Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Xem xét cơ chế đặc thù cho Hà Nội, chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc - Nam
Nguyễn Lê - 30/05/2020 09:30
 
Đó là hai trong số nhiều nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 45 (đợt ba), ngày 1/6 tới.
.
Phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã qua hai đợt, chuẩn bị đợt ba trong ngày 1/6.

Đó là hai trong số nhiều nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 45 (đợt ba), ngày 1/6 tới.

Theo chương trình dự kiến, được đặt lên bàn nghị sự đầu tiên là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Tờ trình về vấn đề này, ngoài những nội dung đã được Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 44 được bổ sung một số đề xuất mới.

Những nội dung  giữ nguyên là nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ; cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng; được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội.

Chính phủ cũng đề xuất cho Hà Nội sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công; sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương.

Các nội dung mới gồm phân cấp cho HĐND Thành phố Hà nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí. Hai, cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ba, cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phẩn hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Ở đợt họp gần nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý chuyển toàn bộ 8 dự án PPP của tuyến cao tốc này sang đầu tư công 100% như đề xuất của Chính phủ.

Sau đó, Chính phủ chuẩn bị  3 phương án để trình lại vẫn ưu tiên phương án chuyển đổi toàn bộ 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam sang hình thức đầu tư công. Hai phương án còn lại là chuyển 5 hoặc 3 dự án PPP sang đầu tư công.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Nghị quyết quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) cũng là nội dung được xem xét tại đợt họp này.

Những nội dung nói trên nếu đạt yêu cầu sẽ được trình Quốc hội quyết định ngay kỳ họp thứ 9, tại đợt họp trực  tiếp từ 8/6 tới đây.

Cơ chế đặc thù cho Hà Nội: Đề nghị nâng mức dư nợ vay lên 90%
Nhu cầu vốn đầu tư công của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 300.000 tỷ đồng, trong khi Thành phố chỉ cân đối ngân sách được 105.000 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư