Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Xây dựng nhiều tour du lịch mới lạ, độc đáo cho du lịch Thủ đô
Hồ Hạ - 22/10/2021 18:42
 
Các cơ quan, đơn vị đang nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội, hậu Covid-19 lần thứ 4.

Kho tàng giá trị vật thể và phi vật thể

Ngày 22/10, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội và Công ty lữ hành Hanoitourist tổ chức khảo sát các điểm di tích, di sản quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội nhằm đánh giá tiềm năng du lịch phố cổ Hà Nội, từ đó hình thành những sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô, hậu làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

Đoàn khảo sát các tuyến phố bằng xe điện.

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2013. Nơi đây tập trung các quần thể di tích lịch sử như: Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Tháp Rùa…

Cùng với đó là các công trình tôn giáo, văn hóa, kiến trúc lịch sử có giá trị như: Đền thờ Vua Lê, đình Nam Hương, tháp Hòa Phong, tượng đài Vua Lý Thái Tổ, đề Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nhà Hát Lớn… là khu vực lõi của quận Hoàn Kiếm, kết nối khu phố cổ và khu phố cũ.

Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là di sản quốc gia đặc biệt mà nơi đây còn lưu giữ các gía trị văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu của một cộng đồng người dân đã và đang sinh sống trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Khu phố cổ Hà Nội nằm ở phía Đông thành Thăng Long – trong cấu trúc lịch sử đô thị: Thành (trung tâm Hoàng thành Thăng Long) và Thị (36 phố phường thuộc khu phố cổ). Khu phố cổ Hà Nội hiện nay có diện tích khoảng 82 ha nằm trên địa bàn 10 phường phía bắc của quận Hoàn Kiếm với 79 tuyến phố và 83 ô phố.

Đoàn khảo sát tại đình Đồng Lạc, số 38 Hàng Đào.

Khu Phố cổ Hà Nội luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội; nơi đã và đang chứa đựng kho tàng giá trị vật thể (gồm 121 di tích, trong đó có 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… như đền Bạch Mã là trấn đông của thành Thăng Long;

50 đình thờ tổ nghề như: đình Kim Ngân, đình Đồng Lạc, đình Tú Thị, cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như: các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trên phố của người dân, ẩm thực, các hoạt động vào những buổi tối cuối tuần, biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống như: ca trù, hát xẩm… những lễ hội truyền thống như: lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, lễ hội Trung Thu phố cổ diễn ra thường niên; lễ hội kim hoàn 5 năm một lần… đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2004 và hiện là nơi còn lại cửa ô duy nhất của Thành Thăng Long- Ô Quan Chưởng.

Khu phố cổ Hà Nội là nơi tập trung các hoạt động kinh doanh buôn bán sầm uất. Có 8.000/13.000 hộ kinh doanh của quận Hoàn Kiếm, tập trung đông tại các khu trung tâm như chợ Đồng Xuân - Bắc Qua; Trung tâm thương mại Hành Gia và trên các tuyến phố Hàng Đào đến Hàng Giấy; các phố nghề chuyên doanh như: Hàng Đồng, Hàng Thiếc, Hàng Quạt, Hàng Mã, Thuốc Bắc, Lãn Ông, Hàng Bạc, Hàng Gai,…

Với những giá trị di sản còn hiện hữu, mặc dù khu phố cổ Hà Nội đã trải qua nhiều biến đổi của lịch sử do chiến tranh, sở hữu nhà, đất phức tạp nhưng đến nay vẫn là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của cả nước.

Sau khi khảo sát các điểm đến, tuyến phố, Đoàn đã đánh giá tiềm năng du lịch phố cổ, tiến tới xây dựng những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn cho du khách đến với Thủ đô.

Cần sự tham gia của cộng đồng dân cư

Cũng theo bà Thúy Lan, trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Theo thống kê trước dịch Covid-19, lượng khách du lịch vào quận Hoàn Kiếm chiếm 2/3 lượng du khách vào tham quan Hà Nội, hàng năm tăng bình quân khoảng 18,21%.

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội được UBND quận Hoàn Kiếm giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia gồm: Ngôi nhà di sản số 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào là di tích lịch sử văn hóa; đình Kim Ngân số 42 Hàng Bạc là di tích kiến trúc nghệ thuật; đền Quan Đế số 28 Hàng Buồm là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ngoài ra, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội còn quản lý hai trung tâm gồm Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ và Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ.

Trong chương trình, Đoàn đã khảo sát những điểm di tích nổi tiếng của phố cổ Hà Nội như: Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ), Ô Quan Chưởng, Trung tâm văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm).

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, mặc dù các di tích, điểm đến trong khu phố cổ đang tạm đóng cửa để phòng, chống dịch, nhưng luôn đảm bảo các điều kiện để có thể lập tức mở cửa trở lại khi Thành phố cho phép.

Ngoài ra, đoàn cũng khảo sát một số tuyến phố cổ có thể tạo sự kết nối phù hợp trong việc xây dựng sản phẩm du lịch như: Phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Lãn Ông, Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Buồm... bằng xe điện.

Bà Thúy Lan cho biết, trước dịch Covid-19, đơn vị vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như triển lãm, trưng bày, biểu diễn ca trù, chầu văn, giới thiệu làng nghề tại các điểm di tích, di sản, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn ra, nhiều điểm di tích đang tạm đóng cửa để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Với bối cảnh mới "thích ứng an toàn với dịch", Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị để tăng tính kết nối các điểm di tích, di sản bằng những tour, tuyến mới, hấp dẫn hơn, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho du khách khi tham quan, trải nghiệm phố cổ.

“Chúng tôi không chỉ cố gắng kết nối các điểm di sản, di tích, phố nghề trong phố cổ Hà Nội mà còn mong muốn xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm du lịch đặc sắc kết nối với các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, khu Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm cũng như các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn Hà Nội và cả nước trong thời gian tới", bà Thúy Lan bày tỏ.

Ông Nguyễn Hữu Việt nhấn manh, các đơn vị điểm đến cần kết nối mật thiết với doanh nghiệp lữ hành để tạo thêm nhiều tuyến tham quan hấp dẫn cũng như tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để thu hút du khách.

Đánh giá về tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch mới cho khu phố cổ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho rằng, khu phố cổ Hà Nội có giá trị rất lớn trong việc thu hút du lịch, không chỉ bởi quần thể đậm đặc các di sản, di tích, mà còn bởi đặc trưng riêng trong đời sống của cư dân.

"Tới đây, Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xây dựng sản phẩm cũng như đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các sản phẩm, điểm đến trong khu phố cổ Hà Nội và khu hồ Hoàn Kiếm đến đông đảo du khách, nhà đầu tư trong nước và quốc tế”, ông Hữu Việt chia sẻ và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là các đơn vị điểm đến thuộc khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm cần kết nối mật thiết với doanh nghiệp lữ hành để tạo thêm nhiều tuyến tham quan hấp dẫn cũng như tổ chức thêm nhiều hoạt động trải nghiệm để thu hút du khách”.

Ở góc độ lữ hành, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đánh giá, tài nguyên di sản, di tích ở khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm rất phong phú, đa dạng, đậm đặc, có thể giúp các đơn vị lữ hành xây dựng nhiều sản phẩm, tour du lịch hấp dẫn du khách và thu hút du khách đến trải nghiệm nhiều lần.

“Tuy nhiên, để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, bên cạnh việc kết nối các điểm đến, còn cần sự chung tay, tham gia của cộng đồng cư dân. Các đơn vị cũng phải tính đến việc đào tạo thêm đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức lịch sử, văn hóa về Hà Nội để có thể truyền cảm hứng và tình yêu Hà Nội cho du khách”, ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho hay, trong tháng 11, Công ty Hanoitourist mong muốn khảo sát kỹ một số điểm đến trọng điểm để tháng 12 có thể công bố 1 - 2 sản phẩm mới đặc sắc, độc đáo và khác biệt cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan khu phố cổ Hà Nội.

Ông Phùng Quang Thắng đánh giá, tài nguyên di sản, di tích ở khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm rất phong phú, đa dạng, đậm đặc, có thể giúp các đơn vị lữ hành xây dựng nhiều sản phẩm, tour du lịch hấp dẫn du khách đến trải nghiệm nhiều lần.

Theo Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, hiện nay, các di tích vẫn đang tạm đóng cửa nhưng đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng, chống dịch, quy trình đón khách an toàn như: hệ thống quét mã QR, khai báo y tế điện tử, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn di tích... để sẵn sàng mở cửa đón khách khi được phép.

Tới đây, Ban quản lý sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức thêm các chuyến khảo sát và lấy ý kiến các chuyên gia văn hóa, lịch sử để sớm xây dựng kế hoạch ra mắt sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách trong nước và quốc tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Hoạt động khảo sát lần này được kỳ vọng sẽ là tiền đề để các cơ quan, đơn vị xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, hấp dẫn cho Thủ đô, hậu làn sóng Covid-19 lần thứ 4.

Đẩy mạnh quảng bá du lịch Hà Nội trên nền tảng số
Ngày 24/3, Sở Du lịch Hà Nội và Sở TTTT Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư