Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 07 năm 2024,
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - Đột phá chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng
Liên Phương - 30/07/2024 17:56
 
Ngày 30/7, tại Trường Đại học Thái Bình, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - Đột phá chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Hồng”.

Phát biểu chào mừng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành, nhấn mạnh chủ đề hội thảo khoa học là vấn đề tỉnh Thái Bình và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng đang rất quan tâm, trăn trở thực hiện nhằm tạo bước đột phá chiến lược cho phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành phát biểu khai mạc hội thảo khoa học.

Tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 2 triệu người, tỷ lệ trong độ tuổi lao động khoảng 60%, đây chính là lợi thế của Thái Bình mà không phải địa phương nào cũng có. Hơn nữa, toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng. Theo thống kê, năm 2023 tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 36.700 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành nghề cung ứng cho khu công nghiệp đạt khoảng 61%.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX xác định “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” là 1 trong 3 đột phát phát triển của tỉnh.

Hiện nay, Đại học Thái Bình là trường đại học công lập đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực thuộc tỉnh Thái Bình, nằm trong các trường tốp đầu của khu vực đồng bằng sông Hồng. Trường Chính trị tỉnh Thái Bình là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình mong rằng, thông qua hội thảo lần sẽ mở ra những gợi ý mới để thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp cho tỉnh Thái Bình nói riêng, khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung có những phát triển đột phá mạnh mẽ; góp phần “Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng” theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo khoa học, GS.TS Nguyễn Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy khoa học, công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hội thảo khoa học là hoạt động quan trọng để nhìn nhận, đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội, thật sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại vùng kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.

Quang cảnh hội thảo

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 40 tham luận của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo thực tiễn, các chuyên gia, các giảng viên đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học, trường chính trị và các doanh nghiệp lớn ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Về thực trạng xây dựng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng, các đại biểu cho rằng trong thời gian qua, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng lao động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước, chất lượng lao động của vùng ngày càng được cải thiện với tỷ lệ lao động có bằng cấp/chứng chỉ tăng. Cơ cấu lao động của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng bằng sông Hồng cũng chính là trung tâm về đào tạo nhân lực của cả nước. Hệ thống các trường chính trị tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã đóng góp tích cực vào công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nguồn nhân lực của vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển vùng.

Xuất phát từ những yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, để nâng cao chất nguồn nhân lực ở vùng đồng bằng sông Hồng, các tham luận trao đổi về một số giải pháp.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Green i - Park Lê Đình Đáp phát biểu tham luận tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, ông Lê Đình Đáp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Green i – Park, chủ đầu tư khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green -iP1) cho biết: là khu công nghiệp tiên phong trong Khu kinh tế Thái Bình, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, sạch Green i – Park cũng rất chú trọng tới công tác đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp.

Đối với người lao động, bên cạnh những đãi ngộ về lương, thưởng, phụ cấp, môi trường làm việc cũng cần phải có chính sách hợp lý về nhà ở, nhất là nhân lực trong các khu công nghiệp. Dẫn chứng thực tế ông Đáp cho biết tại Liên Hà Thái đã có 3 dự án nhà ở cho công nhân, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động và sẽ tiếp tục được xây dựng trong thời gian tới.

Ngoài ra các đại biểu tại hội thảo cũng đưa ra một số giải pháp: Nâng cao nhận thức các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền và toàn thể người dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung cũng như phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng. Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo.

Đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, xây dựng cơ cấu ngành nghề đào tạo hợp lý, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài vùng đồng bằng sông Hồng đồng bộ trên nhiều phương diện, như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chính sách việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, các điều kiện nhà ở, sinh sống, định cư…

Trường Đại học Thái Bình: Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao
Đó là một trong những mục tiêu Trường Đại học Thái Bình quyết tâm thực hiện trong Lễ khai giảng năm học mới 2019 – 2020 ngày 8/10. Nhân dịp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư