Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 07 năm 2024,
Xây “sân chơi” cho nhà đầu tư tài chính quốc tế
Nguyên Đức - 25/07/2024 09:28
 
Đề án phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đang nỗ lực được triển khai xây dựng, nhằm tạo bước đột phá cho nền kinh tế.
TP.HCM đang nỗ lực để có thể sớm hoàn thiện Đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố.

Xây “sân chơi” cho nhà đầu tư quốc tế

Một cuộc họp bàn về việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam vừa được tổ chức hôm qua (23/7). Tại cuộc họp này, Dự thảo Đề án tổng thể về phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam - mang tính chất đề án khung, do Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực hiện - đã được đưa ra thảo luận.

Cùng với đó, hai dự thảo khác - Dự thảo Đề án Xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM và Dự thảo Đề án Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực - cũng được đặt lên bàn của đại diện các bộ, ngành, địa phương tham gia cuộc họp.

Mới chỉ là những phác thảo ban đầu, song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, dù trung tâm tài chính là mô hình đã được phát triển tại nhiều quốc gia, nhưng với Việt Nam, đây là vấn đề mới và phức tạp. Do vậy, việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng trung tâm tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế.

Dự thảo Đề án cũng chỉ rõ, nguyên tắc xuyên suốt là “trung tâm tài chính phải là ‘sân chơi’ của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung tương thích với thông lệ quốc tế, như về cơ chế vận hành, phát triển các hệ sinh thái, cơ chế ưu đãi…, nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết”.

Cũng vì lý do đó, khi xây dựng bản đề án tổng thể và đưa ra lấy ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo - cho rằng, phải phân tích, đánh giá và so sánh được các nội dung về lợi ích và rủi ro của trung tâm tài chính, các điều kiện cần và đủ để hình thành trung tâm tài chính và đánh giá tác động các cơ chế chính sách đề xuất cho “sân chơi” này.

Tương tự, quan điểm nhất quán là, với việc xây dựng một trung tâm tài chính, Việt Nam sẽ hình thành một khu vực có thể chế riêng, vượt trội, đặc thù để đủ khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư tài chính quốc tế. Tuy nhiên, có 3 nguyên tắc cơ bản được đề ra đối với các chính sách này. Đó là các chính sách đã rõ, phù hợp thông lệ quốc tế, đã được kiểm chứng thì áp dụng; các chính sách chưa rõ, nhưng thông lệ quốc tế vẫn đang áp dụng và trong tầm kiểm soát thì cho áp dụng thí điểm và sẽ luật hóa sau; còn các nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia (như chống rửa tiền, chuyển giá, trốn thuế…) thì không áp dụng.

Cơ bản thống nhất với các đề xuất trên, ông Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, muốn phát triển các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở Việt Nam, phải có các chính sách ưu đãi đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển. Cả ông Kỳ Minh và ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đều cho biết, hai thành phố sẽ nỗ lực để có thể sớm hoàn thiện các đề án, trình các cấp thẩm quyền xem xét. Bên cạnh đề án khung, thì đây là hai đề án có vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển các trung tâm tài chính ở Việt Nam.

Không bỏ lỡ “cơ hội vàng”

Việc kiến tạo “sân chơi” cho nhà đầu tư tài chính quốc tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chính là một trong những người tiên phong đề xuất việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Quan điểm nhất quán là, với việc xây dựng một trung tâm tài chính, Việt Nam sẽ hình thành một khu vực có thể chế riêng, vượt trội, đặc thù để đủ khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư tài chính quốc tế.

“Việt Nam đang ở thời cơ vàng, ngàn năm có một để thành lập được trung tâm tài chính quốc tế, ở TP.HCM và Đà Nẵng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhấn mạnh điều này.

Và không chỉ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các nhà đầu tư quốc tế cũng nhiều lần khẳng định về vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy tài chính toàn cầu. Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, thúc đẩy phát triển trung tâm tài chính là “cơ hội vàng” đối với Việt Nam, cơ hội thu hút đầu tư cả gián tiếp và trực tiếp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

“Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là một sáng kiến mang tính thay đổi cuộc chơi”, ông Denzel Eades, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam đã nói như vậy.

Thực tế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm tài chính. Ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định, thì quan trọng là Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, có tính kết nối cao; có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu gắn với vị trí địa kinh tế chiến lược; có quy mô nền kinh tế và mức độ phát triển của thị trường tài chính ngày càng được cải thiện, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường tài chính, trong đó có các nhà đầu tư lớn như Dragon Capital, J.P Morgan…

“Chúng ta có rất nhiều lợi thế. Làm trung tâm tài chính quốc tế sẽ mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh rằng, cần phải làm ngay để không bỏ lỡ thời cơ.

Để không bỏ lỡ cơ hội vàng này, thời gian qua, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tới nhiều nơi để tìm hiểu về mô hình trung tâm tài chính ở các nước. Mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới thăm và làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã có các buổi làm việc với Trung tâm Tài chính Dubai (DIFC), Trung tâm Tài chính Abu Dhabi và một số tổ chức, chuyên gia có kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính.

Và tại các buổi làm việc này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đề nghị UAE chia sẻ về các bài học thành công và thất bại, các điều kiện cần và đủ để hình thành trung tâm tài chính, các mô hình quản lý, các gợi ý cho Việt Nam, cũng như cả về các cơ hội hợp tác phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Đây chính là những bước chuẩn bị quan trọng để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội vàng.

Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1160/QĐ-TTg ngày 6/10/2023 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư