Thứ Tư, Ngày 30 tháng 04 năm 2025,
Xây dựng và bảo vệ đất nước: Trách nhiệm của người cầm bút
Vũ Anh - 20/06/2014 07:49
 
() Hơn lúc nào hết, các nhà báo - những người cầm bút hãy hoàn thành một cách tốt nhất thiên chức truyền thông, bởi đó là cách tốt nhất để thể hiện lòng yêu nước như bao người dân đất Việt.
TIN LIÊN QUAN

Tất cả người dân Việt Nam, thời điểm này đều phẫn nộ và lo lắng trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

   
     

Song hành với những diễn biến phức tạp khó lường trên biển là những lo âu. Người thì lo về những điều tệ hại nhất - chiến tranh - như đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ và lần gần đấy nhất là năm 1979, bởi lẽ, ai có thể lường trước được điều gì có thể xảy ra từ “anh hàng xóm khó lường”; người lại đăm chiêu về những tác động bất lợi có thể mang tới nền kinh tế nước nhà.

Chẳng thể đứng ngoài cuộc và tất nhiên không thể vô lo, nhưng trên mặt trận tư tưởng, các nhà báo đồng nghiệp của chúng tôi, vượt qua những âu lo ấy là sự tuyệt đối tin tưởng vào nội lực của Việt Nam - chất men thành công đó được hình thành và nhào nặn nên điều mà tất cả đều không khỏi tự hào khi gọi tên: Đó là bản lĩnh Việt!

Lòng tin sắt đá đó đã giúp các nhà báo, bằng những bài báo của mình đã thành công trong việc thắp lên những ngọn lửa trong mỗi trái tim của những người con đất Việt và triệu triệu trái tim được thắp lửa ấy đã biến thành một thông điệp vô giá: Dân tộc Việt không thể và không bao giờ khuất phục.

Vậy là, trong những ngày giữa tháng 5/2014, khi vừa xảy ra những lộn xộn, gây mất an ninh trật tự, nhà báo Hồ Quang Phương, Báo Quân đội nhân dân - người từng ẵm Giải A Báo chí Quốc gia năm 2012 - không nề hà, ngay lập tức đã có mặt trên công trường của Dự án Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) để tác nghiệp.

Với bản lĩnh chính trị vững vàng, anh chia sẻ: “Vào thời điểm này, thông qua các các tác phẩm của mình, tôi phải có trách nhiệm phân tích được tính hợp pháp và chính nghĩa của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông, bao gồm cả các hoạt động kinh tế trên biển. Các bài báo không chỉ thúc đẩy lòng yêu nước, mà còn cần phải tạo nên sự gắn kết cho toàn dân tộc - chỉ có đoàn kết mới giúp chúng ta vượt qua thử thách. Lòng yêu nước cần được thể hiện một cách tỉnh táo, có trách nhiệm, tránh manh động làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và cơ hội phát triển của đất nước”.

Có lẽ, cho đến lúc này, không ai lại tự nhiên đặt câu hỏi: Vì sao tất cả những người dân Việt Nam, từ con trẻ đang cắp sách đến trường, đến các cụ già, tất cả đều biết và đau đáu về Biển Đông. Bởi lẽ, ai cũng mặc nhiên cho rằng, cái sự tưởng như ngẫu nhiên ấy lại là bao công sức của những người cầm bút. Và không chỉ có vậy, chỉ đến lúc này, mỗi người dân mới vỡ lẽ rằng, thế nào là chủ quyền biển đảo, thế nào nào là đặc quyền kinh tế...

Nhà báo Lê Tuyết, Phó trưởng phòng, Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV (Giải A Báo chí quốc gia 2012) cho rằng, bổ sung vào đó là việc báo chí còn giúp người dân thêm một lần được cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, với những cuộc trường chinh bảo vệ biên cương, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc dấu yêu.

Trong khi đó, nhà báo trẻ Trần Sơn Bách, Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN - Giải B Báo chí quốc gia 2012) lại có suy nghĩ của một... người không còn trẻ, cho rằng. “Việc được tham gia, hòa mình vào sự kiện, chuyển tải một cách trung thực nhất những gì từ thực địa, cũng như phản ánh những nỗ lực từ nhiều phía của Chính phủ tới bạn đọc là trách nhiệm không thể chối bỏ của mỗi người cầm bút”.

Còn với nhà báo Thanh Hà (Báo Đầu tư, giải B Báo chí Quốc gia năm 2012), không có cơ hội được “bám biển”, để phản ánh các tin tức nóng hổi từ vùng biển mà Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, chị chọn cách truyền thông điệp của Chính phủ Việt Nam về việc cam kết đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhà đầu tư và người lao động thông qua các bài viết của mình.

“Tôi mong muốn qua các bài viết của mình, các nhà đầu tư nước ngoài hiểu hơn nữa về một môi trường đầu tư Việt Nam luôn thân thiện và an toàn. Mong họ hiểu và chia sẻ với Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này, tin tưởng và tiếp tục ở lại với Việt Nam. Tôi nghĩ, đó cũng là cách để tôi thể hiện trách nhiệm của một nhà báo với Tổ quốc”, chị Hà chia sẻ.

Năm nay, những người cầm bút sẽ cùng nhau kỷ niệm lần thứ 89 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và cùng với đó, Lễ trao Giải báo chí quốc gia 2013 sẽ diễn ra vào tối 21/6 tại Hà Nội. Sẽ có thêm các tác phẩm báo chí xuất sắc được tôn vinh và lại thêm một lần tôn vinh sức lao động sáng tạo không mệt mỏi của các nhà báo đã luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.

Đúng như phát biểu của ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam rằng: “Những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh bức tranh chung của báo chí cả nước, trong đó đã thể hiện sự quan tâm, trăn trở, đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề của đất nước, đặt ra cho xã hội. Đó là vấn đề chủ quyền biển đảo, đạo đức xã hội trong đó có đạo đức báo chí, những khó khăn, tiêu cực trong quá trình phát triển kinh tế...”

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư