Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”
 
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn.

Mở đầu tham luận Phiên 1 tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’, sáng 16/12/2022, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã trình bày tham luận: “Chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tham luận: “Chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn. Đảng khẳng định: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa.

Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người đối với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sau hơn 35 năm Đổi mới, các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước, được ghi rõ trong Hiến pháp. Việc triển khai thực hiện trong thực tiễn cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Những tiến bộ trong giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ; sự khởi sắc trong hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, truyền thông đại chúng, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; sự phát triển của phong trào xây dựng đời sống văn hóa và sự tăng cường các thiết chế văn hóa cơ sở,… làm cho đời sống tinh thần của con người, xã hội phong phú, đa dạng hơn, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân từng bước được cải thiện.

Hội thảo Văn hóa 2022 có sự tham dự của 800 đại biểu.

Về tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém đã được Đảng chỉ rõ từ lâu cần khắc phục ngay và trong thời gian tới. Đó là, môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Chất lượng sáng tạo các giá trị văn hóa mới còn nhiều hạn chế, ít các công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khoa học cao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý văn hóa còn nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển. 

Bên cạnh đó, việc thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng còn chậm và chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. 

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Sự yếu kém, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua đã gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta”; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, chủ trương, định hướng của Đảng cần được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật về văn hóa giàu tính thực tiễn, có tầm nhìn xa, qua đó phá vỡ rào cản, kích thích năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, năng lực cạnh tranh, tạo động lực to lớn cho sự phát triển của văn hóa. 

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm bên lề Hội thảo.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; kết luận chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Bên cạnh đó, cần xác định rõ, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh nghiên cứu, xác định, tuyên truyền và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, vùng và địa phương, từng cơ quan, đơn vị. 

Đối với những vấn đề cụ thể, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh cần tập trung vào một số nội dung sau:

Trước hết, đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa. Cần định hình tư duy, phương thức quản lý văn hóa thống nhất hiệu quả xã hội với hiệu quả kinh tế, mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích của cộng đồng và nhân dân. Hoàn thiện các chính sách kinh tế văn hóa, thực hiện những giải pháp căn cơ để phát triển lành mạnh thị trường văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Phấn đấu có nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, sức lay động lớn, cổ vũ sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, làm lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Đảng, của đất nước và con người Việt Nam. 

Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xác định và thực hiện sáng tạo, có hiệu quả những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực và địa bàn, vùng miền cụ thể. Triển khai xây dựng và thực hiện văn hóa số, gắn với công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 

Thứ ba, phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa. 

Đối với nguồn lực con người, cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, những tài năng nghệ thuật của đất nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, xây dựng các tác phẩm có chất lượng cao. Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất bảo đảm ở tất cả các cấp. 

Quang cảnh Hội thảo.

Đối với nguồn lực tài chính, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho các hoạt động văn hóa. Tăng cường đầu tư cho văn hóa và đổi mới cơ chế đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn vốn từ các ngành, lĩnh vực khác nhau cho phát triển văn hóa. Chú trọng xây dựng một số công trình văn hóa, nghệ thuật trọng điểm, đầu tư phát triển các trường văn hóa, nghệ thuật, chú trọng các ngành khó, hiếm, đỉnh cao, truyền thống trên cả nước theo xu hướng mới, khoa học, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện sáng tạo chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Bên cạnh các nguồn lực trong nước, cần chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn vốn phát triển văn hóa. 

Trước yêu cầu của cuộc sống, của sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, văn hóa cần phải chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, góp phần quan trọng đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh điều hành tham luận.

Do đó, công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc vừa là khát vọng nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết đặt ra hiện nay. Để phát huy được giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; 

Đồng thời, cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư