Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xét xử “đại án” AIC: Xác định rõ nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp
Huệ Nguyễn - 26/12/2022 09:37
 
Để có thể trúng 16 gói thầu “khủng” tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có nhiều hướng đi, thủ đoạn tinh vi, phức tạp.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc AIC trình bày tại Phiên xét xử sơ thẩm  	Ảnh: Trần Tâm
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc AIC trình bày tại Phiên xét xử sơ thẩm Ảnh: Trần Tâm

Thiết lập quan hệ với dàn lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo trực tiếp tại Phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, AIC và các đơn vị liên quan, đã xác định rõ, để AIC và các công ty BMS, Thành An Hà Nội, TNT do AIC chỉ định được tham gia và trúng thầu các gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (sau đây gọi tắt là Dự án), với giá AIC đưa ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ mật thiết với cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái.

Từ đó, các bị cáo Thành và Thái đã giới thiệu, tác động, chỉ đạo Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, các cấp dưới và đơn vị liên quan để phối hợp, giúp sức cho đơn vị tư vấn, AIC và các nhà thầu được chỉ định của Nhàn dễ dàng trúng thầu.

Sau đó, Nhàn chỉ đạo cấp dưới là Hoàng Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc AIC), Trần Mạnh Hà và các nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư để tạo điều kiện cho AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu thông qua các đơn vị tư vấn, đưa cấu hình kỹ thuật và giá vào các gói thầu. Căn cứ vào đó, cấp dưới của Nhàn đã chuẩn bị hồ sơ, hàng hóa, ủy quyền, cam kết bảo hành của hãng cho AIC và các công ty “quân đỏ”.

Thông đồng với đơn vị tư vấn Mediconsult

Từ mối quan hệ trước đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã quen biết Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty Mediconsult, giới thiệu và đưa Công ty Mediconsult vào làm tư vấn cho Dự án, để có thể “cài cắm” các thiết bị, nâng khống giá hàng hóa theo giá Công ty AIC đưa ra.

Theo lời khai của Hoàng Thị Thúy Nga và các cán bộ, nhân viên liên quan, đã xác định quy trình lập danh mục thẩm định giá, báo giá để đưa vào danh mục cấu hình kỹ thuật thiết bị và giá do AIC đưa ra; sử dụng các công ty trực thuộc thông đồng với các công ty đối tác để thiết lập “quân xanh”, nhằm đảm bảo các công ty của mình trúng thầu.

Từ khi có thông tin về Dự án, AIC đã tự lập các báo giá làm sẵn, rồi chuyển cho các công ty Cát Vân Sa, BMS và Tạ Thiên Ân để ký khống. Toàn bộ các báo giá làm căn cứ thẩm định giá đều được nâng khống lên theo chỉ đạo từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào, từ đó, Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới ký duyệt, lập chứng thư thẩm định.

Căn cứ vào đó, chủ đầu tư, đại diện là Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đã phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá được đưa ra, sử dụng làm căn cứ để lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Quá trình điều tra và khai báo trước Hội đồng Xét xử, bị cáo Phan Huy Anh Vũ thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho AIC trúng thầu; đồng ý để AIC mời các hãng vào làm việc tại Bệnh viện nhằm chọn thiết bị y tế do AIC phân phối, đưa cấu hình kỹ thuật, giá dự kiến vào danh mục mua sắm dự kiến của Bệnh viện.

Thêm vào đó, dựa vào giới thiệu từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phan Huy Anh Vũ cũng đã chỉ định thầu và ký hợp đồng với Công ty Mediconsult là đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, tư vấn lập hồ sơ mời thầu và lựa chọn hồ sơ dự thầu, tư vấn giám sát, lắp đặt thiết bị, giúp AIC biết trước danh mục thiết bị y tế, chủ động làm hồ sơ, chuẩn bị trước thiết bị, máy móc.

Qua lời khai của các cá nhân liên quan, Hội đồng Xét xử cũng đã làm rõ hành vi của Vũ khi giới thiệu cho AIC làm việc với đơn vị thẩm định giá để AIC chủ động cung cấp báo giá cho các đơn vị này ban hành Chứng thư thẩm định giá trái pháp luật; tác động để Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai ký phê duyệt giá gói thầu, nâng giá dự toán gói thầu trái pháp luật; ký Phụ lục điều chỉnh phạt hợp đồng.

Phan Huy Anh Vũ cũng khai nhận, trong 10 năm đã nhận hối lộ 6 lần, tổng cộng số tiền 14,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo này nói, chỉ nghĩ đây là tiền “cảm ơn”, chứ không phải nhận trước để giúp đỡ AIC trúng thầu. Bị cáo cho rằng, trước đó, biết Công ty AIC muốn tham gia vào quá trình đấu thầu, nhưng không ai nói là muốn giúp, đồng thời khẳng định mình không nhận bất cứ thông tin nào rằng, sau khi hoàn thành Dự án sẽ nhận được quà cảm ơn.

Trả lời Hội đồng Xét xử, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho rằng, hành vi của mình bị truy tố cả hai tội danh “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiệm trọng” là quá nặng, liên tục xin được xét xử với chỉ một trong hai tội danh.

Sửa báo cáo tài chính, gian lận trong đấu thầu

Ngoài việc đặt vấn đề để được “ưu ái”, cũng như hối lộ hàng chục tỷ đồng đối với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai và Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn còn chỉ đạo cấp dưới dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để hợp thức hồ sơ, thông thầu.

Trong quá trình tham gia dự thầu, biết năng lực không đảm bảo theo quy mô các gói thầu, nên Nhàn cũng chỉ đạo Kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn và kế toán viên Lê Thị Hương điều chỉnh các thông tin trên Báo cáo tài chính của năm 2010 - 2013 nhằm tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo thực tế, để đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định của hồ sơ mời thầu.

Bên cạnh đó, tại gói thầu số 7, Trung tâm Tư vấn công nghiệp Đồng Nai đã lập hồ sơ mời thầu không đúng quy định cụ thể về quy mô của hợp đồng tương tự trong hồ sơ năng lực kinh nghiệm của nhà thầu đối với thi công hệ thống khí y tế, dẫn đến việc AIC đáp ứng đủ điều kiện để trúng thầu.

Với những cách thức nêu trên, AIC và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 trong tổng số 19 gói thầu thiết bị y tế và trúng toàn bộ 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng. Trong đó, AIC đứng tên trúng 12 gói thầu, còn lại là các công ty “quân xanh”, “quân đỏ”, như BMS, TNT, Thành An Hà Nội ký hợp đồng trực tiếp thực hiện 4 gói thầu với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế, AIC thực hiện cung ứng toàn bộ thiết bị của các gói thầu này và đã nhận lại toàn bộ số tiền chủ đầu tư thanh toán cho các công ty “quân xanh”, “quân đỏ”.

Trước Hội đồng Xét xử, các bị cáo đều thừa nhận hành vi, nhưng cho rằng khi làm hồ sơ “quân xanh” đều không có tư lợi nào trong gói thầu. Đến nay, lãnh đạo một số công ty “quân xanh” đã bị khởi tố, một số bỏ trốn và đang bị truy nã. Đối với trách nhiệm của lãnh đạo một số nhà thầu khác giúp sức cho bà Nhàn, viện kiểm sát đưa ra quan điểm sẽ tiếp tục xử lý trong giai đoạn sau của vụ án.

Ba bị cáo trốn truy nã đang ở Mỹ

 Tại Phiên xét xử sơ thẩm, các luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh trang thiết bị y tế Nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyết, Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội và Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa cho biết, các bị cáo này đang ở Mỹ và đã công bố bản tự bào chữa của các bị cáo. Đây là ba trong số 8 bị cáo đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.

Liên quan tới 3 công ty trên, theo điều tra, trong quá trình làm hồ sơ dự thầu, Hoàng Thế Quỳnh, Nguyễn Quang Minh (nhân viên của AIC) đã liên hệ với Ngô Thế Vinh đặt vấn đề làm “quân xanh” cho AIC tham gia đấu thầu tại Dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Vì muốn bán thiết bị y tế, nên Vinh đồng ý lập hồ sơ pháp lý và ký hồ sơ dự thầu 10 gói thầu để tham gia dự thầu.

Ngoài ra, Vinh còn cung cấp cho Minh báo giá thiết bị của các hãng sản xuất, lập hồ sơ kỹ thuật thiết bị y tế của gói thầu số 70, 71. Hành vi này được xác định gây thiệt hại số tiền hơn 74 tỷ đồng; Vinh thu lợi bất chính số tiền trên 120 triệu đồng.

Với Công ty Thành An Hà Nội, Hội đồng Xét xử cũng đã làm rõ việc ký các hợp đồng mua thiết bị y tế của Công ty Phúc Hưng và Công ty TCI (công ty con của AIC), bán lại cho Công ty AIC thu lợi nhuận số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Căn cứ lời khai của Hoàng Thế Quỳnh, Nguyễn Tấn Sỹ, Lê Chí Tuân, Ngô Thị Quỳnh Hoa, Phan Minh Trí và các nhân viên khác của Công ty AIC; Kết luận Giám định chữ ký của Nguyễn Đăng Thuyết và các tài liệu, chứng cứ khác, có đủ cơ sở xác định Nguyễn Đăng Thuyết đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc làm “quân đỏ”, “quân xanh” giúp AIC trúng thầu 5 gói thầu, gây thiệt hại số tiền hơn 55 tỷ đồng.

Bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh đã gửi tâm thư bày tỏ mong muốn được xét xử công tâm, khách quan và xin chấp nhận phán quyết của Tòa.
Với Công ty Cát Vân Sa, do muốn bán thiết bị y tế cho Dự án thông qua AIC, nên Đỗ Mỹ Hạnh đồng ý và chỉ đạo Trần Thị Hoa Trang, Kế toán trưởng, ký 13 bảng báo giá của 13 gói thầu, do AIC lập sẵn. Sau đó, Hoàng Thế Quỳnh gửi các bảng báo giá này đến Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới để làm căn cứ xác định giá đưa vào Chứng thư Thẩm định theo mức giá của AIC.

Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty Cát Vân Sa ký hợp đồng bán 42 thiết bị y tế cho Công ty TCI đưa vào dự án, thu lợi bất chính số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Ngoài Công ty AIC, cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng phải bồi thường
Theo đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, ngoài việc Công ty AIC chấp thuận bồi thường thiệt hại, thì cá nhân bà Nhàn cũng phải bồi thường, do là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư