Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu trung và dài hạn
Thế Hoàng - 20/08/2022 10:00
 
Việt Nam cần xây dựng chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu trung và dài hạn, với những mặt hàng trọng điểm để có sự điều hành thống nhất, bài bản, tạo ra chuỗi liên kết trong xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bùi Thanh Sơn cho rằng, chiến dịch đẩy mạnh xuất khẩu trong đó, cần xây dựng chiến lược (trung và dài hạn)
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần xây dựng chiến lược xuất khẩu trung và dài hạn với những mặt hàng trọng điểm.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoàiThương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng.

Có được kết quả này, đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc chặt chẽ của các Hiệp hội doanh nghiệp, đã bám sát chỉ đạo để đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là "cầu nối" Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, trong bối cảnh môi trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Để thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng giao, trước hết, cần phải có chiến dịch đẩy mạnh xuất khẩu trong đó, cần xây dựng chiến lược (trung và dài hạn) với những mặt hàng trọng điểm tại các vùng trọng điểm để có sự điều hành thống nhất, tạo ra sự bài bản, liên kết trong xuất khẩu.

Dù kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt trên 600 tỷ USD nhưng cơ cấu về sản phẩm nông nghiệp chưa đến 10%. Bộ trưởng Bùi Thạnh Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư chế biến hàng hóa nông sản để xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính với giá trị gia tăng tốt hơn. 

Đại diện các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các thị trường sẽ theo dõi sát tình hình nhu cầu thị trường tại các nước, báo cáo kịp thời thông tin về xu hướng tiêu dùng, biến động thị trường, giá cả để các doanh nghiệp trong nước nắm bắt, điều chỉnh chiến lược kinh doanh. 

Thông tin tới các ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Thanh Hải, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi cho biết, Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi khoảng 800 triệu USD, và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 500 triệu USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi chủ yếu là hàng hoá của các doanh nghiệp có vốn FDI như điện thoạt di động, linh kiện máy tính điện tử, hàng dệt may và giày dép…

Hiện, một số mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nam Phi và đã có chỗ đứng ở thị trường này như hạt tiêu, hạt điều thành phẩm, cà phê, đồ gỗ…, đặc biệt là trái cây có khả năng thâm nhập thị trường Nam Phi.

Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi đề xuất, doanh nghiệp Việt Nam nên chế biến các loại trái cây tươi của Việt Nam thành sản phẩm như nước quả, thực phẩm đóng hộp thì sẽ dễ thâm nhập vào thị trường Nam Phi và bán được với giá cao hơn; không phải cạnh tranh với hoa quả tươi của Nam Phi, vừa không lo về vận chuyển.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia lại tư vấn mở thêm tuyến hàng không ưu tiên chở nông sản tươi, từ đó doanh nghiệp thuận lợi trong việc tận dụng các FTA như CPTPP, RCEP...để nâng cao giá trị xuất khẩu.

"Việc vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam đến Australia vẫn chưa được thuận lợi, cơ quan Thương vụ rất mong Chính phủ có hướng mở thêm những tuyến hàng không ưu tiên chở nông sản tươi của doanh nghiệp Việt Nam đến Australia nhanh chóng, đảm bảo trái cây tươi, chất lượng", ông Nguyễn Phú Hoà, Thương vụ Việt Nam tại Australia đề xuất.

Đồng thời, có những chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, xây dựng các kho bãi lớn tại  để hàng Việt Nam tiếp cận được thị trường và khẳng định chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam tại Australia.

6 tháng 2022, xuất khẩu sang Australia đạt kỷ lục 9,5 tỷ USD, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ, dự kiến kim ngạch song phương có thể đạt 15 tỷ USD vào cuối năm nay.

Đối với thị trường Ấn Độ, dù xuất khẩu tăng trên 38% trong 7 tháng đầu năm nay, nhưng Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ vẫn khẳng định, hoạt động xúc tiến thương mại để tăng xuất khẩu sang Ấn Độ vẫn cần được đầu tư mạnh mẽ hơn.

Ông Bùi Trung Thướng, Bí thư thứ Nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho rằng, với dân số gần 1,4 tỷ người, sức mua lớn, yêu cầu về sản phẩm không quá cao và trải dài ở nhiều phân khúc. Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế chưa cao (khoảng 30%) nên tiềm năng còn rất lớn. Căng thẳng địa chính trị trên thế giới và khu vực đã giúp mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ấn Độ là đối tác thương mại đồng thời là thị trường xuất khẩu đứng thứ 8 của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu những năm qua luôn ở mức hai con số.

Do đó, các địa phương quan tâm hơn nữa đến thị trường Ấn Độ dành nguồn lực tài chính tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các đoàn doanh nghiệp của địa phương đến Ấn Độ để trực tiếp giao thương. Xây dựng các cổng thông tin doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp các mặt hàng, lĩnh vực cụ thể, để thuận lợi trong việc giao thương kết nối khi doanh nghiệp Ấn Độ có nhu cầu. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư