Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Xi măng nội trước nguy cơ “bán mình” cho DN ngoại
Thế Hải - 09/03/2017 07:50
 
Hiện, giá xuất khẩu FOB clinker ở quanh mức 29USD/tấn, giảm 25% so với năm 2014, xi măng giảm còn 50USD/tấn so với mức 60USD/tấn. Giá giảm, cộng với thuế xuất khẩu, không được khấu từ VAT, DN nội đang đứng trước nguy cơ “bán mình” cho đối thủ ngoại.

Oằn vai vì thuế xuất khẩu 5% và VAT

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, sau gần 06 tháng áp dụng Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và số 122/2016/NĐ-CP, trong đó:

Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế GTGT, không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào – áp dụng từ 01/07/2016.

Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định: vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất xuất khẩu 5% - áp dụng từ 01/09/2016, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tiếp sau SCCC thâu tóm 65% cổ phần Xi măng Holcim, SCG cũng hoàn thành việc 100% cổ phần Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam.
Tiếp sau SCCC thâu tóm 65% cổ phần Xi măng Holcim, SCG cũng hoàn thành việc 100% cổ phần Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam.

Trao đổi với Baodautu.vn, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xi măng và clinker đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn khi chi phí xuất khẩu tăng vọt từ 3 - 5USD/tấn clinker (theo giá FOB bình quân 29USD/tấn) và tăng từ 6 - 7,5USD/tấn xi măng (tính theo giá FOB bình quân 50USD/tấn).

Với việc tăng chi phí đột biến này, các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam đang bế tắc và chịu lỗ nặng nề trong việc giữ khách hàng, thị trường và tồn tại cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Iran, Pakistan …

Quy mô của Ngành xi măng Việt Nam hiện nay có công suất 80 triệu tấn/năm, suất đầu tư bình quân khoảng 200USD/1 tấn xi măng thì tổng giá trị đầu tư toàn ngành tương đương 16 tỷ USD (360.000 tỷ đồng).

Xuất khẩu xi măng, clinker năm 2016 đạt 14,7 triệu tấn, trị giá 580 triệu USD, sau khi áp dụng 2 nghị định của Chính phủ thì Nhà nước hàng năm thu về được thuế xuất khẩu khoảng 500 tỷ VNĐ (~25 triệu USD).

Các doanh nghiệp xi măng cho rằng, so với tổng mức đầu tư và doanh thu của toàn ngành, thì khoản thuế 500 tỷ VNĐ thu về cho Nhà nước là quá nhỏ,  nhưng lại có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp xuất khẩu.

Không dừng lại ở đó, việc ghánh nhiều thuế, phí, cộng với kinh doanh xi măng ngày càng trầy trật trong điều kiện dư cung, khiến doanh nghiệp yếu đi, một mặt mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm ngành và tất yếu dẫn đến việc doanh nghiệp xi măng trong nước không thể tồn tại cạnh tranh và bắt buộc phải “bán mình”.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp xi măng, Hiệp hội xi măng Việt Nam cho rằng Chính Phủ và các Bộ Ngành cần phải sử dụng các giải pháp khác để tăng thu ngân sách và giảm tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong 1 tấn xi măng thay vì thu thuế tài nguyên gộp theo 2 Nghị định nêu trên.

Holcim, VCM đều đã về tay người Thái
Tiếp sau thương vụ thâu tóm đình đám, khi Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) mua lại 65% cổ phần của Holcim Việt Nam, “đại gia” người Thái, SCG, đồng thời là Tập đoàn lớn nhất Thái Lan, kinh doanh đa ngành, trong đó có mảng vật liệu xây dựng, xi măng đã lấn sâu thêm vào ngành xi măng Việt Nam thông qua việc mua lại 100% cổ phần Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM).
Thương vụ được tiến hành bởi Công ty TNHH SCG Xi măng - Vật liệu xây dựng, thành viên của SCG.
Theo đó, Công ty này đã mua lại 100% vốn cổ phần, tương đương 156 triệu USD từ các cổ đông hiện tại của VCM.
Giá trị doanh nghiệp trong giao dịch này trị giá 440 triệu USD, bao gồm nợ ròng và chi phí đầu tư cải tiến hiệu quả đối với tài sản mua lại.
Việc công bố mua lại 100% cổ phần VCM ngay trong những tháng đầu năm 2017, cho thấy “ông lớn” này đã đưa VCM vào tầm ngắm từ lâu, một lần nữa chứng tỏ xi măng Việt Nam vẫn đang là ngành kinh doanh hấp dấn với các ông chủ Thái.
Nhưng, mua VCM không phải là thương vụ đầu tiên của Tập đoàn SCG. Năm 2012, Tập đoàn này đã mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai để nhanh chóng gia tăng sản lượng và chớp thời cơ kinh doanh xi măng, clinker tại thị trường Việt Nam.
Năm 2016, SCCC mua 65% cổ phần Holcim Việt Nam là một thương vụ đình đám. Trước đó, rất nhiều doanh nghiệp xi măng trong và ngoài nước cùng nhòm ngó thương vụ này, nhưng SCCC lại là đối thủ nặng ký nhất, “chốt hạ” được với LafargeHolcim bằng việc bỏ ra khoản vốn hơn 580 triệu USD để thâu tóm 65% cổ phần tại Holcim Việt Nam. 35% vốn còn lại trong Liên doanh này do doanh nghiệp Việt Nam là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) sở hữu.

Khách hàng đang rời bỏ Việt Nam

Là doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker thường xuyên, với quy mô công suất hơn 14 triệu tấn xi măng/năm. Cuối năm 2016, đưa 2 dây chuyền mới được đưa vào hoạt động, công suất 4,3 triệu tấn tại Đô Lương, Nghệ An, Tập đoàn Xi măng The Vissai cũng khẳng định, thực tế thời gian qua cho thấy, khách hàng nhập khẩu xi măng, clinker đang rời bỏ Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết, kể từ khi áp dụng hai Nghị định 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP, mỗi tấn clinker và xi măng xất khẩu của Việt Nam đang gánh thêm chi phí thuế từ 4 USD/tấn đến 7 USD/tấn và, các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải oằn mình bù lỗ cho những tấn hàng xuất khẩu để giữ thị trường và uy tín với bạn hàng, đặc biệt với những thị trường và bạn hàng đã ký kết hợp đồng dài hạn.

 “Ngoài ra, với giá bán sau áp thuế xuất khẩu sẽ cao hơn hẳn các đối thủ trong khu vực, các các đối tác, bạn hàng, khách hàng đang mua xi măng, clinker sẽ phải từ bỏ thị trường Việt Nam, chuyển hướng sang mua của các thị trường khác trong khu vực có sự ổn định và giá bán cạnh tranh hơn nhiều”, ông Đạt khuyến cáo.

Mất khách hàng, sản lượng xuất khẩu giảm, cộng với giá xuất khẩu giảm sâu cả năm nay, các doanh nghiệp lo ngại dẫn đến hậu quả nặng nề cho ngành xi măng khi sự chậm hàng, ế ẩm và bế tắc từ hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp xi măng sẽ ồ ạt giảm giá, khuyến mại để đưa hàng chục triệu tấn xi măng clinker quay lại thị trường nội địa.

Khi đó,  sẽ gây ra sự hỗn loạn của thị trường xi măng trong nước, phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, giành giật lẫn nhau và cuối cùng có thể dẫn đến việc giải thể, phá sản hoặc bán công ty.

Tháng 1/2017, xuất khẩu xi măng, clinker đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 48 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 1/2017 đã giảm cả về lượng và trị giá với các mức tương ứng là 11,2% và 12%.
Tổng cục Hải quan

Trên thực tế, với nguồn cung xi măng đang lớn hơn cầu, cộng với các thị trường trong khu vực cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu, điển hình là Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia…, sự cạnh tranh để có được cái gật đầu từ khách hàng nhập khẩu đối với xi măng, clinker chỉ nằm trong mức chênh lệch từ 0.5USD – 1USD/tấn.  

Xuất khẩu xi măng của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng liên tục từ năm 2010 đến 2014 với đỉnh cao năm 2014 là xuất khẩu xấp xỉ 20 triệu tấn xi măng và clinker, doanh thu gần 1 tỷ USD, đứng nhất nhì trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, 2 năm 2015-2016 thì sản lượng xuất khẩu chỉ còn 16,2 triệu tấn và 14,7 triệu tấn. Đáng quan ngại là cùng với sự sụt giảm của sản lượng thì giá cũng tụt thê thảm. 

Số liệu từ Hiệp hội Xi măng cho thấy, năm  2014, giá xuất khẩu FOB clinker từ 38-40USD/tấn, xi măng trên dưới 55USD/tấn, bắt đầu giảm từ năm 2015 đến nay.

Tại thời điểm này, giá xuất khẩu FOB clinker ở quanh mức 29USD/tấn, giảm 25% so với năm 2014, xi măng giảm còn 50USD/tấn. Nguyên nhân xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam giảm sút cả về số lượng và giá cả là do sức ép cạnh tranh từ xi măng Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước khác.

Các doanh nghiệp xi măng có hoạt động xuất khẩu lớn đồng loạt phản pháo, nếu tiếp tục thực hiện theo nội dung của 02 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP thì sức cạnh tranh của xi măng clinker Việt Nam sẽ hoàn toàn không còn, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng chắc chắn sẽ thua lỗ dẫn đến phá sản hoặc phải bán lại, gia tăng các thương vụ bị  thôn tính bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Nguyên nhân xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam giảm sút cả về số lượng và giá cả là do sức ép cạnh tranh từ xi măng Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và một số nước khác. Vì vậy, nếu tiếp tục thực hiện theo nội dung của 02 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP thì sức cạnh tranh của xi măng clinker Việt Nam sẽ hoàn toàn không còn, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng chắc chắn sẽ thua lỗ dẫn đến phá sản hoặc phải bán lại, bị thôn tính bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam
Sau bán lẻ, đại gia Thái thâu tóm xi măng Việt
Tới đây, khi có thông báo về danh tính nhà đầu tư sở hữu 65% cổ phần tại LafargeHolcim Việt Nam, trong vòng 60 ngày, nếu Vicem không có động thái mua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư