Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 10 tháng 10 năm 2024,
Xuất khẩu: doanh nghiệp nội “mất điểm”
Nguyên Đức - 27/08/2013 14:54
 
8 tháng đầu năm, khối DN trong nước vẫn nhập siêu rất lớn, lên tới 8,4 tỷ USD, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chỉ 3,1% so với cùng kỳ. >>> Những mảng sáng tối của nền kinh tế >>> Nhập siêu 576 triệu USD trong 8 tháng

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định rằng, xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) trong nước có dấu hiệu phục hồi, với 8 tháng đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ; dự báo 9 tháng đạt 32,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Nói là phục hồi, bởi 9 tháng đầu năm ngoái, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước giảm 1% so với cùng kỳ năm 2011.

Mặc dù vậy, nếu tính trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, sự yếu thế của khối DN trong nước là điều nhìn thấy rõ.

Giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp nội đã giảm
khá mạnh, trong đó, giá gạo giảm 3%

Trong khi tăng trưởng xuất khẩu của DN trong nước chỉ dao động quanh mức 3-4%, thì khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 26% trong 8 tháng, dự báo 23,9% trong 9 tháng, tương ứng ước đạt 51,2 tỷ USD và 57 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

“Xuất khẩu của khối DN trong nước phục hồi chậm và chưa ổn định, chủ yếu là vì hầu hết các mặt hàng thế mạnh là nông sản và thủy sản đều giảm giá so với năm 2012; năng lực cạnh tranh của khu vực trong nước còn thấp, chậm thích nghi với những biến động của kinh tế thế giới”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định và cho rằng, những khó khăn trong tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trong nước cũng là yếu tố khiến DN nội “mất điểm” trước DN ngoại trong cuộc đua xuất nhập khẩu.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN nội đã giảm khá mạnh, như giá cao su giảm 13,5%; than đá giảm 17,5%; hạt điều giảm 7,7%; gạo giảm 3%...

“Giá xuất khẩu giảm, trong khi giá đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của DN”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trong khi đó, một loạt sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu cao, như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, linh kiện, giày dép, dệt may, máy ảnh… đều phụ thuộc rất lớn vào khối DN nước ngoài.

Cụ thể, DN nước ngoài đóng góp 99% kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện; 98% máy tính và linh kiện điện tử; 99,6% máy ảnh; 77% giày dép và 60% hàng dệt may. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này chỉ trong 8 tháng đầu năm đã lên tới 36,9 tỷ USD, trong đó riêng mặt hàng điện thoại và linh kiện là 13,1 tỷ USD, đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Không chỉ là xuất khẩu, mà 8 tháng qua, trong khi nhập khẩu của khối DN nước ngoài tăng cao, thì của khối DN trong nước cũng phục hồi rất chậm. Nhập khẩu ít, sản xuất chậm và tăng trưởng xuất khẩu thấp, đó là lẽ đương nhiên, và “vòng xoáy” tiếp theo sẽ lại là phải thu hẹp sản xuất, giảm nhu cầu nhập khẩu.

Mặc dù vậy, 8 tháng đầu năm, khối DN trong nước vẫn nhập siêu rất lớn, lên tới 8,4 tỷ USD. Ngược lại, khối DN nước ngoài xuất siêu 3 tỷ USD nếu không kể dầu thô và 7,8 tỷ USD nếu kể cả dầu thô.

Kết quả này khiến tính chung, nhập siêu của cả nước trong 8 tháng đầu năm vào khoảng 576 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ước tính, con số này trong 9 tháng đầu năm khoảng 700 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu, còn cả năm là khoảng 2 tỷ USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nhập siêu 576 triệu USD trong 8 tháng
Cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt 576 triệu USD trong 8 tháng đầu năm. Dự kiến cả năm, con số này có thể vào khoảng 2 tỷ USD, bằng 1,6% kim...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư