Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Xi măng Yên Bái ốm yếu, SCIC khó lấy lại tiền
Thế Hải - 17/08/2014 19:14
 
Hiện sở hữu 39,8% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (YBC), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ chào bán toàn bộ số vốn này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lộ kế hoạch tái cơ cấu khủng Tổng công ty Đường sắt
Vinaconex bán hết cổ phần ở Viwapico
Bảo Việt thu 65 tỷ từ thoái vốn tại Bảo Long
DNNN thoái vốn khỏi ngân hàng: SCIC chưa mua được đồng nào
SCIC đã đạt một nửa mục tiêu thoái vốn

Theo thông tin từ SCIC, với số cổ phần đang nắm giữ là 1.927.770 (trị giá tương đương 19.277.700.000 đồng, trong tổng số 48.374.300.000 đồng vốn điều lệ của YBC), tổ chức kinh doanh vốn này sẽ đem toàn bộ cổ phần ra bán đấu giá, với giá khởi điểm không thấp hơn mức giá 10.000 đồng/cổ phần.

  Xi măng Yên Bái ốm yếu, SCIC khó lấy lại tiền  
  Quyết định thoái toàn bộ phần vốn tại một doanh nghiệp xi măng “ốm yếu” như YBC là nhiệm vụ quá khó với SCIC  

Quyết định thoái toàn bộ phần vốn tại một doanh nghiệp xi măng “ốm yếu” như YBC được coi là rất khó.

Khó bởi hiện nay, thị trường xi măng vẫn bí đầu ra, không ít doanh nghiệp xi măng có quy mô và năng lực sản xuất lớn vẫn đang trầy trật “kéo cày trả nợ” vốn, lãi vay đầu tư.

Ngoài khó khăn mang tính khách quan, thì những khó khăn từ nội tại của YBC càng tạo thêm lực cản cho nỗ lực thoái vốn của SCIC.

Tại thời điểm này, theo báo cáo cập nhật của Bộ Xây dựng, tổng năng lực sản xuất của ngành xi măng Việt Nam lên tới 75 triệu tấn. Trong 7 tháng đầu năm 2014, toàn ngành tiêu thụ trên gần 38  triệu tấn (đã bao gồm xuất khẩu) và theo dự báo của Bộ Xây dựng, ở một kịch bản khả quan nhất, tiêu thụ cả năm cũng chỉ ở mức 67 triệu tấn.

Trong khi đó, trong “bảng xếp hạng” về hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành xi măng, YBC đang xếp ở vị trí cuối cùng.

Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, tiền thân là Nhà máy Xi măng Yên Bái, đặt trụ sở chính tại tổ 16, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, nhà máy có công suất 60.000 tấn xi măng/năm, đến năm 2002 nâng công suất lên 120.000 tấn/năm, năm 2004 đầu tư cải tạo nâng công suất lên 150.000 tấn/năm. Tháng 5/2005, Công ty chuyển đổi công nghệ từ lò đứng sang lò quay, nâng công suất lên 300.000 tấn /năm.

Với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, năm 2000, YBC thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến sản phẩm cacbonat canxi (CaCO3) theo công nghệ và thiết bị do  Đức và Tây Ban Nha chế tạo.

Qua các giai đoạn đầu tư phát triển, cho đến nay, Nhà máy Chế biến CaCO3 có công suất 200.000 tấn/năm và là nhà máy chế biến CaCO3 lớn nhất Việt Nam.

Chính thức giao dịch cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2008, nhưng vào ngày 28/5/2014, YBC đã bị hủy niêm yết do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục (2011, 2012, 2013) và lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ.

Theo báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2013 khoản lỗ lũy kế của Công ty là 52,7 tỷ đồng và số nợ vượt quá tổng tài sản của Công ty, với 118 tỷ đồng nợ ngắn hạn, nợ dài hạn là 125,4 tỷ đồng.

Những con số này đã chỉ ra rằng, khả năng “tồn tại lành mạnh” của doanh nghiệp này trong thời gian tới vẫn còn là một thách thức lớn.

Năm 2014, Công ty đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 350.000 tấn sản phẩm, trong đó là 40.000 tấn clnker, 310.000 tấn xi măng rời, 322.000 tấn sản phẩm CaCO3, 150.000 tấn bột siêu mịn. Doanh thu cả năm sẽ là 420 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2014, Công ty mới đạt hơn 40% kế hoạch doanh thu.

Dù bất cứ nhà đầu tư nào cũng hiểu, đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp là rất rủi ro, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Chiến, Phó giám đốc YBC cho rằng, trong gần 3 năm qua, suy thoái kinh tế thế giới và đặc biệt tại Việt Nam, xây dựng, bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, đầu tư công của Nhà nước cũng bị cắt giảm mạnh nên đã tác động bất lợi cho tiêu thụ xi măng - lĩnh vực sản xuất chính của Công ty. Tuy nhiên, sản phẩm CaCO3 của Công ty đã từng bước khẳng định vai trò chủ đạo trên thị trường loại hàng hóa đặc biệt này, nên tạo hiệu quả cao cho Công ty.

“Không chỉ có vậy, sản phẩm đá và bột đá trong năm 2013 đã đem lại cho Công ty khoản lãi 24,3 tỷ đồng. Vì thế, trong ngắn hạn, nếu chấp nhận mức giá thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, SCIC vẫn có cơ hội để thoái được vốn”, ông Chiến nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư