Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Xanh hóa” dòng vốn FDI tại Việt Nam
Nguyên Đức - 08/11/2022 08:18
 
Với việc LEGO chính thức khởi công xây dựng dự án hơn 1 tỷ USD ở Bình Dương, dòng đầu tư “xanh” đang từng bước được hiện thực hóa tại Việt Nam.
Tập đoàn LEGO khởi công xây dựng nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương.

Tâm điểm LEGO

Tập đoàn LEGO đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy mới trị giá hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương vào cuối tuần qua. Sự kiện này không chỉ góp phần “hâm nóng” dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn có phần trầm lắng trong năm nay do ít có dự án quy mô lớn được đăng ký đầu tư và triển khai, mà còn như một lời khẳng định về xu hướng “xanh hóa” dòng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Trên thực tế, chuyện này đã được nhắc đến rất nhiều ngay từ khi LEGO lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, với cam kết sẽ xây dựng một nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn trên toàn cầu.

Thông tin cho biết, đây chính là nhà máy bền vững nhất từ trước đến nay của LEGO. Nhà máy sẽ được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và một trang trại điện mặt trời sẽ được xây dựng trên khu đất lân cận. Sự kết hợp này sẽ đáp ứng được tổng nhu cầu sử dụng năng lượng hàng năm của nhà máy.

Bên cạnh đó, nhà máy này cũng sẽ sử dụng các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng hiện đại nhất và sẽ được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu. Những nỗ lực này sẽ góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon tuyệt đối của Tập đoàn vào năm 2032 (so với năm 2019).

“Có 3 lý do khiến chúng tôi xây dựng nhà máy bền vững nhất tại Việt Nam. Đó là, Việt Nam có đủ nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong các nhà máy công nghệ cao; Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, đặc biệt tại COP26; Việt Nam là cửa ngõ để xuất khẩu hàng hóa ra nhiều thị trường khác”, ông Niels B. Christiansen, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO nói.

Theo kế hoạch, nhà máy được xây dựng trên khu đất rộng 44 ha này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024, với các nhân công địa phương có tay nghề cao được đào tạo để vận hành các thiết bị công nghệ hiện đại. Nhà máy sẽ tạo việc làm cho 4.000 người trong vòng 15 năm tới, nên được dự báo là sẽ có tác động tích cực tới kinh tế - xã hội địa phương.

Nhưng với dự án của LEGO, mối quan tâm lớn nhất không hẳn chỉ là giải quyết việc làm, hay đóng góp cho ngân sách nhà nước… như với nhiều dự án khác, mà chính là những cam kết quan trọng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Bởi thế, khi ông Niels B. Christiansen nói rằng, sự kiện khởi công nhà máy mới đã đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Tập đoàn LEGO bởi đây là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO, thì trên thực tế, đó cũng chính là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam trong hành trình thu hút FDI thế hệ mới.

Cùng với dự án hơn 1 tỷ USD của LEGO ở Bình Dương, dòng đầu tư “xanh” vào nhiều lĩnh vực đang từng bước được hiện thực hóa tại Việt Nam. Ảnh: S.T. Đồ họa: Đan Nguyễn 

Đón dòng đầu tư “xanh”

Dù dự án của LEGO được coi là một cột mốc quan trọng, nhưng thực tế, đây không phải là dự án duy nhất góp phần vào xu hướng “xanh hóa” dòng vốn FDI tại Việt Nam.

Cách đây ít tháng, một tên tuổi khác của Đan Mạch là Pandora cũng đã quyết định đầu tư dự án 100 triệu USD tại Việt Nam. Dự án này dự kiến sử dụng 100% năng lượng tái tạo, tạo ra hơn 6.000 việc làm và cũng sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold.

Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam có thể đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham

Mới đây, DHL Express, nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới, cũng đã khánh thành trung tâm khai thác mới nhất tại Việt Nam. Điều đáng nói là, lấy mục tiêu phát triển bền vững làm trọng tâm của mọi hoạt động kinh doanh, DHL đã trang bị cho trung tâm khai thác mới một loạt công nghệ giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường và tối ưu hiệu suất hoạt động. Chẳng hạn, hệ thống điều hòa không khí sử dụng công nghệ VRV (Variable Refrigerant Volume), quạt trần công nghiệp và phương tiện giao nhận được vận hành bằng điện năng.

“135 doanh nghiệp Đan Mạch đang có mặt tại Việt Nam. Mặc dù hai nước có xuất phát điểm khác nhau, nhưng cùng chung tầm nhìn về giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Chúng ta cùng chia sẻ hoài bão là phát triển hướng tới tương lai xanh hơn, phát thải ròng bằng ‘0’. Do đó, doanh nghiệp Đan Mạch đến đây để hỗ trợ Việt Nam vì một tương lai xanh hơn”, Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik nhấn mạnh tại diễn đàn về hợp tác phát triển năng lượng Việt Nam - Đan Mạch.

Theo Thái tử, Đan Mạch và các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ đến để hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực “hướng tới một xã hội xanh hơn”.

Không chỉ nhà đầu tư Đan Mạch, các nhà đầu tư châu Âu khác cũng rất quan tâm đến các dự án xanh. “Đây không phải là chuyện của tương lai, mà thực tế đang diễn ra rồi”, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham đã nói như vậy và từng chia sẻ rằng, EuroCham đang thực hiện một chương trình xúc tiến đầu tư, với kế hoạch đưa 300 doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực kinh tế xanh đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Các phản hồi được đánh giá là tích cực.

“Với chính sách khuyến khích tăng trưởng bền vững, Việt Nam có thể đi trước nhiều quốc gia khác trong khu vực”, ông Alain Cany nói.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian gần đây, có thể nói, đã được cải thiện rõ rệt về chất lượng. Rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo… đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến. Thậm chí, các dự án có quy mô lên tới hàng tỷ USD, của Intel, Samsung… đã và đang góp phần đưa kinh tế Việt Nam lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, phát triển bền vững hơn và “xanh” hơn.

Việt Nam thu hút hơn 22,46 tỷ USD vốn FDI sau 10 tháng năm 2022
Sau 10 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư