Thứ Ba, Ngày 29 tháng 04 năm 2025,
Xác thực người dùng mạng xã hội: Chống lừa đảo, tung tin giả
Tú Ân - 23/11/2024 13:09
 
Hàng trăm triệu tài khoản mạng xã hội của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải định danh, xác thực từ ngày 25/12/2024.



Từ vô danh thành hữu danh

Theo báo cáo Digital 2024 do Data Report thực hiện, có 70 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, chiếm 71% tổng dân số. Theo đó, Facebook có 72 triệu tài khoản, YouTube 62 triệu tài khoản, TikTok có 68 triệu tài khoản, Instagram có 12 triệu tài khoản, LinkedIn đạt 7 triệu tài khoản, Twitter có 5 triệu tài khoản…

Còn mạng xã hội Việt Nam, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã cấp phép gần 1.000 mạng xã hội. Trong đó, khoảng 20 mạng xã hội có lượng người dùng lớn, như Zalo (hiện có 77 triệu tài khoản), Mocha, Gapo…

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ, tin giả, thông tin xấu, độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài, do chủ quản các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý và ngăn chặn thông tin giả.

Trong khi đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội suy nghĩ rằng, không gian mạng là ảo, là “vô danh”, không bị phát hiện, xử lý, nên đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trường hợp người dùng không có số điện thoại di động, cần xác thực bằng số định danh cá nhân.

Điểm e, khoản 3, Điều 23, Nghị định 147/2024/NĐ-CP nêu rõ: "Đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trường hợp người dùng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân".

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ trước đến nay, mạng xã hội được coi là ẩn danh, nhiều người nghĩ rằng, không ai phát hiện và xử lý được, dẫn đến những hành động như chửi bới, xúc phạm người khác, chống phá chế độ. Khi nội dung đăng tải gắn với một cá nhân cụ thể, họ sẽ lưu ý về trách nhiệm, ý thức khi cung cấp thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay, hiện có 3 hình thức xác thực người dùng mạng xã hội phổ biến, gồm qua email, số điện thoại di động và số CMND/CCCD.

Việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Theo đại diện đơn vị này, mạng xã hội hiện có mức độ ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa nhanh và rộng, nên với việc định danh, người dùng sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng.

Không chỉ vậy, việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động còn là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành. Người dùng hiện có xu hướng chuyển từ máy tính (PC) sang di động (mobile), nên cần thay đổi phương thức xác thực từ email trước đây sang số điện thoại di động cho phù hợp thực tế.

Chống lừa đảo, đưa tin giả

Việc người dùng mạng xã hội ẩn danh kéo theo hàng loạt hệ lụy như chống phá nhà nước; vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác; lừa đảo trực tuyến… Việc người dùng sử dụng tên giả, hồ sơ cá nhân giả, ảnh giả hoặc không có thật để hạn chế, trốn tránh việc truy vết thông tin, định danh người dùng.

Các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực người dùng bằng số điện thoại (khoảng 30%), bằng email (khoảng 30%), chọn một trong 2 hình thức là email hoặc số điện thoại (khoảng 40%).

Theo ông Nguyễn Phú Lương, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông), việc xác thực các tài khoản số, gồm các tài khoản mạng xã hội, mạng chia sẻ, OTT, tài khoản ngân hàng và các dịch vụ online khác, là rất cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh. Việc quản lý, xác minh các tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng. Điều này góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng.

Ngoài ra, việc xác thực tài khoản mạng xã hội cũng góp phần quan trọng trong việc hạn chế tình trạng lừa đảo trên không gian mạng đang diễn ra một cách tràn lan như hiện nay. Khi các thông tin được định danh chính xác, thì mọi hành vi lừa đảo trực tuyến có thể dễ dàng bị truy vết, phát hiện và xử lý các cá nhân vi phạm một cách nhanh chóng. Đây cũng là một giải pháp quan trọng và cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng.

Đồng qua điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) đánh giá, Nghị định 147/2024/NĐ-CP có tác động lớn tới việc nâng cao nhận thức cá nhân của người dùng Internet, giảm thiểu thông tin sai lệch và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng và trật tự xã hội. Khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng.

“Yêu cầu xác thực cũng giúp hạn chế các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo. Đây thường là nguồn gốc của thông tin sai lệch, tin giả và các nội dung xấu, độc. Người dùng phải ý thức rõ hơn về hậu quả của việc chia sẻ các thông tin thiếu chính xác, từ đó góp phần tạo nên không gian mạng lành mạnh hơn”, ông Sơn chia sẻ.

Còn bà Mai Thị Thanh Oanh, Phó tổng giám đốc Cốc Cốc đánh giá, quy định này sẽ giúp tăng tính minh bạch, hạn chế các thông tin sai lệch, giả mạo, từ đó góp phần ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo trực tuyến.

“Người dùng mạng xã hội với danh tính thực sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn khi đăng tải, thảo luận hay chia sẻ nội dung. Vì thế, quy định này sẽ giúp tạo ra môi trường mạng an toàn hơn”, bà Oanh nói.

Phải xác thực số điện thoại mới được đăng bài, bình luận, livestream trên mạng xã hội
Đó là một trong những nội dung tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng mà Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư