm vào đó, việc VWS đề nghị được nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày và xử lý toàn bộ chất thải rắn của Thành phố sẽ dẫn đến độc quyền trong lĩnh vực xử lý chất thải trên địa bàn, ảnh hưởng đến quyền được cạnh tranh của các doanh nghiệp khác.

Trường hợp VWS được thực hiện chủ trương chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thêm 2.000 tấn/ngày từ Khu xử lý chất thải Phước Hiệp (Củ Chi) thì sẽ được xử lý lượng rác là 5.000 tấn/ngày trong tổng số 6.700 tấn/ngày (chiếm khoảng 75%) lượng rác của Thành phố. Theo công văn của UBND TP.HCM, đây cũng là dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cho rằng, VWS không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày theo quy định của Giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28/12/2005. Thay vào đó, VWS đang vận hành bãi chôn lấp rác với công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày.

Mặc dù VWS không thực hiện xây nhà máy xử lý, mà chỉ chôn lắp rác, nhưng Công ty vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho các doanh nghiệp khác cũng thực hiện chôn lấp. Thời điểm hiện nay, Thành phố thanh toán cho VWS cao hơn khoản 3 USD/tấn so với doanh nghiệp khác cùng thực hiện chôn lấp (tính chung, khoản chi phí vượt trội mà Thành phố phải trả cho VWS tới 3 triệu USD/năm).

Việc tăng công suất cho Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước của VWS có thể dẫn đến việc VWS thực hiện hành vi thống lĩnh thị trường để áp đặt giá, vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh. Đó là chưa kể, với mức thanh toán cho VWS cao hơn so với doanh nghiệp khác như hiện nay, thì Thành phố phải trả thêm khoảng 10 triệu USD/năm khi Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước hoạt động ở mức công suất 10.000 tấn/ngày.

Phản hồi của doanh nghiệp

Phản hồi công văn trên của UBND TP.HCM, VWS lý giải rằng, mục đích của Công ty trong việc nâng công suất tiếp nhận lên 10.000 tấn rác/ngày là để phù hợp với công suất thiết kế, xây dựng của bãi chôn lấp công nghệ cao.

Trước hết, theo VWS, việc điều chỉnh nâng công suất tiếp nhận hàng ngày không ảnh hưởng đến tổng khối lượng 24 triệu m3 của bãi chôn lấp công nghệ cao đã được thiết kế bởi chuyên gia Hoa Kỳ và được Bộ Xây dựng thẩm định và được quy định trong Giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28/12/2005, được thiết kế cho các ô chôn lấp xử lý rác.

Thứ hai, việc xin điều chỉnh giấy phép nâng công suất tiếp nhận là đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế hoạt động hiện nay của VWS, vì lãnh đạo UBND TP.HCM đã có quyết định đóng cửa bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường ở Phước Hiệp (theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường; Nghị quyết của HĐND TP.HCM và Công văn số 119/TB-VP ngày 24/2/2014 và 5363/UBND-ĐTMT ngày 17/10/2014 của UBND TP.HCM, cùng nhiều công văn khác). Theo đó, Thành phố đã bắt đầu chuyển khối lượng rác nhẽ ra xử lý tại Phước Hiệp về cho VWS xử lý và chôn lấp theo công nghệ cao.

Quyết định trên của UBND TP.HCM cũng ấn định, đến cuối tháng 3/2015, bãi chôn lấp Phước Hiệp sẽ đóng cửa và không tiếp nhận rác chôn lấp tại đây. Như vậy, nếu không nâng công suất, VWS sẽ khó thực hiện được chỉ đạo này.

Hơn nữa, theo lý giải của VWS, việc điều chỉnh công suất chỉ là một thủ tục pháp lý, chứ không bắt buộc Thành phố phải giao đủ 10.000 tấn rác/ngày cho VWS xử lý.

Về vấn đề vi phạm Luật Cạnh tranh, căn cứ theo Công văn của UBND TP.HCM, thì nếu VWS nhận thêm tổng khối lượng rác từ Phước Hiệp sẽ nâng công suất lên 5.000 - 5.500 tấn/ngày, khi đó sẽ chiếm khoảng 75% tổng khối lượng rác xử lý mỗi ngày của toàn Thành phố (tính theo tổng số tấn rác thu gom/ngày của Thành phố là 6.700 tấn). Quan điểm của VWS là, VWS chỉ xin nâng công suất và nếu Thành phố chấp nhận chuyển rác về thì VWS sẽ nhận xử lý, chứ Công ty không đưa ra đề nghị đó cùng với yêu cầu Thành phố phải chuyển thêm rác về để coi đó là điều kiện cho việc được chấp thuận tăng công suất.

Liên quan đơn giá xử lý rác, theo phản hồi của VWS, đơn giá hiện tại không thể so sánh với đơn giá của các bãi rác khác đang xử lý trong Thành phố, vì các bãi rác khác không tính yếu tố đầu tư xử lý môi trường vào giá thành như dự án của VWS.

VWS cho biết, Công ty đã thực hiện đúng cam kết của Hợp đồng với Thành phố. Cụ thể, bãi chôn lấp rác công nghệ cao đã đi vào hoạt động từ năm 2007, Nhà máy phân loại tái chế rác đã hoàn thành từ năm 2010, Nhà máy sản xuất phân compost năm 2011…, nhưng do Thành phố không thực hiện được việc thu gom, phân loại rác tại nguồn giao cho VWS, nên hai nhà máy trên mặc dù được đầu tư gần 20 triệu USD, nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động trong nhiều năm qua. Đó là lý do dẫn đến sự chênh lệch giá thanh toán.

Bên cạnh đó, VWS cũng mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất điện năng từ khí ở bãi chôn lấp, tạo thêm sản phẩm có ích cho xã hội, thay vì chỉ đốt bỏ như dự kiến ban đầu; lắp ráp nhà máy xử lý nước với công nghệ lọc nano để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đầu tư công nghệ phun xịt Poshi-Shell che đậy rác, khử mùi hôi và giết côn trùng hàng ngày… Đó là những công nghệ mới nhất được áp dụng tại Hoa Kỳ và được VWS sử dụng tại Việt Nam.

“Với việc đầu tư quy mô của Dự án và công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ và do kỹ sư Hoa Kỳ trực tiếp đảm nhiệm, đây là dự án tốt nhất, bảo vệ môi trường lâu dài và là dự án được VWS thực hiện bằng cả tâm huyết của mình. Dự án không chỉ thuần túy vì lợi nhuận kinh tế, mà còn là sự đóng góp cho quê hương”, ông David Dương, Tổng giám đốc VWS nói.

Hà Nội sẽ đầu tư thêm 9 khu xử lý chất thải rắn

() Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

DN châu Âu mang giải pháp kinh doanh xanh tới Việt Nam

(baodautu.vn) Một loạt giải pháp, công nghệ sản xuất xanh thuộc nhiều lĩnh vực từ xử lý rác thải, nước thải, hóa chất và sản phẩm bảo vệ thực vật, dầu, khí đốt và nhiệt, công nghệ lái xe… sẽ được các doanh nghiệp (DN) Đan Mạch, Ba Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển… mang đến Việt Nam tại Triển lãm về các giải pháp kinh doanh xanh của châu Âu cho Việt Nam (Green-Biz 2013) diễn ra từ ngày 19 đến 20/9 tại Hà Nội.  Báo chí góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư